Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc lợi dụng tranh chấp với Nhật để đoạt lấy Biển Đông?

Tranh chấp chủ quyền là điều không nước nào mong muốn nhưng Trung Quốc lại đang cố tình lún sâu vào tranh chấp với Nhật trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhằm phục vụ mục đích sâu xa tại Biển Đông.

Trung Quốc lợi dụng tranh chấp với Nhật để đoạt lấy Biển Đông?

Tranh chấp chủ quyền là điều không nước nào mong muốn nhưng Trung Quốc lại đang cố tình lún sâu vào tranh chấp với Nhật trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhằm phục vụ mục đích sâu xa tại Biển Đông.

Tàu Hải giám số 66 của Trung Quốc đụng độ tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản trên biển Hoa Đông xung quanh vùng lãnh hải thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp giữa hai nước.

Sự leo thang mạnh mẽ trong tranh chấp lãnh thổ của hai nền kinh tế châu Á trở thành đòn bẩy để Thủ tướng theo đường lối cứng rắn Shinzo Abe lên nắm quyền với chủ trương tăng cường hệ thống và khả năng phòng thủ của Nhật Bản đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế.

Giới phân tích quốc tế cảnh báo, đối đầu Trung – Nhật hiện trở thành điểm nóng, nhạy cảm và nguy hiểm nhất ở khu vực Đông Á. Bắc Kinh mạnh mẽ cáo buộc, Nhật Bản là mối đe dọa đối với khu vực khi đang ấp ủ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ - thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 – thông qua kế hoạch "quốc hữu hóa" quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tuy nhiên, so với khu vực mà Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, những vùng lãnh hải mà Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông thực tế có giá trị vượt trội hơn hẳn với nguồn dầu mỏ, năng lượng và thủy hải sản dồi dào, phong phú.

Các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông cũng nhiều và bao quát trên một phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều so với các tuyên bố của họ ở biển Hoa Đông. Cụ thể, trong khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền cũng như các lợi ích khác đối với khoảng 3 triệu km2, hay khoảng 80% diện tích Biển Đông – ước tính gần bằng với kích thước lãnh thổ đất liền của Ấn Độ (3,3 triệu km2) thì diện tích các đảo và vùng lãnh hải tranh chấp giữa 2 “đại gia” châu Á, Trung – Nhật trên biển Hoa Đông chỉ vào khoảng 68.000 km2.

Chưa hết, giá trị chiến lược và thương mại tiềm năng của Biển Đông đối với Bắc Kinh cũng lớn gấp nhiều lần so với biển Hoa Đông.

Từ đó, câu hỏi đặt ra là, tại sao Trung Quốc bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái cho đến nay, sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa Điếu Ngư/Senkaku bắt đầu tập trung và dồn mọi nguồn lực để chống Tokyo, quyết bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ đối với quần đảo này hơn là tiếp tục lún sâu vào các tranh chấp tương tự với các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, quần đảo và vùng lãnh hải thuộc Biển Đông.

Trả lời cho câu hỏi đó, giới phân tích quốc tế bình luận, rõ ràng thông qua tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, Bắc Kinh đang có ý đồ thử liên minh Nhật - Mỹ đúng vào thời điểm mà mỗi đối thủ của họ dường như tương đối yếu ớt và do đó, trở nên do dự nhiều hơn.

Bắc Kinh rõ ràng đang toan tính, nếu có thể giành được lợi thế trong tranh chấp lãnh thổ với “đại gia” khu vực Nhật Bản – đồng minh ruột của cường quốc số 1 thế giới trên biển Hoa Đông, trong tương lai, họ sẽ dễ dàng đoạt được các yêu sách đối với Biển Đông hơn.

Nói cách khác, Bắc Kinh tin rằng, chỉ cần nắm được “đằng chuôi” trước liên minh hùng mạnh Nhật - Mỹ trong tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thì họ sẽ có thừa khả năng “thu phục” các quốc gia láng giềng nhỏ bé hơn, khiến những nước này buộc phải “nhượng bộ” các yêu sách liên quan đến chủ quyền đảo, quần đảo cũng như các vùng lãnh hải tranh chấp thuộc Biển Đông.  

Tuy nhiên, quyết định tăng cường các động thái quân sự và ngoại giao chống Nhật của Trung Quốc sau khi đối đầu với hàng loạt các quốc gia láng giềng nhỏ hơn trong nhiều năm đã dẫn đến phản ứng chống Trung Quốc dữ dội, gay gắt và quyết liệt trong khu vực.

Kết quả là, xuất phát từ mối quan ngại đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng, các quốc gia trong khu vực đồng loạt tăng chi tiêu quốc phòng để chống lại con rồng châu Á. Một số quốc gia trong khu vực “ngả vào vòng tay” của Mỹ - một đối trọng trước sức mạnh và quyền lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Chưa hết, khối đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng đẩy mạnh và củng cố các quan hệ đối tác an ninh, hình thành hàng rào chống Trung Quốc, trong đó, mới nhất và đáng chú ý nhất là liên minh Nhật – Philippines.

Nhật – Philippines xích lại gần nhau

 

Cùng vướng vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines quyết định bắt tay nhau chống lại con rồng châu Á.

Gần 7 thập kỷ sau khi Nhật Bản xâm lược quần đảo Philippines, Tokyo vừa có động thái củng cố quan hệ song phương với Manila bằng quyết định tặng 10 tàu tuần tra mới trị giá 11 triệu USD cho lực lượng cảnh sát biển nước này.

Trước đó, giới ngoại Nhật Bản và Philippines cùng giới chức hàng hải đã gặp nhau tại Manila vào ngày 22/2 để thảo luận về hợp tác hàng hải ở Biển Đông, các biện pháp đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải cũng như chống cướp biển, đánh bắt thủy hải sản và nghiên cứu khoa học hàng hải trái phép.

Theo giới quan sát, rõ ràng, sự tăng cường quan hệ song phương Nhật – Philippines được thúc đẩy nhờ 2 yếu tố chiến lược quan trọng: một là, nhận thức chung của 2 nước rằng, Trung Quốc đại diện cho mối đe dọa sống còn; hai là, xuất phát từ những cân nhắc về kinh tế và chính trị trong nước của Chính phủ Philippines.

Với sự trở lại của Thủ tướng theo đường lối cứng rắn Shinzo Abe lên nắm quyền điều hành đất nước, Nhật Bản cũng theo gót Mỹ, triển khai “trục riêng” hướng tới Đông Nam Á của họ. Trong khi đó, Manila gần đây đang nỗ lực củng cố các quan hệ đối tác với các đồng minh khác nhau trong khu vực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, sẵn sàng sắm một vai trò quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu chiến lược mới của Nhật Bản.

Trong cuộc hội đàm tại Manila cuối tháng 1, giới chức ngoại giao Nhật và Philippines đã tuyên bố “mối bận tâm chung” đối với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong các tuyên bố liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trong khu vực tranh chấp.

Chưa hết, Chính phủ Philippines còn nhấn mạnh, họ hết lòng ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang nhằm để đối trọng với Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Philippines, Benigno Aquino tuyên bố, một Nhật Bản mạnh hơn có khả năng thách thức sự hiện diện "đáng lo ngại" của Trung Quốc trong khu vực.

Việc Tokyo gật đầu đồng ý tặng loạt tàu tuần tra mới cho Manila được cho là sẽ giúp tăng cường các khả năng của Hải quân Philippines. Dù loạt tàu sẽ không có khả năng cân bằng sức mạnh hải quân tại Biển Đông, song chúng sẽ giúp Philippines đẩy mạnh nhận thức chủ quyền lãnh thổ hàng hải và thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Nhật Bản tại Đông Nam Á.

Việc trang bị cho lực lượng cảnh sát biển Philippines rõ ràng có tác dụng giúp Nhật giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với Nhật Bản, những căng thẳng lãnh thổ đang diễn ra ở Biển Đông chính là phép thử phản ứng của Trung Quốc đối với tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Hơn nữa, Tokyo có thể tính toán rằng, nếu Manila có khả năng triển khai nhiều tàu hơn để củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ, Bắc Kinh sẽ buộc phải chia các nguồn lực và sự chú ý giữa Biển Đông và Hoa Đông. Chưa hết, việc tăng cường các khả năng cho lực lượng hàng hải Philippines cũng sẽ cho phép nước này bảo vệ tốt hơn tự do hàng hải trên Biển Đông, góp phần đảm bảo sự thông suốt cho dòng chảy giao thương của Nhật Bản trong khu vực.

Về phía Philippines, các nỗ lực tăng cường quan hệ với Nhật Bản có thể được nhìn nhận và đánh giá trong bối cảnh rộng lớn hơn khi Manila đang nỗ lực quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Manila gần đây nỗ lực đưa tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ra Tòa án Trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển và liên tục tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia đồng minh, trong đó bao gồm cả các đối tác thuộc hiệp ước đồng minh với Washington nhằm đối phó tốt hơn với sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc là yếu tố chi phối Philippines hoạch định chính sách chiến lược, các vấn đề trong nước cũng tác động tới việc đẩy mạnh quan hệ chiến lược với Nhật Bản của Manila. Chính quyền Tổng thống Benigno Aquino có thể đã nhận thấy Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 của thế giới, sẽ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Nhật hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines với tổng giá trị trao đổi lên tới 13 tỷ USD trong năm ngoái. Ngoài ra, Nhật cũng duy trì là thị trường xuất khẩu và nguồn đầu tư hàng đầu của Philippines. Theo số liệu thống kê, năm ngoái, số vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản đổ vào Philippines chiếm 35% (tương đương 1,5 tỷ USD) trong tổng toàn bộ số vốn đầu tư nước ngoài chảy vào ngân sách nước này. Đó là chưa kể Tokyo còn quyết định mở rộng nguồn vốn ODA cho Manila để xây dựng cơ sở hạ tầng như các dự án đường sắt và sân bay. Hiện nay đối với Manila, quan hệ song phương với Tokyo đã chuyển từ lời nói suông, hoa mỹ thành các tài sản quân sự và hỗ trợ kinh tế thiết thực.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm