Theo một nhà khoa học hàng đầu tham gia vào dự án nghiên cứu của chính phủ, Trung Quốc đang phát triển một radar siêu nhạy có thể phát hiện ruồi, muỗi bay ở cự ly tới 2 km, SCMP cho biết. Một mẫu thiết bị này đang được thử nghiệm tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT).
“Việc xác định và theo dõi các mục tiêu nhỏ như muỗi, ruồi không còn là khoa học viễn tưởng. Chúng tôi đang tiến rất gần tới việc đưa công nghệ này ra khỏi phòng thí nghiệm và sử dụng nó để cứu sống con người”, một nhà khoa học giấu tên nói.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), muỗi gây ra cái chết cho con người nhiều hơn cả chiến tranh. Những vết đốt của chúng gây ra các bệnh truyền nhiễm khiến hơn một triệu người tử vong mỗi năm. Côn trùng đóng vai trò vật chủ mang một loạt các vi sinh vật gây bệnh, từ sốt rét đến các virus mới như Zika.
Việc kiểm soát dịch bệnh do muỗi gây ra là thách thức lớn vì chúng có thể di chuyển mà không để lại dấu vết. Muỗi khi bay thường có tiếng vo ve nhưng âm thanh đó chỉ nghe được khi chúng đến gần. Sau nhiều thập kỷ phát triển, những radar quân sự hiện đại có thể phát hiện tiếng vang của những con vật nhỏ từ cự ly rất ấn tượng.
Một hệ thống radar hiện đại của Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Một số nhà khoa học làm việc ở các dự án quân sự tin rằng công nghệ radar tiên tiến có thể sử dụng để chống muỗi và họ thuyết phục chính phủ tài trợ cho nghiên cứu của họ. Nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của Long Teng đã nhận được khoản tài trợ trị giá 82 triệu nhân dân tệ (khoảng 12,9 triệu USD) vào cuối năm 2017 để chế tạo một trạm radar phát hiện muỗi có thể kiểm tra tại hiện trường.
Theo các nhà khoa học làm việc cho dự án, radar này hoạt động bằng cách phát ra xung điện từ nhanh ở nhiều tần số. Khi sóng điện từ chạm trúng muỗi, chúng sẽ phản xạ trở lại với các thông tin gồm loài, giới tính, tốc độ, hướng bay và liệu chúng đã ăn hay chưa. Dự án được hoàn thành với sự hợp tác giữa các nhà khoa học côn trùng và nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dự án kỳ vọng thu thập lượng lớn thông tin từ radar giúp các nhà sinh vật học tìm hiểu về hành vi cá nhân và tập thể của muỗi, từ đó phát triển chiến lược mới để chống lại sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm thông qua muỗi.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học tỏ ra hoài nghi tính khả thi của dự án. Yi Zhenyuan, một nhà nghiên cứu công nghệ radar cho biết muỗi rất khó phát hiện, cấu trúc hình thể của chúng hoàn toàn khác so với thiết kế của các máy bay chiến đấu. Radar dùng để phát hiện muỗi có thể cần phải thiết kế lại toàn bộ thuật toán mới.
Muỗi bay ở tốc độ rất chậm, đôi khi chỉ lơ lửng trong không khí. Điều đó dẫn đến các công nghệ radar thường dùng để phát hiện vật thể di chuyển nhanh ít hữu ích cho dự án radar phát hiện muỗi. Thách thức lớn nhất sẽ đến từ môi trường, Yi nói, vì sóng điện từ phản xạ từ muỗi rất yếu và có thể dễ dàng bị mất dấu bởi tiếng ồn xung quanh. “Những gì hoạt động tốt ở trong phòng thí nghiệm có thể không thành công ở thực địa”, ông Yi nói.