Mô hình tên lửa Đông Phong-31AG (DF-31AG), phiên bản nâng cấp của Đông Phong-31A (DF-31A), lần đầu tiên được giới thiệu trước công chúng trong triển lãm tại Bảo tàng Quân đội ở Bắc Kinh cuối tuần trước.
Theo South China Morning Post, hệ thống tên lửa mới dự kiến có tầm bắn 11.000 km, tương đương DF-31A. Với tầm bắn này, tên lửa mới có thể vươn đến hầu hết địa điểm trên đất liền Mỹ cũng như các thủ đô châu Âu.
Mô hình hệ thống tên lửa DF-31AG tại triển lãm. Ảnh: SCMP. |
Ngoài ra, các chuyên gia quân sự cho biết DF-31AG có tính cơ động cao hơn với thiết kế xe chuyên chở kiểu mới. Xe chở tên lửa 8 trục có thể di chuyển trên các địa hình khó khăn và dừng lại để bắn đầu đạn hạt nhân bất kỳ lúc nào.
Tầm bắn một số tên lửa của quân đội Trung Quốc. Tên lửa DF-31A có tầm bắn khoảng 11.000 km (đường màu hồng). Đồ họa: Wikimedia Commons. |
Theo các chuyên gia quân sự, hệ thống tên lửa với tính cơ động cao được xem là nguy hiểm hơn loại được triển khai trên silo. Lý do là chúng có thể được di chuyển và ngụy trang, khó bị phát hiện bởi vệ tinh hay các thiết bị khác.
Trung Quốc đang hướng đến việc phát triển loại tên lửa đạn đạo có khả năng gắn cả đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường. PLA Daily, báo chính thức của quân đội Trung Quốc, khẳng định trong một bài viết hồi tháng 5 rằng việc phát triển tên lửa đất đối đất mang được cả 2 loại đầu đạn là "xu hướng không thể tránh khỏi".
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Macau Antony Wong Dong cho rằng tên lửa DF-31AG dường như chỉ có thể mang 1 đầu đạn một lúc. Ngoài ra, ông nói nhận định tên lửa mới có thể gắn được cả 2 loại đầu đạn chỉ là đơn thuần suy đoán.