Tại một đồn điền rộng 1.000 ha ở phía nam Philippines, hàng chục công nhân trung niên vừa hát vừa chuẩn bị chuối mới hái để xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Vào buổi chiều, nó giống như một sàn nhảy. Nhạc lớn giúp họ tỉnh táo, tập trung và nhanh nhẹn", Naiall Biol, quản lý tại trang trại ở tỉnh Davao del Norte, nói.
Các công nhân cần động lực để xử lý nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc, Biol nói với Nikkei Asian Review.
Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu chuối lớn nhất của Philippines năm ngoái, đánh bật Nhật Bản, vốn là thị trường lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Một số công ty đang tránh Nhật Bản để ký hợp đồng cung cấp cả năm với các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Biểu tượng cho quan hệ ngoại giao
Với hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang tranh giành ảnh hưởng ở Philippines, thay đổi này tượng trưng cho sự phụ thuộc ngày càng tăng của Manila vào Trung Quốc so với Nhật Bản.
Trong khi Tokyo thúc đẩy các dự án đường sắt để chiếm thế thượng phong về cơ sở hạ tầng thì Bắc Kinh lại tăng gấp đôi về nông nghiệp.
Trung Quốc đã mua số chuối trị giá 496 triệu USD từ Philippines năm ngoái, tăng 71% so với năm 2017. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
"Người Trung Quốc không chỉ làm điều này vì họ thích chuối Davao. Ở đây còn có khía cạnh chính trị", Herman Kraft, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Philippines, nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo tiền đề cho ngoại giao chuối khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2016 - chuyến đi trong đó ông tuyên bố "tách" đất nước của mình khỏi Mỹ, đồng minh chính của Philippines.
Đổi lại, ông Tập tuyên bố sẽ nhập khẩu thêm trái cây Philippines và cam kết đầu tư trị giá 24 tỷ USD.
Năm ngoái, Trung Quốc đã mua 496 triệu USD chuối, tăng 71% so với năm 2017, trong khi đơn đặt hàng từ Nhật Bản tăng 24% lên tới 485 triệu USD, theo dữ liệu của chính phủ Philippines.
"Theo cách nào đó, chuối đã trở thành biểu tượng cho quan hệ giữa hai nước", ông Kraft nói.
Quan hệ ngoại giao và kinh tế không phải lúc nào cũng ngọt ngào giữa Bắc Kinh và Manila, với cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng từng khiến người trồng chuối gặp khó khăn.
Sau cuộc đối đầu tháng 4/2012 giữa các lực lượng hải quân Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông gần bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh dường như đã trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu nhiều chuối của Philippines.
Trung Quốc tuyên bố chuối bị nhiễm sâu bệnh. Tuy nhiên, Stephen Antig, giám đốc điều hành của Hiệp hội những người trồng và xuất khẩu chuối của Philippines, nói rằng hành động này "hoàn toàn mang tính chính trị".
Các quan chức ngành công nghiệp cho biết đó là thời điểm khó khăn khi các trang trại ngập rác chuối thối và các lô hàng mắc kẹt tại cảng.
Công nhân tại một đồn điền chuối rộng 1.000 ha ở tỉnh Davao del Norte vừa nghe nhạc vừa làm việc để giữ cho họ tỉnh táo. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Manila đã nộp đơn lên tòa trọng tài vào năm 2013 để kiện Trung Quốc về vấn đề liên quan tới Biển Đông, làm căng thẳng quan hệ với Bắc Kinh. Chỉ vài tháng trước khi ông Duterte được bầu vào tháng 5/2016, chính quyền Trung Quốc đã phá hủy 35 tấn chuối Philippines trị giá 33.000 USD vì không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng của ông Duterte sang Bắc Kinh đã làm giảm căng thẳng. Các quan chức Trung Quốc hiện cam kết tăng nhập khẩu chuối và các loại trái cây khác bất cứ khi nào gặp các đối tác Philippines.
Trong khi đó, Nhật Bản đang kiểm soát nhập khẩu chuối Philippines. Năm ngoái, các thanh tra đã tìm thấy một hộp chứa quá nhiều chất bảo quản, khiến họ phải thử nghiệm ngẫu nhiên tất cả chuối của Philippines trong năm nay, làm tăng chi phí cho các nhà xuất khẩu.
Mặt trái của sự phụ thuộc Trung Quốc
Khi các quan chức Philippines đấu tranh để thuyết phục Nhật Bản bớt khắt khe, một số công ty đã chọn bỏ rơi thị trường Nhật Bản.
Raffy Caycong, người giám sát đồn điền rộng 84 ha của ARR Agribusiness tại Davao Del Norte, cho biết công ty sẽ chuyển tất cả sản phẩm sang Trung Quốc trong năm nay.
Công ty từng xuất khẩu 30% thu hoạch của mình sang Nhật Bản, nơi áp dụng mức thuế 8-18%. Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc được miễn thuế.
Xuất khẩu chuối của Philippines đạt 1,4 tỷ USD vào năm ngoái, khiến nước này trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai sau Ecuador. Khu vực này sử dụng khoảng 400.000 nhân công (bao gồm cả tù nhân), nhiều người từ vùng Davao trên đảo phía nam Mindanao, quê nhà của tổng thống. Một số nhà xuất khẩu chuối thậm chí đã đóng góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Duterte.
Kraft cho biết việc tăng mua hàng là cách để Trung Quốc đạt được lợi thế ngoại giao.
"Đối với ông Duterte, chính trị vẫn mang tính địa phương. Cuối cùng, điều đó vẫn mang lại lợi ích cho người dân Davao", Kraft nói.
Trung Quốc đã đồng ý tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Mindanao trị giá hàng tỷ USD trong khi Nhật Bản nhắm mục tiêu tới các dự án đường sắt ở Manila.
"Mỗi khi ông Duterte rời khỏi đất nước, ông ấy giống như một người bán hàng đang cố gắng bán chuối Philippines ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc", Antig nói.
Chuối đứng đầu chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra của Philippines với Hàn Quốc và các nhà xuất khẩu đang chuẩn bị tăng các chuyến hàng đến Nga. Ngay cả những thị trường khó tính như Australia cũng đang nghĩ đến việc nhập khẩu chuối Philippines.
Tuy nhiên, việc khai thác thị trường mới không dễ dàng. Trong khi Trung Quốc đang cung cấp sự thúc đẩy cho lĩnh vực này, Antig vẫn ủng hộ Nhật Bản, mô tả nó là một "thị trường ổn định".
Theo Han Da Bae, chủ tịch Hiệp hội nông dân và xuất khẩu chuối Mindanao, các nhà xuất khẩu nhỏ hơn được hưởng lợi từ sự thay đổi năng động cũng đang nhìn thấy mặt trái của sự phụ thuộc quá mức vào người Trung Quốc. Một số người đã đàm phán trực tiếp với những người trồng nhỏ, loại bỏ những người trung gian để có thỏa thuận tốt hơn.
"Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc", Bae nói.
"Làm sao có thể đi sai với một thị trường 1,3 tỷ dân được", Antig nói thêm.