SCMP cho biết tàu hậu cần Type 901 mới được nhìn thấy neo đậu tại cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, căn cứ chính của Hạm đội Nam Hải vào ngày 31/7.
Con tàu mang số hiệu 965 điều đó cho thấy nó đã được đưa vào sử dụng. Tàu mới có tải trọng gấp đôi tàu hậu cần Type-903 hiện hỗ trợ nhiệm vụ chống cướp biển của hải quân nước này ở Somalia.
Theo Jane’s Defence Weekly tàu hậu cần Type 901 được nhìn thấy bằng vệ tinh tại một xưởng đóng tàu ở Quảng Châu vào tháng 9/2015. Tàu được hạ thủy trong tháng 12 cùng năm. Con tàu được trang bị nhiều ống bơm nhiên liệu ở hai bên mạn tàu, điều đó cho phép tiếp tế nhiên liệu hàng không và dầu diesel cho tàu sân bay cùng lúc.
Tàu có tốc độ tối đa khoảng 25 hải lý/giờ, lượng choán nước khoảng 40.000-45.000 tấn, tương đương các tàu hậu cần của Hải quân Mỹ. Đô đốc về hưu Yin Zhuo từng nói với truyền hình nhà nước Trung Quốc trong tháng 6 rằng Type 901 đạt các tiêu chuẩn hỗ trợ cho nhóm tác chiến tàu sân bay.
Tàu hậu cần Type 901 neo đậu tại cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Sputnik. |
“Tàu hậu cần cỡ lớn là một trong những thành phần cốt lõi của nhóm tác chiến tàu sân bay. Tàu hậu cần càng chở được nhiều nhiên liệu thì nhóm tàu sân bay càng mạnh trong những trận chiến dài ngày”, ông Yin nói.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tàu hậu cần lớn không thể thay thế cho các căn cứ nước ngoài trong việc hỗ trợ mở rộng sứ mệnh của Hải quân Trung Quốc. Ni Lexiong, chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, nói rằng tàu hậu cần mới có thể hỗ trợ cho các nhiệm vụ trên khắp thế giới nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.
“Tàu hậu cần dù lớn đến mấy vẫn nhỏ hơn nhiều so với các kho chứa ở cảng. Tàu chỉ hỗ trợ được cho các nhiệm vụ triển khai theo từng đợt ngắn”, ông Ni nói. Hải quân Trung Quốc hiện chỉ có một căn cứ nước ngoài duy nhất ở Djibouti, châu Phi, trong khi Hải quân Mỹ có căn cứ trên khắp thế giới.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân nước xanh có thể hoạt động trên toàn cầu nhằm bảo vệ lợi ích hàng hải. Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Hải quân Mỹ.