Đêm muộn, ngày thứ hai lưu trú trong cùng khách sạn sang trọng ở Singapore với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, một thành viên trong lực lượng an ninh của ông ngồi bên cạnh một phóng viên Reuters và mỉm cười.
Đó là khoảnh khắc ấm áp ngắn ngủi từ đội ngũ vệ sĩ của ông Kim, những người đi lòng vòng trong khách sạn St. Regis cả ngày lẫn đêm với vẻ mặt nghiêm nghị, không giao tiếp ánh mắt với ai trong hàng trăm nhà báo, khách khứa tập trung với mong muốn một lần nhìn thấy nhà lãnh đạo bí ẩn.
Những ngày "ăn nằm" ở St. Regis
Nghĩ rằng mình có cơ hội tìm hiểu về chuyến đi của ông Kim, phóng viên Reuters Fathin Ungku lập tức hỏi thăm người vệ sĩ: "Anh thế nào?".
Người vệ sĩ đưa tay ra, vẫy vẫy trước mặt cô, sau đó lấy một đôi kính râm, lau chùi và đeo lên, dù hai người đang ở trong nhà và trời tối.
Các nhân viên an ninh đứng theo dõi cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump qua một màn hình nhỏ tại khách sạn St. Regis. Ảnh: Reuters. |
Đối với 6 phóng viên Reuters đưa tin về cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và ông Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/6, nhà của họ trong 3 ngày qua là đại sảnh lát đá cẩm thạch màu kem của St. Regis, một trong những khách sạn cao cấp nhất Singapore.
Hiếm có nhà báo phương Tây nào được đến gần ông Kim, chứ chưa nói đến việc cùng ở trong một tòa nhà.
Tuy nhiên, các nhân viên an ninh Triều Tiên, nhân viên khách sạn và cảnh sát Singapore, những người có nhiệm vụ ngăn phóng viên tiếp cận quan chức Triều Tiên, liên tục nhìn các phóng viên Reuters tại St. Regis một cách dò xét.
Việc chụp ảnh bị cấm. Ngoại lệ duy nhất là dành cho khoảng hơn 10 phóng viên nhà báo của truyền thông nhà nước Triều Tiên tháp tùng ông Kim từ Bình Nhưỡng. Họ được phép chụp ảnh và đứng bên trong hàng rào, chốt chặn kiểm soát.
Một quay phim của đoàn Triều Tiên được truyền thông săn đón bên ngoài khách sạn St. Regis. Ảnh: Reuters. |
6 phóng viên Reuters từ các văn phòng ở Seoul, Hong Kong và Singapore thay phiên canh chừng "động tĩnh" tại khách sạn St. Regis trong thời gian ông Kim ở đây, từ sáng sớm cho đến gần nửa đêm.
Lý do là ông Kim gần như chưa từng đi ra nước ngoài kể từ khi lên nắm quyền tại Triều Tiên vào năm 2011. Những tiết lộ ít ỏi về lịch trình của ông khiến truyền thông trông chờ những điều bất ngờ từ nhà lãnh đạo tại Singapore.
Chuyến đi Singapore được xem là chuyến đi dài nhất của ông Kim.
Cấm chụp, cấm quay, cấm trò chuyện
Cuộc dạo phố bất ngờ của ông Kim tối 11/6 là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi ngoạn mục của nhà lãnh đạo, người mới vài tháng trước còn buông lời đe dọa tấn công hạt nhân với ông Trump. Nhiều người dân địa phương chụp lại được khoảnh khắc ông Kim mỉm cười khi đứng trên tầng cao nhất của khách sạn Maria Bay Sands.
Việc cấm chụp ảnh trở nên quyết liệt hơn khi ông Kim di chuyển.
Trong thời gian đó, một loạt cảnh sát có vũ trang cùng các nhân viên chính phủ Singapore sẽ đi cùng đoàn Triều Tiên, giữ công chúng đứng sau một sợi dây và không để họ nhìn thấy ông Kim.
Điện thoại và máy quay phim đều bị cấm. Thiết bị của bất kỳ ai được phát hiện chụp ảnh cũng bị tịch thu và ảnh bị xóa.
Hai quay phim của truyền thông nhà nước Triều Tiên ghi lại cảnh xe ông Kim đi phía sau. Ảnh: Reuters. |
Hôm 12/6, phóng viên Reuters nhìn thấy một khách lưu trú tại St. Regis chụp ảnh selfie có vệ sĩ Triều Tiên ở đằng sau. Người vệ sĩ rất tức giận, gọi cảnh sát Singapore yêu cầu vị khách kia xóa hình.
Người vệ sĩ theo dõi sự việc rất chăm chú, liên tục khoa tay múa chân chỉ vào chiếc điện thoại và ra hiệu không được phép bằng ngón tay, kể cả sau khi người cảnh sát nói ảnh đã được xóa.
Những người Triều Tiên nhận ra một số phóng viên Reuters nói cùng ngôn ngữ với họ. Khi các phóng viên đến gần, họ nói nhỏ lại hoặc đi ra chỗ khác để nói chuyện.
Một phóng viên cố nói chuyện bằng tiếng Anh với một phụ nữ Triều Tiên khi họ cùng đứng đợi thang máy. Giọng Mỹ của người phụ nữ cho thấy bà là người có chức vụ cao vì rất ít người dân Triều Tiên được ra nước ngoài. Bà từ chối bình luận về kế hoạch đi lại hay kỳ vọng về cuộc gặp Kim - Trump.
Cuộc trò chuyện nhanh chóng kết thúc khi một nhóm người Triều Tiên xuất hiện từ một thang máy phía sau. Người phụ nữ ngưng giao tiếp bằng mắt và quay đi.
Sau khi nhóm kia rời khỏi, bà chỉ vào thang máy và nói: "Tôi nghĩ thang của bạn đến rồi".
Phóng viên xin lỗi, nói rằng anh cảm thấy rất tiếc nếu việc này khiến bà rơi vào tình huống khó xử. "Không sao, nói chuyện với anh là vinh hạnh của tôi", bà nói.