Nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo tăng mạnh sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Ảnh: Bloomberg. |
Bloomberg đưa tin theo các chuyên gia tư vấn tại Energy Aspects, các công ty dầu mỏ quốc doanh Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu dầu Nga. Dấu hiệu này cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mua thêm dầu thô có xuất xứ Nga.
Mới đây, PetroChina và CNOOC đã nối lại việc nhập khẩu dầu Nga qua đường biển. Theo các nhà phân tích của EA, ít nhất 3 siêu tàu chở dầu Urals của Nga có điểm đến là Trung Quốc. Nhóm phân tích không tiết lộ thông tin này được lấy từ đâu.
Nhóm phân tích cho rằng trong những tháng tới, China Petroleum & Chemical hoặc Sinopec cũng có thể tăng mua dầu thô từ Nga.
Dầu thô giá rẻ
Theo phân tích của hãng nghiên cứu, các nhà máy lọc dầu quốc doanh Trung Quốc vẫn kín tiếng về những giao dịch mua bán dầu thô với Nga. Từ lâu, họ đã chờ tín hiệu của Bắc Kinh về việc mua dầu Nga.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc vẫn đang mua những lô hàng dầu ESPO và Sokol của Nga, sau một thời gian ngắn bị gián đoạn vào tháng 12 nhằm giải quyết các vấn đề về ngân hàng và bảo hiểm do kế hoạch áp giá trần của G7.
Trong năm nay, lượng dầu mà Trung Quốc mua từ Nga có thể tăng từ 500.000 thùng/ngày lên 2,2 triệu thùng/ngày. Con số này thậm chí còn có khả năng đạt 2,5 triệu thùng/ngày nếu Bắc Kinh quyết định mua thêm dầu Urals nhằm bổ sung kho dự trữ dầu mỏ thương mại hoặc chiến lược.
Nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo tăng mạnh sau khi Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - mở cửa trở lại. Trong báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 18/1, nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu dầu được dự báo đạt kỷ lục trong năm nay. Ảnh: Bloomberg. |
Bắc Kinh bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt kể từ tháng 12 năm ngoái. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mở đường cho sự phục hồi trong hoạt động di chuyển, thương mại và kinh tế.
Hầu hết giới quan sát tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn phục hồi chậm chạp vào quý I, rồi khởi sắc trong phần còn lại của năm.
Theo IEA, nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sẽ tạo ra một thị trường dầu thắt chặt. Bởi đó là lúc các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây áp lên lĩnh vực năng lượng của Nga phát huy tác dụng.
Trong tháng cuối năm 2022, kế hoạch áp giá trần dầu Nga của phương Tây và lệnh cấm đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga từ phía Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.
Mong muốn của phương Tây
Ngoài Trung Quốc, một quốc gia châu Á khác là Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh mua dầu thô Nga giá rẻ. Nước này nhập khẩu tới 85% lượng dầu thô. Kể từ năm ngoái, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã tăng cường xuất khẩu để kiếm lời từ giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao.
Theo ông Warren Patterson - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại ING Groep, phần lớn sản phẩm tinh chế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ được chuyển tới phương Tây. "Rõ ràng là ngày càng nhiều nguyên liệu cho những sản phẩm này có nguồn gốc từ Nga", ông nói thêm.
Khi dầu thô của Nga được lọc tại một quốc gia khác, các sản phẩm có thể được chuyển tới EU vì chúng không có nguồn gốc từ Nga.
Nhưng hành động của New Delhi vẫn đúng với mong muốn của phương Tây. Đó là giảm doanh thu từ năng lượng của Moscow và ngăn chặn cú sốc nguồn cung nhiên liệu.
"Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ có 2 mục tiêu chính. Đó là đảm bảo nguồn cung trên thị trường dầu mỏ và tước đi nguồn thu từ dầu mỏ của Nga", Bloomberg dẫn lời ông Ben Cahill - một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - nhận định.
"Họ biết các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc có thể kiếm lời lớn từ việc mua dầu thô giá rẻ từ Nga, rồi bán các sản phẩm tinh chế theo giá thị trường. Nhưng họ không phản đối điều đó", ông nói thêm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.