Theo Bloomberg, ngày 27/8, Tòa án Nhân dân Tối cao cùng Bộ Tài nguyên Nhân sự & Bảo trợ Xã hội Trung Quốc cùng công bố tài liệu nói về tình trạng xâm hại quyền lợi của người lao động, đặc biệt là việc người lao động phải làm việc ngoài giờ quá nhiều.
“Người lao động có quyền hưởng tiền làm ngoài giờ và ngày nghỉ/ngày lễ. Tuân theo chế độ quốc gia về thời gian làm việc là nghĩa vụ của doanh nghiệp sử dụng lao động. Làm việc ngoài giờ có thể dẫn tới xung đột lao động, ảnh hưởng đến mối quan hệ của chủ doanh nghiệp - người lao động và ổn định xã hội”, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc nhấn mạnh.
Hai cơ quan này nêu ra 10 trường hợp (bao gồm trong ngành công nghệ), trong đó các nhân viên bị buộc phải làm việc theo chế độ 996 trong thời gian dài. Có trường hợp một công ty công nghệ ép nhân viên ký thỏa thuận không nhận lương làm thêm giờ. Tòa án Tối cao Trung Quốc mô tả đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Nhân viên ngành công nghệ tại Trung Quốc thường xuyên ngủ lại công ty vì làm thêm giờ. Ảnh: Reuters. |
Trong một vụ khác, một nhân viên ngành truyền thông bất tỉnh trong phòng vệ sinh lúc 5h30, sau đó chết vì trụy tim. Tòa án Trung Quốc khẳng định cái chết của người này có liên quan đến công việc và yêu cầu công ty bồi thường cho gia đình nạn nhân khoảng 62.000 USD. Mới đây, hai nhân viên Pindoudou thiệt mạng, một vì làm việc quá sức, một tự sát.
Trước đó, dư luận Trung Quốc đã nhiều lần phản ứng với các tập đoàn công nghệ khổng lồ ở nước này vì văn hóa làm việc 996 "chết bỏ". Một số tỷ phú công nghệ như Jack Ma hay nhà sáng lập JD.com Lưu Cường Đông từng khẳng định văn hóa 996 là cần thiết để người lao động tồn tại trong ngành công nghệ đầy khốc liệt.
Tình thế thay đổi khi chính phủ Trung Quốc mở chiến dịch siết chặt kiểm soát hoạt động của các tập đoàn Internet lớn nhất quốc gia 1,4 tỷ dân. Đồng thời, lãnh đạo Trung Quốc lên tiếng yêu cầu ngành tư nhân chia sẻ của cải với xã hội.
Thời gian qua, các công ty công nghệ Trung Quốc như ByteDance và Kuaishou Technology đã thực hiện một số bước để giảm tải giờ làm việc cho nhân viên. Đồng thời, Bộ Tài nguyên Nhân sự Trung Quốc cũng sẽ cung cấp các hướng dẫn để giải quyết tranh chấp lao động trong tương lai.