Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc họp kín ở Trung Nam Hải về Ukraine

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cẩn trọng trong ứng xử trước vấn đề Ukraine để vừa gìn giữ quan hệ với Moscow, vừa bảo vệ lợi ích chiến lược và kinh tế của mình.

bac kinh dau dau vi ukraine anh 1

Từ khi căng thẳng về vấn đề Ukraine gia tăng, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan “đầu não” của quốc gia này - ít khi xuất hiện trước công chúng.

Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, Ukraine là một trong những chủ đề chính của các buổi thảo luận kín ở Trung Nam Hải. Giới chức Bắc Kinh muốn tìm cách ủng hộ Moscow mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia.

Các cuộc thảo luận ở Trung Nam Hải đã diễn ra từ sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin nhân lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hôm 4/2, cho thấy các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh coi đây là công việc tế nhị và cấp bách.

Thế khó của Bắc Kinh

Tuyên bố phản đối sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là sự ủng hộ Nga rõ ràng nhất mà Trung Quốc đưa ra trong thời điểm căng thẳng. Trong khi đó, Bắc Kinh cố gắng không đưa ra tín hiệu “bật đèn xanh” cho một cuộc tấn công của Nga.

Dù vậy, tuyên bố chung giữa ông Tập và ông Putin trong chuyến thăm vừa qua cũng thể hiện sự liên kết chặt chẽ nhất giữa hai nước kể từ Chiến tranh Lạnh. Theo Wall Street Journal, một số quan chức Trung Quốc cảm thấy không hài lòng vì điều này báo hiệu một sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại nước này.

“Ủng hộ Nga phản đối mở rộng NATO là một chuyện. Điều này không gây ra cái giá nào cả”, giáo sư Sergey Radchenko, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, Bologna, Italy, nói. “Giúp đỡ Nga thoát khỏi các lệnh cấm vận kinh tế nếu tấn công Ukraine là một chuyện khác”.

bac kinh dau dau vi ukraine anh 2

Trung Quốc tỏ ra cẩn trọng khi phản ứng trước vấn đề Ukraine do quan hệ với Nga. Ảnh: Reuters.

Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết cuộc thảo luận của giới chức Bắc Kinh bàn về cả các vấn đề mang tính nguyên tắc lẫn thực tiễn. Quyết định của Trung Quốc sẽ dựa trên diễn biến tình hình, cũng như được trình bày tại cuộc họp toàn thể Bộ Chính trị cuối tháng này.

Bắc Kinh hiểu việc liên kết quá chặt chẽ với Nga, đặc biệt về vấn đề an ninh châu Âu, đem lại nhiều nguy cơ. Các nước châu Âu có thể “mếch lòng” và nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ.

Hôm 16/2, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên về Ukraine kể từ sau chuyến thăm của ông Putin. Ông Tập kêu gọi sử dụng các kênh đối thoại như “bộ tứ Normandy” để đạt được “giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine”.

"Tất cả các bên liên quan nên bám sát định hướng chung về giải pháp chính trị, tận dụng đầy đủ các nền tảng đa phương như Bộ tứ Normandy và tìm kiếm giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn", ông Tập nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Macron, theo South China Morning Post.

Tuyên bố được đưa ra khi Moscow tuyên bố đã rút dần quân đội khỏi biên giới Ukraine, trong khi phương Tây phủ nhận chuyện này, nói rằng Nga đã tăng cường binh lính.

Bắc Kinh cũng có nhu cầu bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh trong khu vực có thể bị Nga đe dọa. Ukraine là một thành viên của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Nhiều quốc gia Đông Âu cũng tham gia sáng kiến này.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực này trong những năm qua. Trong khi đó, Đông Âu là nguồn cung dầu ăn, máy móc và lò phản ứng hạt nhân lớn của Trung Quốc.

Không chỉ tập trung vào Đông Âu, tính toán của Bắc Kinh còn vươn rộng ra không gian hậu Xô viết. Trung Á là một phần quan trọng của sáng kiến BRI, trong khi những đường ống dẫn dầu và khí qua khu vực này nằm trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của Trung Quốc.

Đây cũng là khu vực mà Bắc Kinh muốn thay thế Moscow để trở thành cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất.

“Ông Putin đặt ra thế khó cho Bắc Kinh”, ông Carl Minzner, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định. “Một tiền lệ can thiệp của Nga vào không gian hậu Xô viết sẽ tăng mối nguy cho các đường ống dẫn dầu của Trung Quốc ở Trung Á”.

Trung Quốc giữ khoảng cách

Sự cẩn trọng trong quan điểm của Trung Quốc về Ukraine được thể hiện qua cách truyền thông nhà nước của nước này đưa tin về sự việc: Một mặt khiển trách Mỹ và các đồng minh gửi vũ khí tới Ukraine và phóng đại đe dọa từ Nga, mặt khác lặp lại quan điểm cần đàm phán của giới chức Kyiv.

Bên cạnh hỗ trợ về chính trị, Bắc Kinh còn giúp đỡ Nga cả về mặt kinh tế qua các bản hợp đồng mua bán dầu khí trị giá tới 117,5 tỷ USD và kéo dài hơn 20 năm, được ký kết trong thời gian ông Putin ở Trung Quốc.

bac kinh dau dau vi ukraine anh 3

Trung Quốc và Nga vừa đạt được thỏa thuận dầu khí trị giá tới 117,5 tỷ USD. Ảnh: Caspian News.

Một số quan chức tại Bắc Kinh đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của việc ký hợp đồng dài hạn như vậy giữa lúc giá dầu thế giới đang lên cao. Một cố vấn chính phủ nói với Wall Street Journal rằng Bắc Kinh có thể cố gắng đàm phán các điều khoản thuận lợi hơn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tính đến nguy cơ hệ thống tài chính và thương mại nước này phải chịu các lệnh hạn chế từ Washington nếu tích cực giúp đỡ Moscow thoát khỏi các biện pháp cấm vận của phương Tây.

Các ngân hàng Trung Quốc vẫn phải dựa vào mạng lưới tài chính toàn cầu để thực hiện giao dịch xuyên biên giới. Các nhà sản xuất điện thoại và xe điện Trung Quốc cũng phụ thuộc vào chip bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác từ Mỹ.

Nếu bị áp đặt thêm hạn chế, nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nạn nhân.

Từ khi ông Tập lên cầm quyền tới nay, ông đã gặp người đồng cấp Nga Putin tổng cộng 38 lần. Các mối liên kết giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng khi quan hệ của cả hai với Mỹ và phương Tây cùng xấu đi.

Tuy nhiên, sự phát triển của quan hệ song phương cũng có những hạn chế nhất định.

“Cả Trung Quốc và Nga không muốn có nghĩa vụ hy sinh lợi ích của mình khi phía bên kia gây bất ổn”, giáo sư Joseph Torigian tại Đại học American, Mỹ, cho biết.

Bên trong Nhà Trắng những ngày khủng hoảng Ukraine leo thang

Khi lo ngại về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine dâng cao, Nhà Trắng thành lập nhóm chuyên trách để nghiên cứu cách phản ứng của Mỹ nhằm đề phòng xung đột nổ ra.

Để hiểu toan tính của ông Putin, hãy nhìn vào căn cứ nhạy cảm ở Ba Lan

Một cơ sở quân sự của Mỹ tại bìa rừng Ba Lan được cho là lý do sâu xa ẩn sau những toan tính của Điện Kremlin khi cho điều quân tới gần khu vực biên giới Ukraine.

Việt Hà - Trần Hoàng

Theo WSJ, SCMP

Bạn có thể quan tâm