“Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào cũng phải được tôn trọng và bảo vệ”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2. “Ukraine cũng không phải ngoại lệ”.
Những lời của ông Vương Nghị là phát biểu rõ ràng nhất mà một quan chức cấp cao Trung Quốc từng đưa ra để cảnh báo Nga không tấn công Ukraine, theo Wall Street Journal.
Điều này cho thấy Bắc Kinh đang "đi dây" trong vấn đề Ukraine. Họ phải cố xây dựng quan hệ với Điện Kremlin trong khi đồng thời cũng phải vớt vát quan hệ Trung - Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị An ninh Munich năm 2020. Ảnh: MSC/Hennemuth. |
Trung Quốc đánh giá thấp phản ứng quốc tế
Khi Tổng thống Putin có mặt tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hôm 4/2, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga đã ra tuyên bố chung. Trong tuyên bố, Chủ tịch Tập ủng hộ Nga trên lập trường phản đối sự mở rộng của NATO. Ông Tập cũng không hề đề cập tới Ukraine.
Theo Wall Street Journal, đằng sau lập trường chung ấy là việc ông Tập muốn thể hiện sự đồng lòng với ông Putin vì quan hệ của cả hai nước với Mỹ đều xấu đi trong thời gian qua, theo các nguồn tin am hiểu cách nghĩ của Bắc Kinh.
Cũng như Nga lo lắng về an ninh của mình trước sự mở rộng của NATO, Trung Quốc lo ngại về vấn đề Đài Loan, một nguồn tin nói.
“Hai nước cảm thấy mình như đứng chung một thuyền”, người này cho biết.
Trung Quốc đại lục luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ được thống nhất, đồng thời thường xuyên yêu cầu Mỹ và các nước khác không tiếp xúc với hòn đảo.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã đánh giá thấp phản ứng của thế giới trước tuyên bố chung hôm 4/2.
Tổng thống Putin là khách vinh dự của Trung Quốc tại Thế vận hội Bắc Kinh. Ảnh: AFP. |
Nhiều nhân vật ở Mỹ và châu Âu nhìn nhận tuyên bố ấy như là tín hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh dự định hợp lực với Moscow để tái thiết lập trật tự thế giới cho giống hơn với tầm nhìn của hai nước này.
Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng hoạt động quân sự gần eo biển Đài Loan và bị cáo buộc có hành vi cưỡng ép đối với các nước như Australia và Lithuania, tuyên bố hôm 4/2 đã tiếp sức cho nỗ lực của Tổng thống Joe Biden muốn cùng đồng minh đối phó Trung Quốc.
Bắc Kinh nhận ra rằng bản thân sẽ không có lợi nếu quan hệ với Mỹ tiếp tục đi xuống. Trung Quốc vẫn cần được tiếp cận các nguồn tài chính và tài nguyên công nghệ của Mỹ để đảm bảo an ninh kinh tế - phát triển.
Trong khi đó, khả năng tiếp cận này có thể bị đe dọa trong trường hợp Bắc Kinh quyết định giúp Moscow tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây nếu Nga tấn công Ukraine.
“Trung Quốc thấy quan hệ giữa họ với Mỹ sẽ có tính cạnh tranh và đối đầu”, Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall Đức - viện chính sách có trụ sở tại Washington, nói. “Nhưng họ không muốn bị đẩy về phía cùng một phe với Nga”.
Bắc Kinh đổi giọng, đề cao giải pháp ngoại giao
Từ sau tuyên bố chung hôm 4/2, Bắc Kinh bắt đầu kêu gọi giải quyết khủng hoảng Ukraine thông qua các kênh ngoại giao. Lập trường này đã xích lại gần hơn quan điểm của Mỹ cùng đồng minh.
Hôm 16/2, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên về Ukraine kể từ sau chuyến thăm của ông Putin.
Thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc trao đổi cách ứng phó khủng hoảng Ukraine làm sao để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh. Ảnh: AFP. |
"Mọi bên liên quan nên bám sát định hướng chung về giải pháp chính trị, tận dụng đầy đủ các nền tảng đa phương như Bộ tứ Normandy và tìm kiếm giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn", ông Tập nói, theo South China Morning Post.
Tương tự, dù vẫn đổ lỗi cho phương Tây thổi phồng tình hình và cảnh báo NATO ngừng mở rộng, Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 19/2 cũng kêu gọi châu Âu, Nga và Mỹ đồng ý lộ trình thực thi Thỏa thuận Minsk vì đây là con đường duy nhất giải quyết khủng hoảng.
Thỏa thuận Minsk được ký năm 2015, giúp chấm dứt giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở vùng Donbas nhưng bạo lực vẫn thi thoảng nổ ra.
Theo các nhà ngoại giao Trung Quốc và cố vấn chính phủ, sự thay đổi thái độ này diễn ra vài ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan đầu não của Trung Quốc - nhóm họp kín về nhiều vấn đề, trong đó có khủng hoảng Ukraine.
“Trung Quốc vẫn muốn giữ gìn quan hệ với Mỹ”, ông Wang Huiyao - cố vấn chính phủ và Chủ tịch Trung tâm Toàn cầu hóa, một viện chính sách của Trung Quốc - nói.
Sắp tới, Bắc Kinh sẽ tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon. Chuyến thăm 7 ngày vào năm 1972 của ông Nixon đã mở đường cho Mỹ - Trung nối lại quan hệ ngoại giao, cũng như quá trình Trung Quốc mở cửa.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết mục đích của chuỗi sự kiện này là để các học giả, doanh nhân và các nhóm khác lên tiếng về việc hai cường quốc phải tiếp tục trao đổi và tiếp xúc.
Điều này càng cần thiết trong lúc giới ngoại giao Trung Quốc than phiền về việc gần đây khó gặp được quan chức chính quyền Mỹ. Nguyên nhân là chính quyền ông Biden tiếp nối chính sách cứng rắn với Trung Quốc được bắt đầu từ thời Tổng thống Trump.
“Chúng tôi vẫn muốn cho thấy không gian phát triển trong thị trường Trung Quốc dành cho các công ty từ Mỹ và các nước khác vẫn còn rất lớn”, ông Wang cho biết.