Phát biểu của lãnh đạo Lầu Năm Góc James Mattis được đưa ra sau khi Bắc Kinh lên tiếng bày tỏ "sự không hài lòng" hôm 27/5 khi hai tàu chiến của Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, theo AFP.
"Bạn sẽ thấy chỉ có một nước dường như đã có những bước đi tích cực để phản đối (những hoạt động đó) hoặc cho biết họ giận dữ thế nào nhưng đó là vùng biển quốc tế và rất nhiều nước muốn nhìn thấy tự do hàng hải, vậy nên chúng tôi tiếp tục làm điều đó", ông Mattis nói với các phóng viên trên máy bay lên đường đi Hawaii hôm 29/5.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: AFP |
Hải quân Mỹ định kỳ tiến hành các hoạt động mà họ gọi là "tự do hàng hải" (FONOP) tại khu vực Biển Đông, gần các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Thời gian quan, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc quân sự hóa các thực thể này, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế và đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực.
"Chúng tôi đã rút khỏi con đường để hợp tác với các nước Thái Bình Dương, đó là cách chúng tôi làm ăn trên thế giới, nhưng chúng tôi cũng sẽ đương đầu với những gì mà chúng tôi tin là không tuân theo luật quốc tế", bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
FONOP hôm 27/5 được tiến hành chỉ hơn một tuần sau khi Trung Quốc cho các máy bay ném bom có thể mang vũ khí hạt nhân đến tập trận trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị làm nhiễu sóng đến các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tướng Mattis cũng cho hay các nhà ngoại giao Mỹ "đang can dự mạnh mẽ" vào vấn đề này.
"Những lo lắng mà tôi biết không chỉ đến từ các giới chính phủ Mỹ mà còn đến từ các nước ngoài có quan ngại, vô cùng quan ngại, về hành động quân sự hóa diễn ra liên tục trên các thực thể ở Biển Đông", ông nói.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng, qua hình ảnh vệ tinh ngày 28/3. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters. |
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã quyết định hủy lời mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận trên biển quy mô lớn Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vì các hoạt động "quân sự hóa liên tục" gần đây của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/5 khẳng định việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Ông Mattis đến Hawaii để tham dự lễ nhậm chức của tân tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) thuộc quân đội Mỹ. Đô đốc Philip Davidson sẽ thay thế Đô đốc Harry Harris, người được đề cử cho vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó sẽ đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn về an ninh châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức thường niên. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện này.