Trung Quốc vừa đề xuất một hiệp định tự do thương mại (FTA) mới cho châu Á, động thái được Nikkei Asian Review gọi là bước "ngáng đường" Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một FTA khác đang được 16 nước châu Á đàm phán.
Sau khi hoàn tất, RCEP sẽ là khối thương mại tự do khổng lồ với 50% dân số và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. 10 nước thành viên ASEAN đang mong muốn hoàn tất đàm phán RCEP, cố gắng vượt qua các vướng mắc với Ấn Độ về vấn đề giảm thuế. RCEP có sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN cùng 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Nhưng Trung Quốc lại có ý tưởng khác. Khi các quan chức kinh tế cao cấp của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc họp vào tháng 4, Bắc Kinh đề xuất một hiệp định đối tác 13 thành viên. Đề xuất của Bắc Kinh nêu rõ việc tạo nên FTA mới là một khả năng có thể hướng đến.
Từ trái qua phải: Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp về RCEP ở Singapore tháng 11/2018. Ảnh: Reuters. |
Nhật Bản và các nước Đông Nam Á ngay lập tức phản đối ý tưởng này, vốn khá giống hiệp định thương mại RCEP, nhưng không có ba nước Ấn Độ, New Zealand và Australia.
Theo bình luận của Nikkei Asian Review, Trung Quốc dường như đang cố gây áp lực lên Ấn Độ và Australia, hai quốc gia đang cùng với Nhật Bản và Mỹ phát triển sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở”, bao gồm nhiều gói hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều nước trong khu vực.
Bắc Kinh cũng đang bực bội vì đàm phán RCEP chậm chạp do mâu thuẫn giữa Ấn Độ và 15 nước còn lại. Ấn Độ e ngại yêu cầu giảm thuế đáng kể của các nước.
Bắc Kinh đã hy vọng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn tất RCEP sau khi tái đắc cử vào tháng 5. Nhưng ông Modi đã bổ nhiệm bộ trưởng thương mại và công nghiệp theo đường lối bảo hộ, ông Piyush Goyal. Bắc Kinh và các thành viên ASEAN hiện không kỳ vọng Ấn Độ sẽ chấp nhận nhượng bộ lớn trong tương lai gần, theo Nikkei Asian Review.
ASEAN đã lên lịch một phiên họp đặc biệt ngày 22/6 tới để thúc đẩy đàm phán, sau khi các cuộc bầu cử quan trọng ở Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia đã ngã ngũ.
Phiên họp này sẽ bàn về RCEP, và dự kiến sẽ không bàn thêm về đề xuất đối tác 13 nước của Trung Quốc. Nhưng sự ủng hộ cho kế hoạch của Bắc Kinh có thể sẽ tăng lên, nhất là từ các thành viên ASEAN thân Trung Quốc như Campuchia và Lào.