Trong một bài viết đăng trên trang web công nghiệp chiến lược mới nổi (CSEI) của Trung Quốc vào đầu tháng 2 cho thấy Trung Quốc có thể đang hoàn thiện cơ sở chế tạo tàu ngầm lớn nhất thế giới.
Báo cáo của CSEI cho biết, Công ty Công nghiệp tàu thủy Bột Hải đang xây dựng một cơ sở sản xuất quy mô lớn tại Huludao, được miêu tả là “siêu nhà máy”. Về quy mô, cơ sở này được khẳng định là lớn nhất thế giới.
Theo National Interest, các nhà máy ở phương Tây chỉ có thể đóng mới một tàu ngầm, chỉ có Mỹ có thể sản xuất 2 tàu ngầm cùng lúc nhưng nhà máy này có thể đóng mới 4 tàu cùng lúc. Theo các nguồn tin không chính thức, cơ sở này có chiều dài khoảng 288 m, rộng 135 m, tổng diện tích khoảng 40.260 m2.
Người ta tin rằng, cơ sở mới được sử dụng để chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ 3 Type-096 và tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-095. Hiện tại, Trung Quốc đang có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093.
Hình ảnh được cho là bên trong siêu nhà máy đóng tàu của Trung Quốc ở vịnh Bột Hải. Ảnh: BSHIC |
Các tàu ngầm mới nhiều khả năng sẽ được chế tạo bằng công nghệ module. Các chuyên gia dự đoán số lượng tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2-3 năm, khi nhà máy này đi vào vận hành.
Bên cạnh đó, việc đóng mới tàu bên trong siêu nhà máy này sẽ tránh được sự theo dõi bằng vệ tinh của Mỹ. Lyle J. Goldstein, phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, điều đáng lo ngại hơn là Trung Quốc đang phát triển khả năng tấn công mặt đất từ tàu chiến.
Bắc Kinh được cho là đang trong quá trình đóng mới tàu khu trục Type-055 được trang bị nhiều ống phóng thẳng đứng (VLS) sử dụng tên lửa hành trình DF-10A tầm bắn trên 1.500 km. Trước đó, một số bức ảnh hiếm hoi về tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093B cho thấy khoang lớn phía sau cánh buồm chính có thể là hệ thống VLS mới.
Xây dựng năng lực tấn công tầm xa trên 1.500 km là bước đột phá lớn trong khả năng chiến đấu của Hải quân Trung Quốc, cho phép tấn công vào các sân bay sâu trong đất liền.
Phó giáo sư Goldstein cho rằng, cộng đồng nghiên cứu chiến lược của Washington nên chuyển chuyển trọng tâm từ việc tìm hiểu các bức ảnh vệ tinh về các cơ sở bồi lấp trái phép trên Biển Đông, sang kiểm tra hoạt động công nghiệp xung quanh vịnh Bột Hải.
10 năm trước, Trung Quốc chỉ có thể đóng mới các tàu chiến ven biển dựa vào tốc độ cao để công kích mục tiêu. Giờ đây, Trung Quốc bắt đầu tự đóng tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu sân bay.