Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc 'chinh phạt' thế giới bằng công nghệ ra sao?

Bằng những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng Internet, công nghệ viễn thông, Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm lên phần còn lại của thế giới mà không cần một cuộc chinh phạt nào.

Tự do Internet rất khác nhau ở từng nơi trên thế giới, nhưng không nơi nào kiểm duyệt và giám sát hoạt động trên mạng chặt chẽ như Trung Quốc. Theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, quốc gia tỷ dân này thậm chí còn xuất khẩu mô hình "kiểm duyệt kỹ thuật số" sang các nước khác, theo PCMag.

Freedom House đã phân tích tự do Internet ở 65 quốc gia trên toàn cầu từ tháng 6/2017 đến tháng 5/2018. Báo cáo cho thấy các công ty công nghệ Trung Quốc đang trang bị cho nhiều quốc gia khác cơ sở hạ tầng viễn thông, giám sát AI và đào tạo kiểm duyệt tương tự như ở đại lục.

Gia tăng quyền lực mềm bằng công nghệ

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ra đời nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, thương mại, liên kết đầu tư giữa Trung Quốc và hơn 65 quốc gia khác khắp châu Á, Phi, Âu và cả châu Mỹ.

Theo Ngân hàng Thế giới, thực thể kinh tế này sẽ chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, 62% dân số và 75% các nguồn dự trữ năng lượng. Nói cách khác, đây là hình thức lan rộng quyền lực mềm thông qua kinh tế mà không cần ngoại giao hay bất kỳ cuộc chinh phạt nào.

Trung Quoc tang quyen luc mem bang cong nghe anh 1
Rất nhiều hoạt động diễn ra trong nỗ lực kiểm soát Internet của chính quyền Trung Quốc. Ảnh: FreedomHouse.

BRI có nhiều hình thức khác nhau trong các khu vực khác nhau. Ví dụ, ở châu Phi, Trung Quốc cung cấp các khoản vay, xuất khẩu công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia như Guinea, Kenya, đồng thời khai thác tài nguyên thiên nhiên của chính quốc gia mà họ đầu tư.

Ở các quốc gia khác, chính phủ và các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và ZTE mở rộng "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" thông qua mạng cáp quang do Trung Quốc xây dựng, cũng như trang bị cho chính quyền sở tại các công cụ giám sát và kiểm duyệt Internet.

Về mặt cơ sở hạ tầng, Huawei hợp tác với Mexico xây dựng mạng Wi-Fi công cộng lớn nhất Mỹ Latin, bên cạnh việc lắp đặt mạng 5G trên khắp châu Âu. Ngoài ra, Huawei và ZTE cũng kiểm soát phần lớn các hợp đồng viễn thông ở Uganda.

Trung Quoc tang quyen luc mem bang cong nghe anh 2
Vành đai và Con đường mở ra hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan. Ảnh: PCMag.

Với cảnh sát Malaysia, họ được trang bị camera nhận dạng khuôn mặt phát triển bởi công ty AI của Trung Quốc Yitu. Zimbabwe thì hợp tác với hãng CloudWalk của Trung Quốc để thực hiện chương trình nhận dạng khuôn mặt trên toàn quốc. Tại Venezuela, công nghệ ZTE được tích hợp vào các thẻ “Fatherland” do chính phủ Maduro phát triển nhằm theo dõi và kiểm soát công dân.

Bản thân Trung Quốc đang sở hữu hệ thống tường lửa ngăn chặn nhiều ứng dụng và website. Nước này giám sát người dân bằng công nghệ nhận dạng gương mặt, đẩy mạnh cuộc chiến tranh ngầm về AI và đưa ra các đạo luật kiểm soát Internet như Luật an ninh mạng 2018.

"Tập huấn" cho các chính phủ khác

Theo báo cáo của Freedom House, Trung Quốc đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, hội thảo về phương tiện truyền thông và quản lý thông tin với đại diện của 36 trong số 65 quốc gia được khảo sát.

Tháng 11/2018, Trung Quốc tổ chức "Hội thảo về Quản lý không gian mạng cho công chức các quốc gia thuộc Vành đai và Con đường" (Seminar on Cyberspace Management for Officials of Countries along the Belt and Road Initiative). Các chủ đề như giám sát thời gian thực những tiêu cực trong dư luận mạng và "hệ thống dữ liệu lớn quản lý dư luận" đã được đề cập.

Trung Quoc tang quyen luc mem bang cong nghe anh 3
Trung Quốc tổ chức các khóa đào tạo cho công chức các nước thuộc Vành đai và Con đường. Ảnh: Fair Observer.

Trung Quốc còn tổ chức các khóa đào tạo cụ thể cho quan chức từ Thái Lan, Philippines, các nước Ả Rập bao gồm Ai Cập, Jordan, Lebanon, Libya, Morocco, Ả-rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

Freedom House cho biết trong một số trường hợp, hoạt động tương tác giữa các công ty Trung Quốc và quan chức chính phủ nước sở tại diễn ra trước khi luật an ninh mạng ở quốc gia đó ra đời.

Uganda và Tanzania là những trường hơp như vậy. Cùng với sự bành trướng về kinh tế, mô hình kiểm soát Internet của Trung Quốc đã ngày một lan rộng trên toàn thế giới.

Những dấu mốc tạo nên thị trường Internet Trung Quốc

Không ở quốc gia nào, Internet phát triển nhanh và mạnh như Trung Quốc nhưng đây cũng là nơi thông tin trên mạng bị kiểm suyệt gắt gao bậc nhất thế giới.



Đại Việt

Theo PCMag

Bạn có thể quan tâm