Theo South China Morning Post, phái đoàn Trung Quốc cử đến Đối thoại Shangri-La 2018, diễn đàn đối thoại an ninh thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do trung tướng Hà Lôi, phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự, dẫn dầu.
Nhiều chuyên gia nhận định, động thái này cho thấy Trung Quốc muốn Đối thoại Shangri-La 2018 như một sự kiện "trao đổi học thuật" chứ không phải để tranh luận chính sách, theo South China Morning Post.
Trung Quốc từng cử một phái đoàn "nhẹ ký" tham dự Đối thoại Shangri-La năm 2017. Ảnh: Straits Times. |
Danh sách thành viên phái đoàn còn có ông Chu Ba, Giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh, thuộc Phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ông Chu sẽ tham dự phiên họp đặc biệt về hợp tác và cạnh tranh Trung - Ấn. Ông cũng tham dự phiên thảo luận ngày 2/6 về quản lý cạnh tranh an ninh khu vực.
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng an ninh trên Biển Đông đang gia tăng.
Ngày 18/5, quân đội Trung Quốc thông báo hoàn thành một cuộc tập trận ở "vùng biển phía nam" với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược H-6K. Đoạn video được công bố sau đó cho thấy máy bay ném bom Trung Quốc hạ cánh chớp nhoáng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974.
Ông Hà Lôi (phải) tham dự Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: Today Online. |
Quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua thêm căng thẳng xoay quanh vấn đề Biển Đông. Ngày 23/5, Lầu Năm Góc đã rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vì những động thái quân sự hóa liên tục gần đây của nước này trên Biển Đông.
Trước chuyến đi tới Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 29/5 nhấn mạnh Lầu Năm Góc sẽ duy trì các hoạt động mà họ gọi là "tự do hàng hải" (FONOP). Ông cho rằng "chỉ có một nước" tìm cách phản đối các hoạt động định kỳ của tàu chiến Mỹ.
Ngày 2/6, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2018, ông Mattis sẽ có bài phát biểu về "Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương".