Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mukhtar Tleuberdi hôm 10/1 cho biết Bắc Kinh sẽ giúp chính phủ Kazakhstan chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tleuberdi đã cam kết hợp tác với Bắc Kinh để trấn áp “ba thế lực tà ác” - cụm từ Trung Quốc sử dụng để nói về 3 thuật ngữ trên nhằm ám chỉ tình trạng bất ổn ở Trung Á và khu tự trị Tân Cương ở phía tây.
“Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh (hai bên), bên cạnh hợp tác song phương để chống lại sự can thiệp (từ bên ngoài) nhằm bảo vệ hệ thống chính trị và sự an toàn của cả hai nước", South China Morning Post dẫn lời ông Vương Nghị.
“Bất ổn diễn biến bất ngờ ở Kazakhstan cho thấy tình hình (an ninh) vẫn còn tồi tệ ở Trung Á. Điều này một lần nữa cho thấy một số thế lực nước ngoài không muốn khu vực của chúng ta hòa bình và yên ổn”, nhà lãnh đạo cho hay.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kazakhstan bắt đầu ngay những ngày đầu năm mới. Ảnh: Reuters. |
Cuộc điện đàm diễn ra ba ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thông điệp ủng hộ đến Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Ông Tập đồng tình với các nỗ lực của chính quyền Kazakhstan nhằm kiềm chế tình hình bất ổn, nhưng không đề cập tới việc những kẻ khủng bố được đào tạo ở nước ngoài đằng sau các cuộc biểu tình.
Kazakhstan rất quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời cũng là nơi đặt các dự án kinh tế - bao gồm trung tâm giao thông ở thành phố biên giới Khorgos và đường ống dẫn dầu lớn. Từ lâu, Trung Quốc cũng lo ngại bạo lực ở các nước láng giềng Trung Á ảnh hưởng tới biên giới, đặc biệt là ở Tân Cương.
Raffaello Pantucci, học viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết Trung Quốc sẽ không can thiệp theo cách của Nga, nhưng tình hình bất ổn khiến Bắc Kinh đánh giá lại tình hình an ninh khu vực.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kazakhstan bắt đầu sau khi giá nhiên liệu tăng cao vào ngày đầu năm mới. Sau đó sự phản đối lan sang các vấn đề khác, bao gồm cả cáo buộc tham nhũng liên quan đến gia đình của Nursultan Nazarbayev - cựu tổng thống từ chức vào năm 2019 sau 29 năm cầm quyền.
Chính phủ Kazakhstan cho biết bạo lực được thúc đẩy bởi "nhóm khủng bố phối hợp nhuần nhuyễn được đào tạo ở nước ngoài" và "nhóm Hồi giáo cực đoan". Tổng thống Tokayev đã ra lệnh cho quân đội bắn mà không cần báo để ổn định tình hình.
Chính phủ cho biết họ sẽ không truy tố những người biểu tình ôn hòa.