Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines và Indonesia đi tìm thủ đô mới để giảm áp lực đại đô thị

Áp lực đô thị ở Manila và Jakarta đã thúc đẩy Tổng thống Philippines Duterte và Tổng thống Indonesia Widodo thúc đẩy kế hoạch di dời thủ đô dù quá trình này sẽ kéo dài và tốn kém.

Jolu Bunda dành tới bốn giờ mỗi ngày để đi lại khi làm công việc quản lý ngân hàng tại Metro Manila. Anh đi làm lúc 5h sáng để tránh giờ cao điểm tồi tệ nhất của thủ đô Philippines và rời văn phòng ngay khi ca làm việc kết thúc 12 giờ sau đó.

"Thật căng thẳng, nhưng tôi coi việc tan sở đúng giờ để tìm một chỗ ngồi tốt trên xe buýt là cần thiết. Tôi thận trọng với những đêm đi chơi. Tôi cần phải ở nhà và đi ngủ lúc 22h", anh nói với Nikkei Asian Review.

Bunda cảm nhận được căng thẳng mà nhiều năm tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đã tạo ra ở Manila và các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á. Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng là lý do Tổng thống Rodrigo Duterte đang xem xét kế hoạch di chuyển thủ đô đến nơi khác.

thanh pho Manila anh 1
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và lãnh đạo Indonesia Joko "Jokowi" Widodo coi việc di dời thủ đô là một giải pháp cho nhiều vấn đề. Ảnh: Nikkei/Reuters.

Ông Duterte cũng có những ý định khác, chẳng hạn thúc đẩy phân phối tài sản đồng đều hơn. Ông không phải là nhà lãnh đạo duy nhất của khu vực coi việc di chuyển thủ đô là biện pháp giải quyết vấn đề lớn. Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo cũng tuyên bố sẽ dời thủ đô khỏi Jakarta.

Tuy nhiên, ý tưởng di dời cơ quan chính phủ không có gì mới. Indonesia đã đề cập việc này từ những ngày đầu độc lập vào những năm 1940. Ngân sách và hậu cần luôn là những vấn đề quá khó khăn.

Áp lực của thành phố đông dân nhất thế giới

Ở Philippines, Metro Manila là nơi sinh sống của gần 13 triệu người, dựa trên cuộc điều tra dân số mới nhất, nhưng con số tăng lên khoảng 15 triệu vào ban ngày, khi các công nhân đi vào thành phố từ vùng ngoại ô.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ước tính mỗi ngày, Philippines mất 3,5 tỷ peso (68,2 triệu USD) do điều kiện giao thông của Metro Manila. Nếu không được kiểm soát, khoản lỗ hàng ngày dự kiến đạt 5,4 tỷ peso vào năm 2035.

Trong khi các tuyến tàu và đường cao tốc bổ sung được đưa vào hoạt động ở Metro Manila, chính phủ đang để mắt đến một khu đô thị mới cách đó khoảng 100 km về phía bắc - thành phố New Clark.

Nhà phát triển hy vọng thành phố sẽ thu hút chính phủ và doanh nghiệp, dẫn đến việc tạo ra một thủ đô hành chính mới tương tự Putrajaya của Malaysia.

thanh pho Manila anh 2
Một trạm tàu điện ngầm chật cứng ở thành phố Quezon, cạnh Manila. Ảnh: Reuters.

Thành phố New Clark nằm trong khu bảo tồn quân sự rộng 94,5 km2 ở Capas, tỉnh Tarlac. Khoảng 40% tổng diện tích được thiết lập để xây dựng, phần còn lại sẽ được dành cho canh tác và rừng.

Trong khi ông Duterte vẫn chưa công bố kế hoạch di dời, Bộ trưởng Tài chính Carlos Sebastuez đưa ra một lý do khác để biến thành phố New Clark thành trung tâm hành chính: sự bất tiện khi các văn phòng chính phủ trải rộng khắp Metro Manila.

Chẳng hạn, hai viện của Quốc hội cách nhau hơn 20 km và phải mất hơn một giờ để đi lại giữa hai nơi.

"Các văn phòng chính phủ ở Manila nằm rải rác khắp thành phố. Đối với công chúng, sẽ rất khó cho họ nếu phải làm việc với một số bộ và đi từ nơi này đến nơi khác", ông Dominguez nói trong khi tham quan khu bất động sản Clark.

Thành phố mới cũng sẽ cung cấp cho Manila thứ mà nó vô cùng cần: một đối thủ cạnh tranh. Trong báo cáo năm 2017 về đô thị hóa, Ngân hàng Thế giới ghi nhận việc thiếu các lựa chọn thay thế khả thi cho người dân và doanh nghiệp đã góp phần làm tình trạng tắc nghẽn của thủ đô ngày càng tồi tệ khi nền kinh tế quốc gia phát triển.

Ông Duterte đã đình chỉ phê duyệt các khu kinh tế mới ở Metro Manila để khuyến khích các nhà đầu tư hướng đến nơi khác. 

Thành công ở Clark ít nhất có thể giảm bớt một số áp lực cho thành phố đông dân nhất thế giới. Tình trạng quá tải đô thị là một vấn đề trên khắp châu Á - nơi có 9 trong số 10 đô thị đông đúc nhất thế giới - nhưng số lượng cư dân của Manila trên mỗi km vuông vượt quá 10.000 người so với Mumbai, đô thị xếp ở vị trí thứ hai.

Thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD

Jakarta không nằm trong top 10 nhưng môi trường ở đây cũng đang vô cùng ngột ngạt. Ít nhất một cuộc khảo sát cho thấy thủ đô của Indonesia có không khí bẩn nhất ở Đông Nam Á. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề mà 30 triệu cư dân ở Greater Jakarta phải đối mặt.

Khai thác nước ngầm đã khiến các khu vực rộng lớn của thành phố chìm dưới mực nước biển. Bất chấp việc khai trương một tuyến đường tàu điện ngầm, giao thông công cộng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn kinh niên.

Thiệt hại kinh tế hàng năm do ùn tắc giao thông được ước tính vào năm 2013 ở mức 56 nghìn tỷ rupiah (3,9 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) và có thể nhích lên gần 100 nghìn tỷ rupiah mỗi năm kể từ bây giờ.

Vào tháng 4, ông Widodo quyết định đã đến lúc phải di dời. 

"Jakarta hiện mang hai gánh nặng cùng một lúc: nó vừa là trung tâm của chính phủ và các dịch vụ công, vừa là trung tâm kinh doanh. Thành phố có thể mang gánh nặng đó trong tương lai không?", tổng thống nói khi tuyên bố ý định di dời thủ đô.

thanh pho Manila anh 3
Một ngày khói bụi ở Jakarta. Các nhà hoạt động đã kiện Tổng thống Widodo vì thiếu hành động chống ô nhiễm. Ảnh: Reuters.

Kể từ đó, ông Widodo đã đánh dấu Kalimantan, một phần đảo Borneo của Indonesia, là ứng viên chính để tiếp nhận cơ quan chính phủ. Trong khi Jakarta sẽ vẫn là trung tâm kinh tế của đất nước, ông Widodo cho biết kế hoạch này sẽ "khuyến khích tăng trưởng bên ngoài đảo Java".

Pangi Syarwi Chaniago, giáo sư chính trị tại Đại học Hồi giáo Nhà nước Syarif Hidayatullah cho biết việc di dời thủ đô "là một cách để ông Widodo thực sự cho thấy rằng mô hình tập trung vào Java phải chấm dứt".

"Bằng cách định vị trung tâm hành chính ở Kalimantan, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho miền Đông Indonesia", ông nói.

Đất nước không có trung tâm chính trị

Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo Widodo và Duterte đều phải đối mặt với những con đường dài và gập ghềnh. Chính ông Widodo thừa nhận trong một bài đăng trên Instagram rằng quá trình di chuyển thủ đô sẽ kéo dài và tốn kém.

Về chi phí, Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia cho biết khu vực tư nhân sẽ chi trả 3/4 cho dự luật trị giá 466 nghìn tỷ rupiah, thông qua các biện pháp như quan hệ đối tác công tư.

Nhà quy hoạch đô thị Paulo Alcazaren, hiệu trưởng tại PGAA Creative Design ở Philippines, cho biết việc di chuyển văn phòng và nhân viên chính phủ từ Metro Manila sẽ là một cơn ác mộng hậu cần.

thanh pho Manila anh 4
Tổng thống Widodo đã đánh dấu Kalimantan là ứng viên cho thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: Reuters.

Thay vào đó, ông đề nghị chính phủ tìm cách tạo ra một trung tâm lưu trữ và cơ sở dự phòng trong trường hợp thảm họa tự nhiên lớn xảy ra tại thủ đô hiện tại.

"Cho dù làm gì, sẽ không có gì thay thế được Metro Manila. Chuyển trung tâm chính phủ sẽ là một nhiệm vụ nặng nề, chỉ để xây dựng các cơ sở vật chất và sau đó là hậu cần và chuyển tiếp từ đây sang kia", ông Alcazaren nói.

Ông Alcazaren lập luận rằng không cần phải nhìn ra bên ngoài Metro Manila để đưa các cơ sở chính phủ phân tán lại gần nhau hơn. Hiện tại, có khoảng 60 ha đất nhàn rỗi được khai hoang từ vịnh Manila, gần các văn phòng của ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính.

Theo ông, tạo ra một trung tâm chính phủ ở đó sẽ cung cấp cho công chúng một nơi để giải quyết bất kỳ sự bất bình nào. "Chúng tôi là một đất nước không có trung tâm chính trị. Chúng tôi là một đất nước không có linh hồn, bởi tất cả đều bị phân tán với lý do chính trị", ông Alcazaren nhấn mạnh.

Ác mộng trong đêm ở Thành phố Nhựa tại Philippines

Tại thành phố Valenzuela, người dân đổ lỗi cho các nhà máy tái chế vì mùi hôi và các bệnh về đường hô hấp.

Nâng sàn nhà sắp chạm trần - Philippines lo bị nước nhấn chìm

Khi Mary Ann San Jose chuyển đến Sitio Pariahan, phía bắc Philippines hơn hai thập kỷ trước, cô có thể đi bộ đến nhà thờ địa phương. Nhưng ngày nay, phải bơi để đến được đó.





Tuyết Mai

Theo Nikkei Asian Review

Bạn có thể quan tâm