Tuyến đường sắt nối liền khu vực phía tây của Tây Tạng với Nepal là một trong những thỏa thuận song phương được hai nước ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli tới Bắc Kinh từ 19 đến 24/6.
Theo Reuters, tuyến đường sắt này sẽ kết nối thành phố Xigaze thuộc khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc với thủ đô Kathmandu của Nepal.
Hai bên đã ký kết hơn 10 thỏa thuận liên quan đến công nghệ, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng và hợp tác chính trị, theo thông báo được đăng tải trên website chính thức của chính phủ Trung Quốc hôm 21/6.
Thủ tướng Nepal và Thủ tướng Trung Quốc tham dự lễ chào mừng tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 21/6. Ảnh: EPA. |
Theo China Daily, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc muốn hợp tác với Nepal để xây dựng một "mạng lưới kết nối xuyên Himalaya" thông qua các cảng hàng không, thương mại, đường cao tốc và viễn thông.
Trong bài phỏng vấn với tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 22/6, Thủ tướng Oli nhấn mạnh "kết nối xuyên biên giới" là ưu tiên hàng đầu của Nepal. Ông đồng thời kêu gọi hai quốc gia hợp tác để phát triển nguồn tài nguyên thủy điện Nepal.
Trước đó, Nepal đã hủy bỏ thỏa thuận xây dựng nhà máy thủy điện trị giá 2,5 tỷ USD với tập đoàn Trung Quốc Gezhouba do sai sót trong quá trình giao thầu.
Thỏa thuận thủy điện trị giá 1,6 tỷ USD với tập đoàn Dự án Tam Hiệp của Trung Quốc thì vẫn nằm trong diện xem xét. Các quan chức Nepal nghi ngờ phía Trung Quốc đang tranh giành các điều khoản tốt hơn.
Nepal vốn là nước có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện. Tuy nhiên, do thiếu vốn cũng như hạn chế về công nghệ, nước này phụ thuộc lớn vào lượng điện nhập khẩu từ Ấn Độ.
Nepal được coi là một trong những quân cờ quan trọng mà Trung Quốc luôn muốn lôi kéo về phía mình trên bàn cờ Nam Á. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn tạo ảnh hưởng tại Nepal thông qua các dự án hạ tầng.