Bình luận về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và tương lai các dự án đầu tư của Trung Quốc, phát ngôn viên Shen Danyang nói: “Tình hình ở Ukraina vẫn căng thẳng. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới nhất”.
ITAR-TASS dẫn lời ông Shen nói rằng, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Ukraina sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, việc đồng tiền Ukraina mất giá sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh tình hình hiện nay chỉ là "tạm thời".
“Trung Quốc tiếp tục hợp tác đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi hy vọng tình hình ở Ukraina sẽ sớm ổn định. Với Crimea, chúng tôi sẵn sàng hợp tác sau khi tình hình ở đây trở lại bình thường”, ông Shen Danyang nhấn mạnh.
Trung Quốc sẽ bắt đầu triển khai một số dự án đầu tư ở Ukraina. Bên cạnh đó, nước này dự định thuê khoảng 10.000 hecta đất nông nghiệp ở Crimea.
Theo Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc, kim ngạch thương mại năm 2013 giữa Trung Quốc và Ukraina ước tính khoảng 11,12 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2012.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc. Ảnh: China.org. |
Theo các hãng tin phương Tây, ngày 18/3, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước hành động sáp nhập Crimea của Nga.
Trong một thông cáo chung cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố “sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea.”
Ông Rompuy cũng hủy chuyến thăm bí mật Nga trong ngày 19/3 để gặp Tổng thống Vladimir Putin vì Moscow đã công khai chuyến thăm này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lên án việc Tổng thống Nga Putin ký hiệp ước chính thức sáp nhập bán đảo tự trị Crimea của Ukraina và tuyên bố sẽ không công nhận động thái này.