Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc lợi dụng 'Vành đai và Con đường' để bán vũ khí

Nhờ sáng kiến hạ tầng "Vành đai và Con đường", Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí và đang vươn lên cạnh tranh với Mỹ và Nga.

Theo CNBC, thống kê tháng 3/2019 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy trong 5 năm qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, bên cạnh Mỹ, Nga, Pháp và Đức.

Năm quốc gia này chiếm đến 3/4 tổng số vũ khí xuất khẩu toàn cầu. SIPRI cho biết trong vòng 12 năm qua, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 16,2 tỷ đơn vị đạn, chủ yếu sang các quốc gia châu Á, Trung Đông và châu Phi.

CNBC dẫn lời nhà nghiên cứu Timothy Heath thuộc RAND Corporation cho biết lợi thế thị trường và quy định kiểm soát vũ khí lỏng lẻo tại các quốc gia đang phát triển giúp Trung Quốc trở thành một trong nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Quan su Trung Quoc anh 1
Lính Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters. 

Bán cho đối tác "Vành đai và Con đường"

SIPRI ước từ năm 2007 đến nay, các khách hàng mua nhiều vũ khí Trung Quốc nhất - tính theo tổng số đơn vị - là Pakistan (6,57 tỷ đơn vị), Bangladesh (1,99 tỷ đơn vị) và Myanmar (1,28 tỷ đơn vị).

Cả 3 quốc gia này đều là tham gia sáng kiến sáng kiến hạ tầng "Vành đai - Con đường" do Trung Quốc khởi xướng. Riêng trong năm 2018, Trung Quốc bán cho Bangladesh 75 triệu đơn vị vũ khí, Myanmar 105 triệu đơn vị và Pakistan 448 triệu đơn vị. 

“Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, đặc biệt sang các quốc gia đối tác trong sáng kiến Vành đai và Con đường", chuyên gia Heath dự báo.

Chuyên gia Roy Kamphausen, Chủ tịch Cục Nghiên cứu Quốc gia châu Á (NBR) cho biết vũ khí thông thường của Trung Quốc chiếm 3% thị trường nhập khẩu ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Hai thị trường này chuộng vũ khí đến từ Mỹ (19%), Nga (14%) và Đức (12%) hơn.

Quan su Trung Quoc anh 2
Trung Quốc xuất khẩu nhiều vũ khí sang các nước đối tác trong sáng kiến "Vành đai và Con đường". Ảnh: Reuters. 

Danh sách quốc gia mua vũ khí Trung Quốc đang tiếp tục dài thêm, nhưng SIPRI cho biết một số quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn như Ấn Độ, Australia hay Hàn Quốc sẽ tránh xa súng đạn "Made in China" vì vấn đề chính trị. 

"Trung Quốc quảng bá rằng họ là nguồn cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại với mức giá phải chăng. Do đó, đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Trung Quốc chính là Nga", chuyên gia Kamphausen phân tích. 

Thậm chí chuyên gia Heath cho rằng các công ty sản xuất vũ khí Trung Quốc có thể đánh bật đối thủ Nga ở một số thị trường trọng điểm. SIPRI chỉ ra rằng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng trong 5 năm qua, trong khi xuất khẩu của Nga giảm đáng kể. 

Chi tiêu quốc phòng mạnh tay

Trước khi trở thành một lái buôn vũ khí tầm cỡ, Trung Quốc vẫn luôn chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng. SIPRI ước tính ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lên đến 250 tỷ USD trong năm 2018. Bộ Quốc phòng Mỹ xác định con số này vào khoảng 200 tỷ USD.

Các con số chính thức do chính quyền Bắc Kinh công bố thấp hơn đáng kể. Bộ Quốc phòng nước này cho biết chi tiêu quân sự năm 2018 tăng 8,1% lên mức 175 tỷ USD. Ngân sách năm 2019 dự kiến vào khoảng 177,6 tỷ USD.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định có khả năng ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc cố tình lờ đi những khoản chi tiêu lớn, ví dụ như nghiên cứu - phát triển và nhập khẩu vũ khí nước ngoài. 

Quan su Trung Quoc anh 3
SIPRI ước tính ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2018 là khoảng 250 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế lớn. Tăng trưởng kinh tế sụt giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá cả tiêu dùng trong nước leo thang, gánh nặng phúc lợi xã hội ngày càng lớn do dân số già đi...

Tuy nhiên chuyên gia Heath cho rằng ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hạ nhiệt, chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì quy mô chi tiêu quân sự lớn như hiện nay. 

Theo chuyên gia Heath, việc Trung Quốc liên tục đầu tư hàng trăm tỷ USD mỗi năm để tăng cường sức mạnh quân sự khiến Mỹ và các quốc gia châu Á đặc biệt lo ngại.  

Người gốc Hoa lo không còn chốn dung thân tại New York

Các tòa nhà xa xỉ chuẩn bị mọc lên bị cho là sẽ tàn phá Phố người Hoa (Chinatown) mang tính biểu tượng tại thành phố New York (Mỹ).

Trung Quốc đóng cửa sân bay lâu đời nhất

Trải qua hơn một thế kỷ hoạt động, sân bay Nanyuan tại Bắc Kinh vừa chính thức dừng đón khách và kết thúc sứ mệnh của mình sau khi siêu sân bay trị giá gần 12 tỷ USD khai trương.

Minh Đức

Bạn có thể quan tâm