Himalayan Times cho biết Bộ Du lịch Nepal đã bắt đầu áp dụng các quy định mới trong tuần này sau một tháng thảo luận. Những người leo núi một mình, người mù và người cụt cả hai tay hoặc hai chân sẽ bị cấm tham gia hành trình leo lên Everest.
Theo quy định mới, những người leo núi đơn lẻ sẽ cần phải đi cùng một người dẫn đường. Những người hỗ trợ hành trình này cũng sẽ đủ điều kiện để nhận chứng chỉ chinh phục thành công Everest.
6 người đã thiệt mạng trong hành trình leo núi Everest năm nay. Ảnh: AP. |
Việc giới hạn độ tuổi của người leo núi tối đa là 76 đã không được đưa vào quy định mới. Giới hạn này được đề nghị sau cái chết của một người leo núi 85 tuổi hồi tháng 5. Tuy nhiên, chính phủ Nepal vẫn cấm người dưới 16 tuổi tham gia.
Những thay đổi nói trên đã nhận về chỉ trích từ đại sứ Mỹ tại Nepal cũng như một cựu binh Gurkha đang mong muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới dù đã mất đi hai chân, theo Guardian.
Ông Hari Budha Magar, cựu binh đã phải cắt bỏ chi dưới sau một vụ nổ tại Afghanistan, đang tập luyện với hy vọng trở thành người tàn phế hai chân quá gối đầu tiên trên thế giới chinh phục thành công Everest.
Một trong những tuyến đường phổ biến để chinh phục Everest xuất phát từ Nepal. Đồ họa: BBC. |
"Nepal nên tự hào về tôi, chứ không phải cấm chỉ tôi", ông viết trên Facebook. "Tôi sẽ vẫn leo lên Everest dù chính phủ nói sao đi nữa. Không Gì Là Không thể".
Đại sứ Mỹ Alaina B Teplitz viết trên Twitter: "Những nhà leo núi như Hari Budha Magar không nên bị cấm vì những đánh giá sai lầm về năng lực".
Theo Himalayan Database, một hệ thống cơ sở dữ liệu về việc leo Everest, 29 người khuyết tật từng tham gia hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, trong đó 15 người thành công. Hai người tử nạn vào các năm 2006 và 2014.
Từ năm 1953 đến nay, 288 người không khuyết tật đã thiệt mạng trong tổng số 8.306 người tham gia hành trình cam go này. Tính riêng năm nay, số người chết là 6 trong khi số người leo lên đến đỉnh là 648.