Ngày 12/7, Liên minh vaccine GAVI cho biết: "Các thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh biến chủng Delta đang đang gây áp lực lớn lên hệ thống y tế toàn cầu. Theo đó, 2 nhà sản xuất này sẽ góp 110 triệu liều cho những nước đăng ký tiếp nhận vaccine theo cơ chế COVAX”, AFP đưa tin.
Ông Seth Berkley, Giám đốc GAVI, hoan nghênh các thỏa thuận khi bổ sung thêm 2 loại vaccine vào danh mục COVAX. Tính đến nay, danh mục đã có 11 loại vaccine, trong đó có các loại do AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer sản xuất, và một số ứng cử viên vaccine tiềm năng khác.
“Vì những loại vaccine này đã được đưa vào danh mục sử dụng khẩn cấp của WHO, chúng tôi có thể bắt đầu phân phối chúng ngay lập tức cho các quốc gia đang cần”, ông Seth Berkley cho biết thêm.
Bác sĩ cầm trên tay liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Theo các thỏa thuận trên, COVAX giành mua được 60 triệu liều vaccine Sinopharm đến cuối tháng 10 và 50 triệu liều Sinovac đến cuối tháng 9 năm nay. Đến giữa năm 2022, tổng cộng khoảng 170 triệu liều Sinopharm và 380 triệu liều Sinovac có khả năng được cung cấp.
Các liều vaccine này sẽ được phân bổ đến cả các quốc gia nghèo thuộc diện nhận tài trợ và cả những quốc gia đăng ký mua thông qua COVAX.
Tính đến ngày 12/7, COVAX đã phân phối hơn 102 triệu liều cho 135 quốc gia, ít hơn nhiều so với mục tiêu đã đặt ra hồi đầu năm.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO, đã phê phán "chủ nghĩa dân tộc vaccine", trong đó một số quốc gia giàu có đã cất giữ riêng vaccine, dẫn đến tình trạng nhiều nước khác lại không có điều kiện tiếp cận với số vaccine đó.
Theo Liên Hợp Quốc, 70% người dân ở một số nước phát triển đã được tiêm chủng, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp là chưa đến 1,0%.
Covax dự kiến phân phối 2 tỷ liều vào đầu năm 2022, bao gồm 1,8 tỷ liều cho 92 quốc gia nghèo nhất.