Kết quả cuộc gặp lịch sử được các chuyên gia đánh giá là thắng lợi dành cho Trung Quốc, trong khi thỏa thuận đạt được khiến các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc không mấy vui vẻ.
Là đồng minh duy nhất và đồng thời là nhà bảo trợ chính về an ninh cho Triều Tiên, Trung Quốc dường như đã bị bỏ rơi trong thời gian đầu tiên khi Bình Nhưỡng và Seoul xích lại gần nhau đầu năm 2018. Tuy nhiên, khi hội đàm Mỹ - Triều được xúc tiến, Bắc Kinh nhanh chóng gửi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới Bình Nhưỡng làm việc với nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm 30/5, từ đó áp đặt lại ảnh hưởng lên cuộc chơi tại Đông Bắc Á.
Trung Quốc: Bảo toàn lợi ích và ảnh hưởng
"Kết quả hội đàm vừa qua là một thắng lợi lớn cho Trung Quốc. Về mặt an ninh, công thức hai bên cùng chấm dứt leo thang căng thẳng mà Trung Quốc theo đuổi đã được cam kết", giáo sư Ian Hobbs, chuyên gia chính trị châu Á từ Đại học Newcastle, Anh, nói với Zing.vn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp ngày 12/6. Ảnh: CNN. |
Công thức hai bên cùng chấm dứt leo thang căng thẳng được hiểu là Bình Nhưỡng cam kết không kích động các hành vi thù địch, đổi lấy việc Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự quanh bán đảo Triều Tiên. Đây là giải pháp từ lâu Trung Quốc theo đuổi, với mục đích cuối cùng là giữ được ổn định tại biên giới Trung - Triều, trong khi giảm bớt hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực.
Sau cuộc hội đàm 12/6, Mỹ đã tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, hoạt động từ lâu Triều Tiên coi là hành vi chuẩn bị xâm lược. Điều này đồng nghĩa với việc hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Bắc Á sẽ giảm đi một phần, và là kịch bản Trung Quốc mong đợi.
"Trong những cuộc đàm phán tới, rất có khả năng Trung Quốc sẽ tác động lên Triều Tiên, đòi hỏi Mỹ rút đi 28.000 binh sĩ hiện có mặt tại Hàn Quốc", ông Hobbs đánh giá.
Những diễn biến được cả Mỹ và Triều Tiên ca ngợi là thành công của hội đàm khiến giới chuyên gia tin rằng chiến dịch "gây sức ép tối đa" sẽ khó được khôi phục. Ngay sau hội đàm, Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu nới lỏng hoặc dỡ bỏ một số biện pháp cấm vận quốc tế chống Triều Tiên.
"Trung Quốc chiếm 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Trung Quốc hiện ở vị trí thuận lợi nhất để khai thác tiềm năng từ thị trường Triều Tiên nếu các biện pháp cấm vận được giảm nhẹ", Yun Chun, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Seoul, nói với Zing.vn.
Hiện tại, Trung Quốc có 3 khu vực kinh tế, công nghiệp tự do tồn tại dọc biên giới với Triều Tiên. Một số dự án cơ sở hạ tầng lớn khác như cầu và đường xá có thể được triển khai lập tức nếu có chuyển biến trong tình hình Triều Tiên.
Tuyên bố chung tại Singapore hôm 12/6 cho thấy chưa có cam kết cụ thể nào đạt được giữa ông Kim và ông Trump. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình đàm phán để đi tới một thỏa thuận giải giáp hạt nhân sẽ tiếp tục, và với những lợi thế của mình, Trung Quốc sẽ càng có điều kiện áp đặt ảnh hưởng lên cuộc chơi tại bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc: Vừa được vừa mất
Việc Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un có một cái kết thân mật và Tuyên bố chung 4 điểm đầy tính xây dựng tại Singapore là điều mà Hàn Quốc kỳ vọng. Nỗ lực ròng rã suốt nhiều tháng của Hàn Quốc đã được đền đáp bằng bước tiến đầu tiên tới cải thiện quan hệ, giảm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.
"Quan hệ Mỹ - Triều được cải thiện đồng nghĩa với việc quan hệ Hàn - Triều càng có cơ hội được thúc đẩy. Seoul nay rộng đường hơn để tìm kiếm những mức độ hòa giải cao hơn với Bình Nhưỡng, rất có thể là mở lại khu công nghiệp Keasong", bà Yun Chun nhận định.
Tổng thống Trump tuyên bố dừng tập trận chung với Hàn Quốc. Ảnh: CNBC. |
Tuy nhiên, không phải tất cả đều là màu hồng với Seoul. Việc Tổng thống Trump tuyên bố dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc đặt nước này vào tình thế hết sức mơ hồ về an ninh. Hiện chưa rõ việc dừng các hoạt động diễn tập chung chỉ là tạm thời hay vĩnh viễn. Tuy nhiên, lo ngại tại Hàn Quốc là điều dễ hiểu, trong bối cảnh thủ đô Seoul nằm trong tầm bắn của 8.000 khẩu pháo.
Trong khi nhiều người lạc quan về tương lai hòa bình sớm đến trên bán đảo Triều Tiên, những ý kiến bi quan nhắc lại những thỏa thuận hòa bình từng đổ vỡ trước kia, và sau đó là các vụ khiêu khích quân sự từ phía Triều Tiên như vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong hay vụ đánh chìm tàu chiến mà Seoul cáo buộc do Bình Nhưỡng thực hiện.
"Và cũng đừng quên, Tổng thống Trump khẳng định Hàn Quốc sẽ có trách nhiệm tài chính trong tái lập hòa bình và kiến thiết Triều Tiên. Những khoản đầu tư hay viện trợ để hiện đại hóa miền Bắc sẽ ngốn hàng tỷ USD, là một gánh nặng sẽ khiến Seoul phải đau đầu", ông Hobbs đánh giá.
Theo tính toán của Viện Kinh tế Frankfurt, sau ngày thống nhất năm 1990, nước Đức đã phải chi khoảng 2.000 tỷ USD trong suốt 20 năm, đầu tư vào vùng lãnh thổ trước đây là Đông Đức, nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ khoảng cách phát triển giữa hai miền Đông - Tây. Gánh nặng tài chính tương tự có thể là thách thức chờ đợi Hàn Quốc phía trước.
Nhật Bản: Bị gạt ra bên lề cuộc chơi
Trong đỉnh điểm căng thẳng năm 2017, Nhật Bản nhiều lần rúng động khi tên lửa Triều Tiên bay qua vùng trời nước này. Là một trong các bên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chương trình vũ khí gây tranh cãi của Bình Nhưỡng nhưng Tokyo hầu như bị gạt ra ngoài lề tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
"Nhật Bản từ lâu bị đe dọa từ các loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Thỏa thuận hôm 12/6 không nhắc tới những cam kết cụ thể của Triều Tiên trong hủy bỏ chương trình tên lửa đạn đạo. Lo ngại về một thỏa thuận cho phép Triều Tiên duy trì các tên lửa tầm ngắn vẫn còn đó. Điều này sẽ gây thất vọng cho Nhật Bản", Columb Strack, chuyên gia từ Viện Chính sách IHS Markit, London, nói với Zing.vn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chúc mừng thành công của cuộc gặp Mỹ - Triều. Ảnh: Reuters. |
Từ lâu, Tokyo đã vận động Washington duy trì chiến dịch sức ép tối đa cho tới khi Bình Nhưỡng có bước đi thực chất hủy bỏ kho vũ khí của mình. Ông Strack nhận định Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục vận động Mỹ duy trì sức ép toàn diện về kinh tế - chính trị như hiện nay, để đảm bảo Triều Tiên hiện thực hóa những cam kết ngày 12/6.
"Nhật Bản không có niềm tin với Triều Tiên sau những thỏa thuận đổ vỡ trong quá khứ. Cam kết mơ hồ như tại Singapore không làm hài lòng Tokyo", ông Strack nói.
Việc Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc cũng khiến Nhật Bản lo ngại. Một trong các ưu tiên của Tokyo là đảm bảo hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh tay trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku thời gian qua. "Việc Mỹ giảm hiện diện quân sự là động lực thúc đẩy Trung Quốc hung hăng hơn tại vùng tranh chấp với Nhật Bản", ông Strack đánh giá.
Từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Mỹ nhiều lần yêu cầu các đồng minh đầu tư thêm cho ngân sách quốc phòng và san sẻ nhiều hơn gánh nặng tài chính trong các hoạt động quân sự chung. Nhiều khả năng Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc, sẽ phải chi thêm tiền để đảm bảo hiện diện quân sự của Mỹ duy trì ở mức hiện nay tại khu vực Đông Bắc Á.