Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đưa 1,8 kg đá Mặt Trăng trở về Trái Đất

Sứ mệnh Chang'e - 5 đã đưa đá từ Mặt Trăng xuống Trái Đất, đánh dấu sự tiến bộ trong chương trình vũ trụ của Trung Quốc và gửi đi tín hiệu cạnh tranh với Mỹ.

Buồng chứa mẫu vật nghiên cứu của tàu thám hiểm Mặt Trăng Chang'e - 5 đã hạ cánh an toàn tại Trung Quốc rạng sáng ngày 17/12, đánh dấu sứ mệnh ngoài vũ trụ thành công nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh.

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) xác nhận buồng chứa mẫu vật từ Mặt Trăng hạ cánh an toàn ở Nội Mông vào 2h ngày 17/12. Buồng chứa được tách khỏi tàu không gian Chang'e - 5 khi bay ngang phía nam Đại Tây Dương ở khoảng cách hơn 4.800 km. Chưa đầy 1 tiếng sau khi buồng chứa mẫu vật hạ cánh, đội ngũ chuyên gia Trung Quốc đã có mặt tại bãi đáp để thu hồi.

cuoc dua lap can cu o Mat Trang anh 1

Buồng chứa mẫu vật Mặt Trăng được thả về Trái Đất từ tàu thám hiểm không gian Chang'e - 5 vào sáng 17/12. Ảnh: CGTN.

Tàu Chang'e - 5 được phóng đi vào tháng 11 và đã mang mẫu vật trở về Trái Đất trong thời gian ngắn bất ngờ. Giới chuyên gia nhận định điều này đòi hỏi mức độ thiết kế và vận hành chưa từng có tiền lệ với các nhà khoa học Trung Quốc.

Sứ mệnh đã mang về khoảng 1,8 kg đá, đất từ Mặt Trăng và tạo bước đệm cho một cuộc đua vũ trụ mới trong nhiều thập kỷ.

"Trung Quốc chưa muốn đưa ra tuyên bố chính thức nào rằng họ có ý định thế chỗ Mỹ ở vị trí lãnh đạo lĩnh vực vũ trụ. Nhưng chắc chắn họ muốn thành nhân tố chủ lực trong lĩnh vực này", Brendan Curry, Trưởng văn phòng Washington D.C của Hội nghiên cứu Hành tinh, chia sẻ.

Phó tổng thống Mike Pence năm 2019 đã tuyên bố đẩy nhanh tiến độ đưa Mỹ trở lại Mặt Trăng trước năm 2024. Ông cảnh báo Trung Quốc muốn "chiếm cao điểm chiến lược trên Mặt Trăng và trở thành quốc gia ưu việt trong di chuyển ngoài vũ trụ".

Trước mắt, các nhà khoa học hành tinh tại Mỹ sẽ khó có cơ hội tiếp cận mẫu vật mà tàu Chang'e - 5 thu thập. NASA hiện vẫn giới hạn làm việc trực tiếp với cơ quan vũ trụ Trung Quốc và công ty do Trung Quốc sở hữu. Quy định này đã có hiệu lực vào năm 2011 trong bộ luật tài trợ ngân sách chính phủ cho NASA nhằm bảo vệ công nghệ hàng không vũ trụ Mỹ.

cuoc dua lap can cu o Mat Trang anh 2

Sứ mệnh Chang'e - 5 đánh dấu bước tiến mới trong cuộc đua thám hiểm vũ trụ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: CNSA.

Luật pháp Mỹ không cấm những nhà khoa học ngoài NASA làm việc với đồng nghiệp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cũng không cho phép nhà khoa học Trung Quốc tiếp cận các mẫu đá Mặt Trăng mà các phi hành gia NASA thu thập từ chuỗi sứ mệnh thám hiểm Apollo. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ áp dụng chính sách tương tự để đáp trả.

Theo New York Times, tầm nhìn của Bắc Kinh dành cho Mặt Trăng là biến nơi này thành căn cứ có thể hỗ trợ thám hiểm vũ trụ trong vài thập kỷ tới. Quan chức đương nhiệm lẫn đã về hưu trong lĩnh vực vũ trụ của Trung Quốc từng nhận định vùng không gian giữa Mặt Trăng và Trái Đất có thể mở rộng không gian sống cho con người và thành lập vùng kinh tế với khả năng tạo ra 10.000 tỷ USD.

"Đây không chỉ là câu chuyện chứng tỏ công nghệ. Họ đã bắt đầu có những toan tính kinh tế về tài nguyên ngoài không gian", nhà bình luận về lĩnh vực thám hiểm vũ trụ Namrata Goswami đánh giá.

Trái Đất từ góc nhìn của phi hành gia ở trạm ISS Video cho thấy góc nhìn của các phi hành gia ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) khi bước ra ngoài không gian và nhìn xuống Trái Đất.

NASA và Nokia sẽ lắp mạng 4G trên Mặt Trăng

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ hợp tác với công ty Phần Lan Nokia để lắp đặt mạng 4G trên Mặt Trăng, một phần trong kế hoạch để con người hiện diện lâu dài tại đây.

Mỹ lên kế hoạch khai khoáng trên Mặt Trăng bằng thỏa thuận vũ trụ mới

Khi vũ trụ ngày càng được coi là một địa hạt quân sự mới, thỏa thuận do Mỹ lãnh đạo có thể ​​sẽ gây tranh cãi giữa các đối thủ không gian của Washington, chẳng hạn như Trung Quốc.

NASA dừng cả dự án đổ bộ Mặt Trăng do nhân viên nhiễm virus

Kế hoạch sản xuất tên lửa và thử nghiệm hệ thống phóng không gian phục vụ dự án đổ bộ Mặt Trăng của NASA đã bị tạm dừng do sự bùng phát của Covid-19.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm