Trung - Nhật lao vào cuộc chiến 'chiếm trọn trái tim'
Ngày càng lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc và Nhật Bản đều tích cực tăng cường nỗ lực ngoại giao công chúng nhằm giành sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế với các tuyên bố chủ quyền của mình.
Tàu Nhật Bản tuần tra xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. |
Trung Quốc có vẻ như nỗ lực thực hiện chiến lược đẩy vấn đề tranh chấp gần lại với lịch sử xâm lược của Nhật Bản, từ đó, chiếm trọn trái tim của các quốc gia đồng minh cũ của họ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Đáp lại, Nhật Bản từ bỏ lập trường trước đây không đáp ứng các yêu sách của Trung Quốc và theo đuổi chiến dịch củng cố, đẩy mạnh vị thế của mình bằng cách nhấn mạnh bản sắc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và dân chủ, tuân theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.
Một ví dụ điển hình về chiến lược của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng qua sự kiện Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hội đàm với Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill hồi năm ngoái đã nhấn mạnh: “Cả Trung Quốc và Papua New Guinea đều từng là nạn nhân trong cuộc xâm lược của phát xít Nhật hồi Chiến tranh Thế giới thứ 2".
Sau lời "rào trước đón sau" để tranh thủ tình cảm, Phó thủ tướng Trung Quốc đi thẳng vào vấn đề: “Đến nay, lập trường của Nhật Bản về tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là sự phủ nhận hoàn toàn mọi thắng lợi trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít và đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế sau chiến tranh. Không một quốc gia hay một người yêu chuộng hòa bình và ủng hộ công lý nào chấp nhận được lập trường của Nhật Bản”.
Chiến lược của Trung Quốc tỏ ra hiệu quả khi Thủ tướng O'Neill đáp lời: “Cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận được động thái của Nhật Bản”.
Rõ ràng với chiến lược trên, Trung Quốc đã khôn khéo đặt tranh chấp lãnh thổ Điếu Ngư/Senkaku không còn là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh và Tokyo. Đồng thời, con rồng châu Á nỗ lực vạch ra một ranh giới giữa Nhật Bản và cộng động quốc tế, tương tự như tình huống từng tồn tại thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Đổi lại, về phía Nhật Bản, họ vừa phủ nhận sự tồn tại của tranh chấp lãnh thổ vừa quyết định từ bỏ chính sách trước đây của mình, không bình luận về các yêu sách của Trung Quốc.
Trong các tuyên bố cũng như công văn, Nhật Bản nhấn mạnh, họ là quốc gia dân chủ và hòa bình đồng thời đề nghị giải quyết vấn đề bằng giải pháp hòa bình mà không viện đến bạo lực. Câu chuyện dân chủ có vẻ nhằm đến mục tiêu nhấn mạnh sự khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, được công bố chỉ trước chuyến thăm Mỹ của mình, tân Thủ tướng Abe cố gắng thúc đẩy chiến lược riêng để tranh thủ sự ủng hộ bằng cách tố cáo Chính phủ Trung Quốc thông qua con đường giáo dục đang cố áp đặt giáo lý yêu nước, tự tôn tộc cực đoan vào tư tưởng của người dân.
Theo ông Abe, chiến lược giáo dục đã tạo ra tâm trạng, tình cảm và bầu không khí chống Nhật mạnh mẽ - phá hoại quan hệ hữu nghị song phương. Trên thực tế, kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc năm 2005, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông qua các kênh ngoại giao đã bắt đầu thảo luận với các đồng nhiệm láng giềng về những nội dung giáo dục chống nước này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe, nhằm tranh thủ tình cảm của cộng đồng quốc tế, mô tả nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp lãnh thổ và tình trạng leo thang trong quan hệ Trung – Nhật liên quan chặt chẽ đến việc Chính phủ Trung Quốc khư khư giữ quan điểm giáo dục lòng yêu nước “chống Nhật”. Từ đó, Thủ tướng Abe nhấn mạnh sự khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc thông qua việc mô tả Bắc Kinh không dân chủ, chủ trương bôi nhọ láng giềng.
Trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ vẫn chứng kiến Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược “khơi dậy quá khứ chiến tranh” còn Nhật Bản nỗ lực tìm cách tranh thủ tình cảm bằng lời lẽ chắc nịch, các thành viên dân chủ của cộng đồng quốc tế sẽ giành thắng lợi.
Riêng đối với các quốc gia có dính líu đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, chiến lược khơi dậy quá khứ chiến tranh của Trung Quốc có thể không hay bằng chiến lược của Nhật Bản, nhấn mạnh quan điểm tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế. Xét cho cùng, vẫn chưa rõ chiến lược của bên nào sẽ hiệu quả hơn bên nào song việc Trung – Nhật tăng cường ngoại giao công chúng, chạy đua tranh nhau để giành được đồng cảm của cộng đồng quốc tế rốt cuộc chỉ làm xấu đi quan hệ song phương.
Phương Đăng
Theo Infonet