Người Trung Quốc đang khiêu vũ với đồng tiền. Những phi vụ bom tấn được các CLB tại giải Chinese Super League thực hiện trở thành nỗi ám ảnh với nhiều đội bóng châu Âu. Từ thế độc tôn, nhiều tên tuổi bắt đầu lo sợ. Một ngày nào đó họ sẽ bị đẩy khỏi sàn chuyển nhượng.
Thế nhưng trong hội nghị thể thao quốc tế lần thứ 11 diễn ra tại Dubai hôm thứ ba (27/11), giới lãnh đạo của nhiều đội bóng lại nhìn thấy những điểm tích cực từ sự bành trướng của Trung Quốc. Thậm chí, nhiều CLB sẵn sàng xếp hàng mong chờ các ông chủ từ đất nước tỷ dân rót tiền.
Đồng tiền từ chủ Trung Quốc hứa hẹn giúp Inter Milan lột xác. |
Với họ, người Trung Quốc trở thành niềm hy vọng cứu lấy tương lai. Theo Dariusz Mioduski, chủ sở hữu CLB Legia Warszawa, việc Trung Quốc nhảy vào làng bóng đá châu Âu giúp mọi thứ "không còn đặt ở chế độ tĩnh". Bóng đá là trò chơi của sự luân chuyển và cần bùng nổ trong quản lý CLB.
Trước khi Trung Quốc khuynh đảo bóng đá châu Âu, mọi thứ hơi cũ mòn. Nhưng nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ của họ, bình minh ló dạng. "Các nhà đầu tư mới mang đến ý tưởng, trải nghiệm mới và giúp bóng đá tiến lên", ông Mioduski nói về dòng tiền lưu hành tại châu Âu với xuất phát điểm Trung Quốc.
Có chung quan điểm với ông Mioduski, CEO Umberto Gandini của AS Roma cho rằng mối lương duyên giữa các nhà tài trợ Trung Quốc và bóng đá châu Âu góp phần mang đến sự ổn định với nhiều CLB. Hiệu ứng domino tích cực cũng kéo theo. Lượng fan mới tăng vọt, tương tác đa dạng hơn...
"Có nhiều kiểu sở hữu CLB, tuy nhiên những nguyên tắc kinh tế đều giống nhau. Đội bóng nào cũng muốn thành công, sở hữu nhiều ngôi sao", ông Gandini nói. Vị sếp của AS Roma cũng là phó chủ tịch Hiệp hội các Câu lạc bộ châu Âu.
Số CLB có chủ Trung Quốc đang tăng vọt. |
Những năm gần đây, số CLB có chủ Trung Quốc ngày càng tăng mạnh. Inter được tập đoàn Suning Holdings mua lại 68,55% cổ phần. Tại Anh, 13% cổ phần của Man City cũng được bán cho tập đoàn China Media Capital. Vào năm 2014, gã khổng lồ Huawei hợp tác với Ajax Amsterdam trong bản hợp đồng có điều khoản nâng cấp sân Ajax Amsterdam Arena.
Trên Yahoo Sports, cây viết Mitch Phillips tin các nhà đầu tư Trung Quốc là “phần thưởng đặc biệt cho bóng đá châu Âu”. Trước đây để chinh phục thị trường thế giới, nhiều CLB châu Âu bị giới hạn bởi nhiều yếu tố. Họ chỉ có thể tấn công thị trường Trung Quốc, Mỹ,… nhờ đá trận giao hữu, tiền tài trợ, bán áo đấu.
Nhưng mọi chuyện bây giờ đang thay đổi. Tiềm lực tài chính hùng mạnh từ Trung Quốc mang đến sức sống mới cho các CLB. Họ sẽ không còn thấp thỏm lo âu về doanh thu và những con số. Theo thời gian, cán cân về sức mạnh giữa các đội cũng cân bằng hơn.
Trong hội nghị tại Dubai, ông Mioduski bày tỏ hy vọng các nhà đầu tư Trung Quốc hoặc nước khác sẽ tiếp tục rót tiền vào sân chơi bóng đá châu Âu. Điều này giúp dòng chảy bóng đá luôn luân chuyển và tiến về phía trước. Hay như tiền vệ Riccardo Montolivo của AC Milan nói: "Giới chủ Trung Quốc mang đến cơ hội lớn cho CLB".
AC Milan rất cần chủ mới để vực dậy đội bóng. |
Tại Italy, AC Milan đánh mất hình ảnh hào hùng khi tiềm lực tài chính suy thoái. Chẳng ai cứu được họ, trừ khi một tỷ phú nào đó đổ tiền vực dậy đội bóng. Đúng lúc này, người Trung Quốc xuất hiện. Việc có chủ mới chắc chắn tạo ra sự xáo trộn về bản sắc và văn hóa CLB. Thế nhưng bóng đá không thể sống mãi trong hoài niệm.
Như bình luận của Montolivo, các CLB phải biết thích nghi với thế giới hiện đại, nơi nhiều CLB rất cần giới chủ Trung Quốc để sinh tồn.