Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ dừng tập trận chung, quân đội Hàn Quốc sẽ bơ vơ?

Việc Tổng thống Trump tuyên bố dừng tập trận có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hàn Quốc vì quân đội nước này phụ thuộc khá nhiều vào sự phối hợp với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tạo nên lịch sử qua cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, mở ra một chương mới trong quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia.

Trong cuộc họp báo vào chiều 12/6, Tổng thống Trump tuyên bố dừng các cuộc tập trận với quân đội Hàn Quốc: “Chúng tôi sẽ ngừng các cuộc tập trận. Điều đó sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ, trừ khi chúng tôi nhận thấy rằng thương lượng trong tương lai không đạt được kết quả”, Tổng thống Trump nói.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cho rằng các cuộc tập trận kiểu như vậy rất khiêu khích và ông muốn rút quân khỏi Hàn Quốc.

Phản ứng của Lầu Năm Góc

Vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Lầu Năm Góc khẳng định Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis không bị bất ngờ trước phát biểu của tổng thống.

“Bộ trưởng không bị bất ngờ và đã được tham vấn trước. Cuộc đối thoại đã diễn ra thành công và không có bất ngờ”, Dana White, phát ngôn viên của Bộ trưởng Mattis nói. Trong một tuyên bố sau đó, White cho biết Lầu Năm Góc chào đón những tin tức tích cực từ thượng đỉnh Mỹ - Triều và hỗ trợ đầy đủ các nỗ lực liên tục về ngoại giao với Triều Tiên.

Thuong dinh My - Trieu anh 1
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc sát cánh cùng nhau tại tập trận Người bảo vệ Tự do Ulchi. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ nói với AFP rằng họ rất ngạc nhiên trước thông tin này. Các quan chức Lầu Năm Góc đã nhóm họp để thảo luận về những gì có thể thay đổi vai trò và tư thế quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.

Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc có lịch sử khá lâu đời, là một phần không thể thiếu trong niềm tự hào của Lầu Năm Góc rằng quân đội của họ luôn “sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay” trên bán đảo Triều Tiên.

Lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc có quân số khoảng 28.500 người đã không nhận được hướng dẫn mới về cuộc tập trận thường niên mang tên Người bảo vệ Tự do Ulchi, dự kiến tổ chức vào cuối năm nay.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với tổng thống nhưng sự sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc vẫn là tối thượng”, Đại tá Rob Manning, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói.

Quân đội Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ

Hàng năm, Mỹ và Hàn Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận chung có quy mô lớn, đặc biệt là cuộc tập trận Đại bàng Non và Người bảo vệ Tự do. Quy mô các cuộc tập trận cũng có thể mở rộng với sự tham gia của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Thuong dinh My - Trieu anh 2
Giới phân tích quan ngại khả năng tác chiến độc lập của Hàn Quốc nếu thiếu vai trò của Mỹ. Ảnh: AP.

Năng lực phòng thủ của quân đội Hàn Quốc phụ thuộc khá nhiều vào khả năng phối hợp với quân đội Mỹ tại nước này, cũng như sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện trong Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc ký kết vào tháng 10/1953.

Hoạt động phối hợp tác chiến giữa Mỹ và Hàn Quốc được thực hiện thông qua Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Trong nhiều năm, năng lực chiến đấu của quân đội Hàn Quốc được xây dựng dựa trên sự phối hợp với Mỹ. Do đó, việc Mỹ đình chỉ các cuộc tập trận sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong điều phối hoạt động chiến đấu của quân đội Hàn Quốc.

Những năm gần đây, Hàn Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội và xây dựng nhiều kế hoạch tác chiến độc lập để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Tuy vậy, quân đội Mỹ vẫn đóng vai trò rất lớn trong năng lực tổng thể của Hàn Quốc.

Daniel Davis, đại tá về hưu làm việc tại Phòng tư vấn quân sự và ưu tiên quốc phòng của Mỹ, cho biết việc đình chỉ các cuộc tập trận trong ngắn hạn sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.

“Quân đội Mỹ sẽ không ngừng các đào tạo cá nhân và tập thể. Quân đội Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục huấn luyện riêng và chuẩn bị như họ luôn có. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và kiến thức từ nhiều năm tập trận chung vẫn còn đó”, ông Davis nói.

Tương lai hợp tác quân sự Mỹ - Hàn?

Vài giờ trước khi diễn ra thượng đỉnh Trump - Kim, Bộ trưởng Mattis nói với các phóng viên, theo như ông biết, vấn đề quân đội Mỹ tại Hàn Quốc sẽ không phải là một phần của cuộc thảo luận tại Singapore. Bộ trưởng Mattis nhiều lần nhấn mạnh rằng vấn đề quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là một quyết định mà chỉ có Washington và Seoul mới giải quyết được.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng cần phải xác định ý định của Tổng thống Trump về dừng tập trận. Nam Gwan-pyo, Phó giám đốc Phòng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc, nói với Yonhap rằng chưa có gì thay đổi liên quan đến các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Trong khi đó, quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USKF) cho biết họ không hoặc chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào liên quan đến các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc mà Tổng thống Trump nói đình chỉ.

Thuong dinh My - Trieu anh 3
Máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận vào năm 2017, sau khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa về biển Nhật Bản. Ảnh: USAF.

Giới phân tích ca ngợi Tổng thống Trump vì đã theo đuổi "đối thoại khi hai nước đang ở thế đối đầu". Tuy nhiên, động thái của ông Trump về việc dừng tập trận làm gia tăng những lo ngại về cam kết của ông đối với các liên minh lâu năm của Mỹ. Ông đã đưa ra một mục tiêu cả Bình Nhưỡng lẫn Bắc Kinh đang tìm kiếm mà không tham vấn Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, các chuyên gia Hàn Quốc nói rằng các cuộc tập trận chung với Mỹ là rất quan trọng: "Chúng tôi cần phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao để ngăn chặn Triều Tiên. Nếu không có các cuộc tập trận, sự sẵn sàng sẽ giảm rất nhanh, hợp tác thường xuyên là cách để có khả năng tương tác cao nhất", Gordon Chang, chuyên gia về Triều Tiên, nói với CNN.

Một số quan chức cấp cao cho biết Lầu Năm Góc sẽ làm việc với Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao để xác định cách thực hiện ý định của tổng thống về các cuộc tập trận.

Vấn đề cần được xác định ngay lập tức là các cuộc tập trận sẽ bị đình chỉ tạm thời hay vĩnh viễn. Quy mô ảnh hưởng là tất cả cuộc tập trận hay chỉ các cuộc tập trận chính có quy mô và tính khiêu khích cao. Những tác động đến đồng minh và liệu có điều kiện nào mà Triều Tiên phải đáp ứng để đổi lấy đình chỉ tập trận.

Thượng đỉnh Trump - Kim: Xếp lại quá khứ, nói về tương lai

Vượt qua muôn vàn trắc trở và những năm dài đối đầu căng thẳng, lãnh đạo của hai đất nước cựu thù đã gặp nhau tại Singapore và để lại những ấn tượng.

Kim Jong Un ra điều kiện với Trump: Chấm dứt chống đối nhau

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nói rõ với Tổng thống Trump rằng tiến trình giải trừ hạt nhân phụ thuộc việc hai bên ngưng hoạt động chống đối lẫn nhau.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm