Du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Ảnh: Xuân Hoát. |
Theo China Daily, từ ngày 6/2, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc sẽ nối lại các chuyến du lịch theo tour ra nước ngoài tới 20 quốc gia.
Những cái tên nằm trong danh sách của cơ quan này bao gồm Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào... và một số quốc gia khác.
Tuy vậy, danh sách này không có Việt Nam. Điều này được dự đoán là bước cản trở cho các doanh nghiệp du lịch và cả hàng không trong hành trình trở lại thị trường tỷ dân.
Doanh nghiệp du lịch thất vọng
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết: "Từ đầu năm, chúng tôi đã có đội ngũ sang Trung Quốc làm việc với các đối tác và tín hiệu từ phía họ rất tốt. Thậm chí, chúng tôi đã nhận trên 100 charter flight (chuyến bay thuê - PV) từ nhiều vùng của Trung Quốc. Tuy nhiên hiện tại, chúng tôi phải điều chỉnh hết các kế hoạch".
Vị này cho biết thêm ban đầu, Vietravel dự kiến khách Trung Quốc sẽ chiếm đến 3/5 lượng khách inbound trong năm nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã phải điều chỉnh con số này về mức 30-35% vì những khó khăn hiện tại.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước nên có những chính sách kịp thời, phù hợp để sớm thu hút khách Trung Quốc. Vì khi du lịch Việt Nam vẫn phải chờ đợi, Thái Lan và các nước tại Đông Nam Á sẽ dần chiếm thị phần ở thị trường này.
Ngay trong ngày 6/2, theo Bangkokpost, Thái Lan đã đón 13 chuyến bay với hàng trăm khách Trung Quốc. Theo ông Kỳ, nếu chậm trễ, việc đón được 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi đó, Thái Lan đã dự kiến đón tới 25 triệu lượt khách quốc tế năm nay.
Du khách Trung Quốc đã trở lại Thái Lan. Ảnh: New York Times. |
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO Vietsense Travel, nói với Zing rằng khi Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất hào hứng. Bởi đây là thị trường có sản lượng lớn với nhu cầu rất cao. Việc Trung Quốc chưa cho mở tour đến Việt Nam là một thất vọng rất lớn với các doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên, vị này cũng nói thêm rằng hiện doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể trong việc trở lại Trung Quốc vì các thông tin ban đầu đều "chưa thông thoáng". Bên cạnh đó, các đường bay giữa 2 quốc gia đang được mở lại khá thưa thớt.
Hàng không dè dặt trở lại
Với việc Việt Nam chưa có tên trong danh sách được Trung Quốc cho phép khách đi du lịch theo tour, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, nhận định trước mắt sẽ chưa có khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam và tương lai cũng "chưa biết bao giờ mới có".
Đại diện Vietnam Airlines cho biết trong tháng 3-4 tới, hãng sẽ khôi phục hoạt động bay thường lệ với 9 đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc.
Hiện Vietnam Airlines đang khai thác thường lệ các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải; tháng 3 tới sẽ khôi phục thêm đường bay Hà Nội - Bắc Kinh; từ tháng 4 sẽ khôi phục đường bay Đà Nẵng - Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô và giữa Hà Nội - Thành Đô.
Dù dự báo giai đoạn đầu mở lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khách chưa nhiều, Vietnam Airlines vẫn đặt kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ bằng khoảng 80% năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Hồi tháng 1, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đánh giá giai đoạn đầu khôi phục đường bay tới Trung Quốc, việc duy trì tần suất bay như trước dịch để giữ được slot (suất bay) lịch sử là bài toán khó đối với các hãng hàng không Việt Nam.
Trong báo cáo mới công bố, SSI Research cho biết khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 870.000 lượt khách. Mặc dù tăng 23,2% so với tháng trước, số lượng khách vẫn thấp hơn 42% so với mức trước Covid-19 (tháng 1/2019).
Tăng trưởng chủ yếu đến từ du khách Mỹ (tăng 49,6% so với tháng trước) và Hàn Quốc (tăng 28,5%), trong đó khách Hàn Quốc chiếm 30% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Đáng chú ý, khách Trung Quốc đến Việt Nam còn thấp hơn tháng 12/2022 (giảm 6,6% so với tháng trước và chỉ bằng khoảng 3% cùng kỳ năm 2019). Do đó SSI cho rằng chưa thấy tác động tăng từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Vietnam Airlines sẽ mở lại những đường bay đến Trung Quốc từ tháng 3. Ảnh: T.L. |
Theo đơn vị phân tích này, khách Trung Quốc tăng yếu có thể do một số rào cản chính sách hạn chế khách du lịch như việc chưa mở bán các gói du lịch theo nhóm và hạn chế công suất chuyến bay từ phía Trung Quốc. Các chuyên gia tại đây ước tính việc Trung Quốc mở cửa trở lại cần thêm thời gian để thực hiện và phản ánh vào nền kinh tế, dự báo trong kịch bản cơ sở là quý III.
Trong báo cáo mới nhất, HSBC cũng gọi du lịch là "một phần cứu cánh" cho nền kinh tế Việt Nam năm nay. Giữa lúc thương mại gặp khó, các chuyên gia kinh tế tại tổ chức tài chính này cho rằng du lịch sẽ là một ngành then chốt và là nguồn tăng trưởng mới.
Theo đó, một trong những lý do để kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch là việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ, tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn xét trên nhiều phương diện.
HSBC phân tích dù chi tiêu thấp hơn du khách châu Âu và Mỹ, khách Trung Quốc vẫn chi tiêu nhiều hơn và ở lại Việt Nam lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á. Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" này.
"Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, chúng tôi tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc sẽ đạt 50-80% so với mức trước dịch (3-4,5 triệu lượt), là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam", các chuyên gia tại HSBC dự báo.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế