Gần đây, chính phủ Trung Quốc đang chuyển sự chú ý sang văn hóa tôn thờ thần tượng thái quá. Bắc Kinh đang thực hiện một loạt hành động để kiềm chế việc tôn thờ người nổi tiếng và fanclub (câu lạc bộ người hâm mộ), trong bối cảnh các quan chức lo ngại hành động trên không gian mạng đang ảnh hưởng xấu tới giới trẻ nước này, theo New York Times.
Hôm 27/8, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cấm xếp hạng các ngôi sao theo mức độ nổi tiếng. Chính quyền kêu gọi các quy định chặt chẽ hơn đối với “sự hỗn loạn” trong các câu lạc bộ người hâm mộ (fanclub), cũng như với sự áp đặt sức ảnh hưởng của các ngôi sao trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh và chương trình truyền hình.
Đưa ra hàng loạt sự trừng phạt
Đầu tiên, chính phủ nhằm vào chính những người nổi tiếng. Nữ diễn viên Trịnh Sảng đã bị buộc tội trốn thuế với mức phạt lên tới 46 triệu USD. Cô chính thức bị cấm hoạt động nghệ thuật vĩnh viễn, các đài truyền hình được yêu cầu ngừng chiếu nội dung nữ diễn viên này xuất hiện.
Nữ diễn viên lên tiếng xin lỗi, cảm thấy “hối hận” và khẳng định mình sẽ trả tiền phạt. Hồi đầu năm, Trịnh Sảng từng sa lầy vào bê bối mang thai hộ.
Trên phương tiện truyền thông mạng xã hội, hình ảnh của Triệu Vy - một trong những nữ diễn viên hàng đầu của Trung Quốc - cũng biến mất vì những lý do chưa rõ.
Tài khoản của Triệu Vy trên mạng xã hội Weibo vẫn có thể truy cập vào hôm 27/8, nhưng nhiều bộ phim, chương trình và video cô xuất hiện, hay diễn đàn trực tuyến lớn đã bị chuyển sang chế độ ngoại tuyến. Tên Triệu Vy thậm chí còn bị xóa khỏi các tác phẩm cô đã đóng vai chính.
Triệu Vy chưa lên tiếng phản hồi về vấn đề này.
Trịnh Sảng chính thức bị cấm hoạt động nghệ thuật vì tội danh trốn thuế. Ảnh: Weibo. |
Nền tảng trang web phát video của Trung Quốc cũng nhanh chóng rơi vào tầm kiểm soát của chính phủ. Mạng video iQiyi đã hủy bỏ chương trình tuyển chọn thần tượng trong tuần này.
Động thái này được chương trình nhấn mạnh là nhằm “vạch ra ranh giới rõ ràng về các xu hướng không lành mạnh trong ngành giải trí”.
Cũng trong năm nay, chương trình hứng chỉ trích sau khi người hâm mộ của nhiều thí sinh đã mua sữa từ Mengniu Dairy - một nhà tài trợ - để kiếm thêm điểm cho thần tượng, sau đó đổ một lượng lớn sữa xuống cống.
Nhà chức trách cũng chỉ trích văn hóa tôn thờ “điên cuồng”. Một số người hâm mộ cuồng nhiệt của Ngô Diệc Phàm - người đang bị tạm giữ vì vướng vào cáo buộc hiếp dâm - đã cố gắng quyên tiền để chi trả cho chi phí pháp lý cho ca sĩ này.
Trên nhiều phương tiện truyền thông, nhiều người còn đăng tải và lập nhóm trò chuyện để bắt đầu chiến dịch “giải cứu”, đưa nam ca sĩ ra khỏi nơi giam giữ. “Tôi có kế hoạch giải cứu 'anh trai' mình”, một người dùng Weibo viết. “Tôi đã xem Vượt ngục. Tôi biết phải làm thế nào”.
Không dung thứ hành vi sai trái của người nổi tiếng
Những người tôn thờ thần tượng một cách thái quá đang trở thành đối tượng béo bở cho các thương hiệu nổi tiếng. Họ thuê những ngôi sao có lượng người theo dõi lớn để quảng bá cho thương hiệu.
Một số fanclub và tổ chức cũng kiếm tiền bằng cách thu phí các thành viên trong câu lạc bộ, như mua hình ảnh chất lượng cao của thần tượng hoặc khuyến khích người hâm mộ chi tiền cho các hoạt động quảng bá.
Đối với nhiều thương hiệu, hơn một nửa ngân sách tiếp thị hiện dành cho người nổi tiếng, theo Mark Tanner - giám đốc điều hành China Skinny, cơ quan tiếp thị và nghiên cứu có trụ sở tại Thượng Hải.
“'Thế hệ cô đơn' này tìm thấy sự đồng hành thông qua những mối quan hệ ảo”, ông Tanner nói. “Từ góc độ xây dựng thương hiệu, không thể đánh giá thấp sức mạnh của hiện tượng này. Những người hâm mộ đang mua mọi sản phẩm mà thần tượng của họ ủng hộ. Vì vậy, tất cả những gì cần làm chọn thần tượng đó vào vai đại sứ thương hiệu”.
Bắc Kinh cũng đang nhắm tới nền kinh tế thứ cấp phát triển mạnh mẽ từ các fanclub - nơi khuyến khích người hâm mộ mua sản phẩm mà thần tượng họ đại diện.
Động thái thanh lọc fanclub ngỗ ngược và kỷ luật những người nổi tiếng là ví dụ mới nhất về hành động chấn chỉnh văn hóa dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vào năm 2014, ông Tập từng nói rằng nghệ thuật và văn hóa nên được tạo ra để phục vụ người dân. Kể từ đó, ngành công nghiệp giải trí như một chiến trường tư tưởng, từ kiểm duyệt chủ đề cho tới ảnh hưởng của người nổi tiếng.
Ngô Diệc Phàm đang bị tạm giữ vì vướng nghi án hiếp dâm cùng hàng loạt hành vi phạm pháp khác. Ảnh: Sina. |
Theo Hung Huang, một blogger và nhà xuất bản tạp chí nổi tiếng ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra các quy định để bắt kịp với văn hóa người hâm mộ trực tuyến ở quốc gia này.
“Thủ tục thực thi pháp luật không theo kịp công nghệ mới. Fanclub là công nghệ mới và là một con quái vật nhỏ tạo ra bởi phương tiện truyền thông xã hội”, bà Huang nói.
Với việc kiểm soát fanclub, Bắc Kinh đã cho thấy quan điểm về ngành giải trí bị đảo ngược hoàn toàn chỉ trong một năm. Nhiều phương tiện truyền thông nhà nước từng ca ngợi văn hóa người hâm mộ vì đã thúc đẩy “năng lượng tích cực” tự phát.
Gần đây, nhà chức trách đưa ra cảnh báo về những hành vi cực đoan trên các diễn đàn, như đánh nhau giữa các fanclub hay "doxxing" - hành động liên quan đến việc đào bới quyền riêng tư của các cá nhân và công bố trực tuyến.
“Hành vi như vậy làm vấy bẩn hệ sinh thái Internet trong sạch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng”, Cơ quan quản lý Internet cho biết trong một tuyên bố.
Nhà chức trách cũng nhanh chóng chứng minh họ có thể dễ dàng xóa sạch sự hiện diện của người nổi tiếng khỏi Internet. Hành động như vậy thường ít khi xảy ra, như trường hợp của Triệu Vy.
Một bài báo của Nhân dân Nhật báo vào ngày 27/8 nêu rõ: Không còn chỗ cho những hành vi sai trái của người nổi tiếng.
“Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật, bạn phải luôn tuân theo pháp quyền, giữ cốt lõi đạo đức”, bài báo ghi. “Nếu không, chạm vào ranh giới đỏ của luật pháp và đạo đức cũng là lúc bạn chạm cái kết trên con đường biểu diễn nghệ thuật”.