Giá vàng giao ngay trồi sụt mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/2 trên sàn New York. Theo Kitco.com, giá vàng đã vọt lên 1.884 USD/ounce, rồi rớt xuống dưới mức 1.866 USD/ounce, trước khi bật tăng về 1.872 USD/ounce, kết thúc phiên với mức tăng 5,1 USD/ounce so với ngày trước đó.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở thị trường chứng khoán Mỹ. Các tài sản trồi sụt mạnh trong phiên 7/2 do bài phát biểu của ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo CNBC, trong bài phát biểu hôm 7/2, ông Powell cho rằng lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng ông thừa nhận đó sẽ là một quá trình dài hơi.
Vị chủ tịch cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng mạnh hơn dự đoán của thị trường.
Biến động của giá vàng trên sàn New York |
Biến động mạnh
"Quá trình thiểu phát đã bắt đầu trong lĩnh vực hàng hóa, chiếm 25% nền kinh tế", ông Powell cho biết trong một sự kiện tại Washington. "Nhưng chúng ta vẫn còn phải đi một quãng đường dài. Đây mới là giai đoạn đầu", ông nhấn mạnh.
Bài phát biểu của ông Powell khiến các thị trường trồi sụt dữ dội. 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt tăng vọt nhờ tuyên bố "lạm phát đã hạ nhiệt" của chủ tịch Fed, rồi nhanh chóng quay đầu lao dốc sau cảnh báo của ông về việc tăng lãi suất điều hành mạnh tay hơn dự kiến.
Nhưng kết thúc phiên giao dịch ngày 7/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vẫn ghi nhận mức tăng 0,78% lên 34.156,69 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq có thêm lần lượt 52,92 điểm (+1,29%) và 12.113,79 (+1,9%).
Biến động của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trong phiên 7/2. Ảnh: CNBC. |
Biến động của chỉ số S&P 500 trong phiên 7/2. Ảnh: CNBC. |
Biến động của chỉ số Nasdaq trong phiên 7/2. Ảnh: CNBC. |
Chủ tịch Fed cho biết các dữ liệu về thị trường việc làm đang chỉ ra rằng lạm phát nóng hơn dự kiến của Fed. Điều đó có nghĩa là lãi suất sẽ cao hơn dự tính.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 3/2, Mỹ có thêm 517.000 việc làm trong tháng 1, tăng mạnh từ mức 223.000 việc làm hồi tháng 12/2022 và bỏ xa con số được các nhà đầu tư dự báo là 187.000 việc làm.
"Khả năng tiếp đất nhẹ nhàng của nền kinh tế Mỹ sẽ rất khó xảy ra nếu thị trường lao động không hạ nhiệt", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh - nhận định với Zing. Thị trường lao động tăng trưởng mạnh làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.
Phụ thuộc vào dữ liệu
Mới đây, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - cũng cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất điều hành mạnh tay hơn dự kiến sau báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ. "Nếu nền kinh tế chống chịu tốt hơn dự báo, chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm", vị quan chức nói với Bloomberg.
Ông Bostic cho rằng nếu mọi thứ diễn ra đúng như dự đoán, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ kết thúc với mức 5,1%, tương tự ước tính của cơ quan hoạch định chính sách của Fed trong cuộc họp tháng 12.
Trong kịch bản này, lãi suất sẽ được giữ nguyên trong năm 2024.
Nếu chúng tôi tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Điều này có nghĩa là Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm 2 lần nữa rồi dừng lại. Nhưng ông Bostic cảnh báo rằng mức lãi suất cực đại có thể cao hơn dự báo 25 điểm cơ bản, thậm chí 50 điểm cơ bản.
"Thực tế là chúng tôi sẽ hành động dựa trên các dữ liệu. Nếu chúng tôi tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá", ông Powell chia sẻ.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi giảm xuống 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Trong bài phát biểu, ông Powell không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào về việc dừng tăng lãi suất. Vị chủ tịch cho rằng có thể phải tới năm 2024, lạm phát mới hạ nhiệt xuống mức cần thiết.
"Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm nay. Nhưng có thể tới năm 2024, lạm phát mới hạ nhiệt xuống gần mức mục tiêu 2%", ông Powell dự báo.
"Chúng ta cần kiên nhẫn. Chúng tôi sẽ vẫn giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian trước khi cắt giảm", vị chủ tịch nói thêm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.