Song Zongpei, 28 tuổi, không định sống như mẹ cô: lấy chồng ở tuổi 25 và sống những ngày sau đó với trách nhiệm của người vợ và người mẹ. Song hiện ở trong một căn nhà thuê ở Bắc Kinh cùng hai người bạn, cô quan tâm đến sự nghiệp và tài chính cá nhân. "Lúc này đây, thứ tôi quan tâm nhất là phát triển bản thân", Song nói.
Một cuộc thảo luận đang nổ ra trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc về quan điểm của thanh niên hiện nay về hôn nhân. Cuộc thảo luận xuất phát từ một bài báo của New York Times về chuyện ngày càng có nhiều người trẻ chần chừ trong việc lập gia đình.
Kiếm sự nghiệp thay vì kiếm chồng
Tương tự Song, rất nhiều cô gái Trung Quốc có học thức cao, đang tìm kiếm sự nghiệp và sự độc lập tài chính thay vì một người chồng. Những cô gái này đang thách thức truyền thống hàng ngàn năm ở Trung Quốc khi việc hôn nhân của con cái thường do bố mẹ sắp đặt, hoặc chí ít có can thiệp và thúc đẩy.
Năm 2015, ở Trung Quốc có 12 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn. Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng đăng ký kết hôn giảm. Trong khi đó, số lượng ly hôn là 3,8 triệu trường hợp, gấp đôi so với mức cách đây một thập kỷ.
Năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn ở Trung Quốc giảm. Ảnh: New York Times |
Hàng chục ngàn người đã sử dụng hashtag #ChinesePeopleUnwillingToGetMarried (người Trung Quốc không sẵn sàng kết hôn) để tham gia thảo luận trên mạng xã hội.
Nhiều người vẫn nói rằng họ muốn kết hôn trong tương lai. Trong khi đó, không ít người cho rằng hôn nhân ngày nay không còn quan trọng như trước đây nữa, theo BBC.
"Nếu tôi được nhận vào chương trình sau đại học, tôi sẽ theo đuổi ước mơ của mình. Hôn nhân không phải điều tất yếu. Nhưng làm sao tôi nói ra được rằng mình không định kết hôn, nhưng lại muốn có con?", một người dùng Weibo có tài khoản Gan Zhaoji cho biết.
Không muốn sống theo áp lực xã hội
Một người dùng có tài khoản LostCici cũng nói cô không muốn sống theo những áp lực của xã hội. "Tôi không kết hôn vì người ta bảo tôi phải kết hôn. Tôi cũng không muốn sinh con vì xã hội muốn tôi sinh con", cô nói.
Trong khi đó, một người dùng nam có tài khoản Yang Tingting cho biết chi phí kết hôn ngày nay quá cao và người ta muốn chọn một cách khác.
Nhiều người cũng đồng ý rằng việc không kết hôn vẫn là điều "cấm kị" ở Trung Quốc, từ phía bố mẹ lẫn người yêu.
"Đó là một hiện tượng kỳ lạ. Nhiều người đàn ông không muốn nghe một phụ nữ nói rằng cô ta không muốn kết hôn", người dùng Lin Maomao cho biết.
Truyền thông chính thống Trung Quốc vẫn đang đề cao vai trò của hôn nhân, thúc ép các cô gái đừng nên chỉ chăm chăm tìm kiếm "người đàn ông hoàn hảo" với mình. Tuy nhiên, tình trạng nhân khẩu học của Trung Quốc và cả xã hội đang biến đổi làm cho việc tuyên truyền ngày một khó khăn hơn.
"Các cô gái đều có học, có công việc với mức lương tốt. Động lực tài chính trong cuộc hôn nhân bị mất đi", New York Times dẫn lời giáo sư Zhang Xiaobo của Đại học Bắc Kinh nhận định.
Vẫn còn khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, về mặt học vấn, đến năm 2014, phụ nữ đã chiếm quá nửa số sinh viên đại học tại Trung Quốc, so với con số 46% cách đó một thập kỷ. Ở các khóa học sau đại học, số học viên nữ cũng chiếm gần 50%.
Ngày càng có nhiều cô gái tại Trung Quốc có học vấn cao, công việc tốt, họ không cần tìm đến hôn nhân để được đảm bảo về tài chính nữa. Ảnh: AFP |
Bỏ đi những kỳ vọng của bố mẹ, hoặc việc tìm kiếm một chỗ dựa tài chính, nhiều cô gái hiện này đơn thuần chỉ mưu cầu tình yêu.
Thị trường của những người độc thân
Các doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc đang bận rộn chạy theo lớp người mới hình thành này. Những người độc thân sẽ ít nghĩ đến việc mua nhà, sắm sửa nội thất hơn các cặp vợ chồng, họ cũng không có con cái, không cần mua đồ dùng cho em bé...
Hơn nữa, khi các cô dâu ngày càng khó kiếm, những gia đình có con trai sẽ có xu hướng lo lắng nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn để có tiền mua nhà to hơn cho con trai mình lấy vợ, giáo sư Zhang nhận định.
Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra một tầng lớp người Trung Quốc thích tiêu dùng như người Mỹ.
Tuy nhiên, độc thân không có nghĩa là không tiêu dùng, và các doanh nghiệp đã chuẩn bị để đáp ứng sự thay đổi này của xã hội. Các cửa hàng trang sức đối phó với việc người mua nhẫn cưới giảm sút bằng cách cho ra mắt các loại trang sức giá rẻ hơn, dành riêng cho các cặp đôi yêu nhau.
Các doanh nghiệp bắt đầu để mắt tới một phân khúc người tiêu dùng mới, những cô gái độc thân, có tài chính ổn định và không để tâm đến chuyện hôn nhân. Ảnh: AFP |
"Dù không kết hôn, người ta vẫn muốn có người ở cạnh, vẫn muốn có tình yêu", Annie Yau Tse, người điều hành chuỗi cửa hàng trang sức Tse Sui Luen (trụ sở tại Hong Kong), cho biết.
Jiajiashun, một hãng môi giới bất động sản qua mạng, cho biết hãng này đang nhắm đến những căn nhà rẻ tiền hơn dành cho người độc thân. Midea, hãng sản xuất đồ gia dụng Trung Quốc, đang mở rộng phát triển loại nồi cơm nhỏ, phù hợp với người sống một mình và không muốn để lại thức ăn thừa...
"Chúng tôi để tâm đến sự thay đổi cấu trúc gia đình ở Trung Quốc", Huang Bing, giám đốc phát triển sản phẩm thuộc phân khúc thiết bị gia dụng nhỏ của Midea, cho biết.