Giới siêu giàu Trung Quốc sẽ bị đánh thuế với phần lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư ở nước ngoài. Ảnh: Nikkei. |
Theo Bloomberg, nhiều cá nhân giàu có tại các thành phố lớn của Trung Quốc gần đây đã được yêu cầu tự đánh giá hoặc tham gia các buổi họp với cơ quan thuế để xem xét các khoản thanh toán, bao gồm cả nợ thuế từ những năm trước.
Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã tham gia Hệ thống Báo cáo Chung (CRS) và chia sẻ thông tin tài khoản với gần 150 quốc gia, nhằm ngăn chặn trốn thuế. Mặc dù quy định tại Trung Quốc yêu cầu người dân phải nộp thuế dựa trên thu nhập toàn cầu, bao gồm cả lợi nhuận từ đầu tư, song thực tế, loại thuế này rất ít khi được áp dụng mạnh tay.
"Trung Quốc đã sở hữu một kho dữ liệu CRS khổng lồ mà các cơ quan thuế có thể dễ dàng khai thác để tìm kiếm cơ hội thu thuế", Patrick Yip, Phó chủ tịch Deloitte Trung Quốc nhận định. Ông dự đoán khả năng kiểm toán thuế cá nhân sẽ gia tăng so với doanh nghiệp trong thời gian tới.
Động thái này thể hiện sự khẩn trương của chính phủ Trung Quốc trong việc tăng cường nguồn thu ngân sách. Đồng thời, điều này cũng phản ánh mục tiêu chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình, hướng tới việc phân phối tài sản công bằng hơn trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Những đối tượng bị nhắm đến phải đối mặt với mức thuế lên đến 20% trên lợi nhuận đầu tư và phải chịu phí phạt nếu nộp muộn, song con số cuối cùng có thể được thương lượng.
Theo nguồn tin của Bloomberg, hiện vẫn chưa rõ cụ thể quy mô và thời gian áp dụng của chính sách thuế này. Tuy nhiên, một số cá nhân bị nhắm đến có ít nhất 10 triệu USD tài sản ở nước ngoài, trong khi số khác là cổ đông của các công ty niêm yết tại Hong Kong và Mỹ.
Hiện, cục thuế Trung Quốc chưa phản hồi các yêu cầu bình luận từ Bloomberg.
Thực tế, giới siêu giàu Trung Quốc đã bị chú ý kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm vào lĩnh vực tiêu dùng internet, tài chính và bất động sản. Trong khi đó vào năm 2018, cứ vài ngày lại có một tỷ phú mới xuất hiện tại quốc gia này.
Boston Consulting Group ước tính vào thời điểm đó, trong số 24.000 tỷ USD tài sản cá nhân của Trung Quốc, khoảng 1.000 tỷ USD đang được giữ ở nước ngoài. Không những thế, Trung Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh về tốc độ di cư của giới giàu có, với hơn 1,2 triệu người đã rời khỏi quốc gia này kể từ năm 2021, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.
Thu ngân sách của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đã giảm 2,6% so với năm ngoái, xuống còn khoảng 14.800 tỷ nhân dân tệ (hơn 2.081 tỷ USD). Doanh thu từ nhà đất đã giảm 25% xuống còn 2.000 tỷ nhân dân tệ (gần 282 tỷ USD), trong khi thu thuế cũng giảm 5,3%.
Các nhà hoạch định chính sách đã công bố một loạt biện pháp kích thích kể từ cuối tháng 9 để khôi phục nền kinh tế, bao gồm cam kết nỗ lực hoán đổi nợ của các chính quyền địa phương nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính.
Các quan chức Trung Quốc đã tích cực hơn trong việc thu hồi thuế từ các doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản thuế từ nhiều thập kỷ trước, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt tài chính.
“Trong tương lai, sẽ có sự thực thi nghiêm ngặt hơn đối với luật thuế thu nhập cá nhân”, Peter Ni, đối tác và chuyên gia thuế tại Công ty Luật Zhong Lun cho biết. Vị này cũng dự đoán các cá nhân có thu nhập cao ở nước ngoài sẽ trở thành mục tiêu của cơ quan thuế trong tương lai.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.