Giáo sư Francois Godement. Ảnh: VOV. |
Ông Francois Godement phân tích, hành động của Trung Quốc có tính toán rất kỹ. Bắc Kinh đặt giàn khoan, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại không quá xa quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974. Điều này tạo cho phía Trung Quốc cái gọi là "cơ sở tranh cãi có thể hợp pháp", bất chấp thực tế là nó rất gần với bờ biển Việt Nam.
Còn theo ông David Camroux, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á tại Pháp, Tiến sĩ Lịch sử chính trị tại Đại học Paris Sorbonne, giảng viên trường Chính trị Paris (Sciences Po Paris) và các trường đại học tại Tokyo, Seoul và Kuala Lumpur, chiến lược bá quyền của Trung Quốc đã có từ lâu, nhưng bước đi hung hăng lần này của Trung Quốc tương đối bất ngờ về thời điểm. Thời điểm này, ông Camroux cho rằng Thủ tướng Trung Quốc vừa thăm Việt Nam nên quan hệ hai nước đang tốt đẹp. Hơn nữa, hành động xâm phạm của Trung Quốc diễn ra ngay trước cuộc họp cấp cao ASEAN.
Tiến sỹ David Camroux. Ảnh: VOV. |
Tiến sĩ David Camroux cho rằng, Trung Quốc bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và không tuân thủ luật pháp quốc tế vì họ cho rằng các vùng tranh chấp đều nằm trong "đường lưỡi bò" của họ. Bắc Kinh luôn không muốn có một phán quyết của Tòa án quốc tế về những tranh chấp này.
Để giải quyết, Việt Nam phải liên kết với các nước khác như Philippines để tiến hành các thủ tục pháp lý kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế và phải liên kết mạnh mẽ hơn trong ASEAN. Các nước ASEAN cần phải nhận ra một thực tế rằng thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đang mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh hơn hẳn những người tiền nhiệm. Bắc Kinh không muốn giải quyết vấn đề một cách đa phương mà muốn giải quyết với riêng từng nước ASEAN. Vì thế, ASEAN càng cần phải đoàn kết và liên kết chặt với các đối tác lớn như Mỹ để bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực.
Bà Monique Chemillier Gendreau, nguyên chủ tịch Hội luật gia châu Âu cũng nhấn mạnh Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào khi vạch ra đường lưỡi bò 9 điểm và trên cơ sở đường lưỡi bò, tiến hành các hành động xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác.
“Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các vùng nước, lãnh thổ trong đường lưỡi bò thuộc về họ. Lập luận đó hoàn toàn trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Các nước sẽ chỉ có quyền với các vùng nước theo quy định của công ước luật biển quốc tế, quy định về vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế trong 200 hải lý cách đường cơ sở cũng phải tuân thủ theo công ước này… Nói về quyền lịch sử thì phải có bằng chứng cũng như phải có sự công nhận của những nước khác, mà Trung Quốc lại không có bằng chứng nào thuyết phục. Cả về lịch sử lẫn luật pháp quốc tế, Trung Quốc không chứng minh được. Tôi cho rằng các nước ASEAN sẽ không chấp nhận lập luận điên rồ đó của Trung Quốc”, bà Monique Chemillier Gendreau nhấn mạnh.
Tiến sĩ Emmanuel Dubois, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Thomas More, cũng cho rằng tham vọng bành trướng bằng vũ lực mới là đích ngắm của Trung Quốc chứ không phải lợi ích kinh tế đơn thuần là khai thác dầu khí.
Tiến sỹ Emmanuel Dubois. Ảnh: VOV. |
Tiến sĩ Emmanuel Dubois khẳng định: "Trung Quốc nói rằng ở đó có dầu và đưa giàn khoan vào khai thác, nhưng tôi hoàn toàn không tin. Tôi cho rằng đó chỉ là một lý do để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác mà thôi. Các giàn khoan như Hải Dương 981 chỉ là một dạng công cụ di động để Trung Quốc tiến hành xâm phạm chủ quyền".
Cũng theo ông Dubois, các nước ASEAN đều nhận thức tầm quan trọng của việc đưa ra tuyên bố, quan điểm chung đối với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, chuyên gia người Pháp vẫn cho rằng ASEAN cần có thái độ và quan điểm mạnh mẽ hơn nữa.