Khi Tổng thống Donald Trump đến Singapore để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ông luôn giữ bên mình "đầu mối liên hệ" với chương trình hạt nhân tại Mỹ. Trong khi đó, ông Kim Jong Un không để lộ nhiều manh mối cho thấy ông sẽ điều khiển hệ thống vũ khí của mình như thế nào khi đi xa.
Hồi đầu năm, ông từng tuyên bố "nút hạt nhân luôn được đặt trên bàn làm việc trong văn phòng của tôi", ám chỉ quyền kiểm soát tối cao đối với kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Sau đó, Tổng thống Trump đáp trả: "Tôi cũng có nút hạt nhân, nhưng cái của tôi to và có uy lực mạnh mẽ hơn nhiều".
Hồi đầu năm, nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng nhắc đến "nút hạt nhân" nằm trên bàn làm việc của mình. Ảnh: Reuters. |
Kho vũ khí bí mật của đất nước bí ẩn
Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau trong một cuộc đàm phán có thể nói là quan trọng nhất từ thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Trump được tháp tùng bởi một nhân viên mang theo vali hạt nhân có trang bị các thiết bị liên lạc và một quyển sổ ghi chép kế hoạch tác chiến.
Nếu tổng thống muốn ra lệnh tấn công, ông sẽ phải cung cấp cho các quan chức quân sự tại Lầu Năm Góc một mã số chỉ có ông biết. Mã số này được ghi lại trong một tấm thẻ gọi là "Biscuit" mà tổng thống luôn phải mang theo bên người.
Ngược lại, quy trình khởi động hệ thống vũ khí của Triều Tiên, quốc gia được mệnh danh là bí ẩn nhất thế giới, nằm trong một vòng tròn khép kín và không thể dò ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng rất có thể hệ thống này được khởi động bởi mật mã.
Chiếc vali hạt nhân mà tổng thống Mỹ luôn mang theo bên người. Ảnh: CNN. |
Kể từ khi nắm quyền vào năm 2011, ông Kim Jong Un chỉ mới rời Triều Tiên 4 lần, trong đó có 2 lần đến Trung Quốc, 1 lần băng qua ranh giới quân sự liên Triều tại Bàn Môn Điếm và 1 lần đến Singapore.
Giới quan sát cho rằng ông sẽ không rời khỏi đất nước nếu không tự tin về hệ thống bảo mật của kho hạt nhân và khả năng khởi động nó từ xa trong trường hợp cần thiết.
"Chúng ta không biết khả năng liên lạc an ninh của Triều Tiên tiến bộ đến mức nào, vì vậy việc ông Kim có dễ dàng thực hiện quyền điều khiển quốc gia đối với quân đội Triều Tiên khi đang ở Singapore hay không là một câu hỏi mở", Straits Times dẫn nhận định của ông Andrew O'Neil, chuyên gia về chính sách hạt nhân của Triều Tiên thuộc Đại học Griffith, Australia.
Ông Kim có thể điều khiển kho hạt nhân từ xa?
Chuyên gia O'Neil cho rằng hệ thống ban hành mệnh lệnh, kiểm soát, liên lạc và tình báo của Triều Tiên nhiều khả năng tập trung về tay ông Kim, điều này có nghĩa ông không thể đưa ra quyết định kịp thời khi còn đang ở Singapore.
Do đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đã ủy quyền cho một quan chức mà ông tin tưởng ở Bình Nhưỡng. Người đó có thể là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Choe Ryong Hae, theo chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden.
"Ông Kim có thể cấp quyền hoặc duyệt trước một lệnh tấn công khi đi xa", ông Madden nói. Ngoài ra, các quan chức được tin tưởng có thể điều khiển hoặc liên lạc với ông Kim qua đường dây nóng từ Bình Nhưỡng.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng điều khiển kho vũ khí từ xa của ông Kim Jong Un. Ảnh: AP. |
Mặt khác, các chuyên gia lo ngại khả năng quan chức này, hoặc vô tình hoặc hữu ý, kích hoạt tấn công dù không cần thiết. Phó giáo sư Vipin Narang thuộc Chương trình Nghiên cứu An ninh của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng ông Kim Jong Un khó có thể khởi động hoặc dừng chu trình phóng tên lửa kịp thời.
Lý do là vì Bình Nhưỡng có thể đã thiết kế hệ thống ban hành mệnh lệnh nhanh chóng và tối giản nhất có thể nhằm phòng tránh nguy cơ bị tấn công bất ngờ.