Khai thác băng cháy có thể làm dấy lên cuộc chiến năng lượng tại châu Á. Ảnh: Wikimedia |
Thông tin trên do ông Zhang Haiqi, Cục trưởng Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (thuộc Bộ Tài nguyên và Đất đai), cung cấp tại hội nghị quốc tế về khí hydrate ở Bắc Kinh ngày 31/7. "Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có triển vọng khai thác và sử dụng tài nguyên này", ông Zhang nói trên Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc đang triển khai những kế hoạch ban đầu để sẵn sàng cho việc khai thác băng cháy trong 3 năm tới.
Trang Want China Times cho biết Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc đã tổ chức họp báo vào cuối năm 2013 để thông báo kết quả tìm kiếm băng cháy tại khu vực phía bắc Biển Đông. Theo bộ này, từ giữa năm 2013, Trung Quốc lần đầu tiên nghiên cứu vùng biển phía đông Quảng Đông và tìm thấy băng cháy có độ tinh khiết cao, tương đương 100 - 150 tỷ mét khối khí thiên nhiên.
Các nhà khoa học ban đầu cho rằng chỉ có thể tìm thấy băng cháy bên ngoài hệ mặt trời. Nhưng sau đó họ phát hiện một lượng đáng kể nhiên liệu này dưới đáy biển. Một mét khối băng cháy có nguồn năng lượng tương đương 160 mét khối khí tự nhiên. Giới chuyên gia cho rằng băng cháy (methane hydrate dạng rắn) là nguồn nhiên liệu quý giá mới, trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống sử dụng nhiều hiện nay như dầu mỏ đang dần cạn kiệt.
Tạp chí kinh doanh của Hàn Quốc, Business Korea, nhận định băng cháy có thể dấy lên một cuộc chiến năng lượng mới ở châu Á, khi Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản luôn dẫn đầu những nước nhập khẩu năng lượng nhiều nhất. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng khu vực phía nam Biển Đông và biển Nhật Bản là những nơi có nhiều khả năng tập trung nguồn nhiên liệu này. Do vậy, việc chạy đua khai thác băng cháy có thể khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng vì những tranh chấp lãnh thổ hiện tại.
Tháng 3/2013, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khai thác thành công khí đốt từ băng cháy trong cuộc thử nghiệm ngoài khơi nước này.