Ai cũng biết Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng không ai biết chính xác nó cao bao nhiêu.
Trong nhiều năm dài, các nhà địa chất đã không thể thống nhất nhau về cách tính toán chiều cao của đỉnh Everest: Họ có nên tính cả chiều dày của lớp tuyết phủ trên đỉnh núi không? Hay chiều cao chỉ nên tính từ phần đỉnh núi đá?
Trận động đất gần đây ở Nepal đã làm Everest "sụt" xuống một chút, nhưng đó là 2,5 hay 3 cm? Chưa kể những cơn gió liên tục làm thay đổi độ dày của lớp tuyết phủ.
Chiều cao được công nhận của Everest là 8.848 m, biến nó trở thành đỉnh núi cao nhất thế giới tính từ mực nước biển. Ảnh: AFP. |
Không những vậy, các nhà địa chất học còn phải đối mặt với các thử thách về địa hình khi họ chỉ có thể leo đến đỉnh Everest vài tuần trong một năm và việc đo độ cao của đỉnh núi tính từ mực nước biển là không hề dễ dàng, đặc biệt với một quốc gia nằm hoàn toàn trong đất liền, không giáp biển như Nepal.
Chiều cao được công nhận của đỉnh Everest là 8.848 m. Dù vậy, các nhóm nghiên cứu địa chất trên khắp thế giới đã đưa ra những kết quả tính toán khác. Năm 1992, một nhóm địa chất của Italy đã công bố kết quả là 8.845 m. Kết quả đo đạc của các nhà khoa học Mỹ vào năm 1999 là 8.849 m.
Nepal "cự tuyệt" chuyên gia nước ngoài
Những chuyến đi đo đạc trên thường không có mặt các chuyên gia địa phương. Giờ đây, những người Nepal đang muốn hạn chế sự can thiệp của nước ngoài và muốn tự mình giải quyết vấn đề chiều cao của Everest. New York Times nhận định động thái này, bên cạnh động cơ khoa học, còn có cả niềm tự hào dân tộc.
"Everest là báu vật của chúng tôi", tờ báo dẫn lời ông Buddhi Narayan Shrestha, người từng đứng đầu Cơ quan Khảo sát Nepal. "Điều gì sẽ xảy ra nếu các chuyên gia nước ngoài cứ liên tục hạ thấp chiều cao đỉnh núi của chúng tôi mà không có sự tham gia của chúng tôi?".
Vào giữa thế kỷ thứ 19, Nepal còn là một vương triều Hindu khép kín với thế giới. Chiều cao được công nhận cho Everest, khi đó được biết đến là Đỉnh XV, là 8.839 m. Đến giữa thập niên 1950, chiều cao của Everest được công nhận là 8.848 m như hiện nay.
(Theo cách tính khác thì đỉnh núi cao nhất thực tế là đỉnh Chimborazo ở Ecuador. Vốn là núi lửa ngừng hoạt động, đỉnh Chimborazo chỉ cao 6.248 m từ mực nước biển, thấp hơn nhiều so với đỉnh Everest. Tuy vậy nhưng do trái đất phình ra ở phần xích đạo nên nếu đo từ tâm trái đất thì Chimborazo lại là đỉnh cao nhất ở mức 6.384,3 km.)
Chính phủ Nepal không công nhận mọi kết quả đo đạc từ các chuyên gia nước ngoài, có một số phương pháp được ưu ái hơn các phương pháp khác.
Năm 2005, sau khi các chuyên gia từ Trung Quốc, đất nước chia sẻ đỉnh Everest với Nepal, đo đạc chiều cao từ cả phần núi đá lẫn phần tuyết phủ, một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra. Tshering Sherpa, người từng đứng đầu Hiệp hội Leo núi Nepal, nói rằng Trung Quốc đã gây áp lực lên chính phủ Nepal và các cơ quan quốc tế để công nhận chiều cao là 8.844 m, tức chỉ tính từ phần núi đá mà không bao gồm lớp tuyết.
Đường lên đỉnh Everest nằm ở biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Ảnh: AFP. |
Nepal không đồng ý và Trung Quốc cuối cùng phải nhượng bộ. Việc ngọn núi được chứng nhận cao thêm vài mét có thể khiến những người leo núi thay đổi lịch trình, điểm bắt đầu leo hoặc tiêu thêm tiền tại Nepal.
"Năm ngoái, Trung Quốc thay đổi con số tính toán của họ sau khi số người leo núi từ phía bắc (phía Tây Tạng) giảm mạnh", ông Sherpa cho biết.
Nepal cũng từ chối đề nghị hợp tác từ Ấn Độ về việc cùng nhau đo đạc đỉnh núi.
"Chúng tôi đủ khả năng cho việc này", ông Ganesh Prasad Bhatta, giám đốc cơ quan đo đạc Nepal, cho biết.
Cuộc chay đua lãng phí?
Roger Bilham, nhà địa chất học tại Đại học Colorado Boulder, nói rằng Everest nằm ở một vùng chịu đè nén giữa phía nam Tây Tạng và Ấn Độ. Điều này có nghĩa là nó sẽ sụt xuống vào những trận động đất và cao lên vào những thời điểm giữa hai trận động đất. Trận động đất mạnh vào năm 1934 đã làm ngọn núi thấp đi 63 cm.
Vào thế kỷ 19, người ta đo độ cao của Everest bằng việc tính góc của đỉnh núi và các điểm trên mặt đất mà vị trí tương đối của chúng với mực nước biển đã được xác định trước đó.
Ngày nay, các nhà đo đạc đặt một hệ thống định vị toàn cầu trên đỉnh núi trong một giờ và dùng các công thức toán học để tính toán chiều cao so với mực nước biển từ vệ tinh và lực hấp dẫn từ vị trí đặt máy.
Các kết quả đo đạc chiều cao của Everest, dù chênh lệch vài m, có thể ảnh hưởng để lịch trình của các tay leo núi. Ảnh: AFP. |
Trong tháng này, các nhà đo đạc của Nepal sẽ thu thập các số liệu dọc theo các vùng đồng bằng của nước này, nơi họ dự tính đo đạc chiều cao so với mực nước biển. Một nhóm người bản địa đang được huấn luyện để đưa thiết bị định vị lên đỉnh núi. Chi phí đo đạc rơi vào khoảng 250.000 USD.
Alan Arnette, một người leo núi nổi tiếng, nói rằng bất cứ việc đo đạc chiều cao nào cũng chỉ là nhất thời khi lượng tuyết đóng trên đỉnh thay đổi liên tục. Ông chất vấn liệu số tiền bỏ ra có đáng để thực hiện việc đo đạc này không.
"Là một người leo núi, tôi muốn nhìn thấy kết quả", ông Arnette nói. "Nhưng với tư cách một người đứng về phía người Nepal, số tiền này có thể chi cho công việc, thực phẩm, không khí sạch hay những chương trình quan trọng hơn đối với sức khỏe của một quốc gia".