Khi cuộc khủng hoảng virus corona của Trung Quốc dường như lắng xuống dần và các ca lây nhiễm ở những nơi khác trên thế giới gia tăng, thông điệp từ Bắc Kinh là một số nước ở phương Tây đã phản ứng quá chậm và không đủ quyết liệt để ngăn chặn đại dịch.
Tâm dịch mới ở châu Âu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tuần trước rằng châu Âu là tâm dịch mới. Trước đó, Trung Quốc được coi là vùng dịch, nơi mầm bệnh lần đầu tiên xuất hiện.
Số ca mắc bệnh đã bùng nổ ở các quốc gia như Tây Ban Nha, nơi hiện có hơn 33.000 ca nhiễm bệnh được báo cáo và Italy, nơi đang bị phong tỏa với hơn 59.000 bệnh nhân nhiễm virus corona.
Cuộc sống đang dần trở lại bình thường trên khắp Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Theo South China Morning Post, các chính phủ ở phương Tây đã vội vã đưa ra các biện pháp ngăn chặn, với lo ngại về cuộc suy thoái làm xáo trộn thị trường tài chính toàn cầu.
Số ca mắc bệnh ở phần còn lại của thế giới đang ngày càng vượt xa tổng số ở Trung Quốc.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết đã có 10.734 trường hợp đang nhiễm virus corona tính đến ngày 14/3, với 20 ca nhiễm mới được báo cáo và hơn 1.000 người xuất viện mỗi ngày.
Theo WHO, trong suốt dịch bệnh, Trung Quốc đã báo cáo 81.054 trường hợp trong khi phần còn lại của thế giới có 269.482 ca.
Hiện tại, Trung Quốc đang nới lỏng các biện pháp ngăn chặn trong nước để tập trung vào việc giảm các trường hợp từ nước ngoài.
Hôm 15/3, Bắc Kinh tuyên bố tất cả những ai đi vào thành phố từ nước ngoài sẽ phải cách ly trong cơ sở biệt lập.
Đồng thời, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang chuyển từ "trọng tâm trong nước sang bên ngoài Trung Quốc", theo giáo sư chính trị Gu Su của Đại học Nam Kinh.
Ông Gu cho biết Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu kinh nghiệm và trí tuệ của mình như từng làm trong quá khứ.
Chỉ trích phương Tây không đủ nỗ lực
Hôm 14/3, đài truyền hình nhà nước CGTN nói trên tài khoản WeChat rằng một số quốc gia không đủ nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và những nỗ lực toàn cầu vẫn chưa thể "đồng bộ hóa".
Họ cho biết các đội y tế Trung Quốc đã công bố thông tin về chẩn đoán và điều trị trong các ấn phẩm toàn cầu nhưng "không được chú ý đúng mức".
Đài truyền hình dẫn lời Qiu Haibo, chuyên gia hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Zhongda ở Nam Kinh, nói rằng ông lo ngại một số quốc gia có thể phải học lại các bài học của Trung Quốc.
Cũng đã có những nhà phê bình ở Trung Quốc về sự chuẩn bị ở phương Tây.
Trong khi nhiều nơi ở Mỹ và các quốc gia khác ở châu Âu đã đóng cửa các trường học và hủy bỏ các sự kiện thể thao, vẫn còn những tranh cãi xung quanh cái gọi là chiến lược "miễn dịch cộng đồng", nói rằng việc đóng cửa hàng loạt sẽ không ngăn chặn được sự bùng phát nhưng để phần lớn dân số nhiễm bệnh sẽ giúp xây dựng khả năng miễn dịch và hạn chế nhiễm bệnh trong tương lai.
Hu Xijin, tổng biên tập Global Times, cho rằng việc các nước như Thụy Điển và Anh từ bỏ nỗ lực chống lại virus là "tội ác".
"Virus đang hoành hành ở châu Âu, nó vượt ngoài tầm kiểm soát của họ", ông Hu nói.
Ông cũng cho biết chiến lược miễn dịch cộng đồng sẽ "tạo ra lỗ hổng lớn" trong các nỗ lực ngăn chặn toàn cầu, gây áp lực trở lại với Trung Quốc để chống lại căn bệnh này.
Zhang Wenhong, giám đốc khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Huashan Thượng Hải, cho biết Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ ca nhiễm từ nước ngoài lớn và đại dịch khó có thể kết thúc vào mùa hè.
"Chúng tôi đã nghĩ rằng thế giới sẽ đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát với các biện pháp được thực hiện ở Trung Quốc - theo cách mà Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm. Nhưng châu Âu đã trở thành tâm dịch mới và mang đến cho chúng ta những bất ổn lớn", ông Zhang nói trong bài đăng trên mạng xã hội của bệnh viện.
Bộ Ngoại giao nói rằng những nỗ lực của Trung Quốc trong hai tháng qua đã giúp thế giới có thêm thời gian và sự hợp tác toàn cầu là cần thiết trong việc ngăn chặn virus và phát triển vắc-xin.
Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết các quốc gia nên tiếp tục với những nỗ lực ngăn chặn và cùng nhau tìm ra giải pháp, thay vì tìm cách đổ lỗi lẫn nhau.
Giáo sư Gu, từ Đại học Nam Kinh, nói rằng "cho đến nay, truyền thông Trung Quốc nói chung đã không lan tỏa được" thông điệp.
"Họ hiểu rằng phương Tây có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Trung Quốc, nhưng việc họ có làm được hay không lại là một vấn đề khác", ông nói.
Ông nói rằng nếu phương Tây chú ý đến những nỗ lực chưa từng có của Trung Quốc trong việc ngăn chặn virus trong 50 ngày qua thì họ sẽ cảnh giác và đề phòng tốt hơn.
"Hệ thống phương Tây khác với hệ thống của chúng tôi và họ không thể sao chép hoàn toàn những gì chúng tôi đã làm", ông nói.