Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đã thắt chặt hạn chế đối với cách tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến những chiến dịch truyền thông xã hội của các công ty.
Cụ thể, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đối với các quảng cáo trá hình. Trong đó, người tiêu dùng không nhận ra họ đang xem hay tương tác với quảng cáo.
Trung Quốc cấm các bài đánh giá có trả phí mà không gắn nhãn là bài đăng quảng cáo. Ảnh: Reuters. |
Quảng cáo trá hình
Những ví dụ được đưa ra cho hình thức quảng cáo này là các bài đánh giá có trả phí, quan hệ đối tác với người sáng tạo nội dung trực tuyến, hoặc việc sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong một sản phẩm video.
Theo các biện pháp quản lý quảng cáo trên Internet mới của Trung Quốc, người tiêu dùng cần phải nhận ra một bài đăng hay sản phẩm video có quảng cáo hay không.
Theo đó, quảng cáo dưới dạng chia sẻ trải nghiệm và gắn link sản phẩm cũng cần được gắn nhãn quảng cáo.
Các nền tảng công nghệ sẽ phải xoay xở để đáp ứng những yêu cầu mới của cơ quan quản lý Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Các nền tảng công nghệ tại đất nước 1,4 tỷ dân đang xoay xở để đáp ứng những quy định mới. Tencent Holdings yêu cầu các công ty có tài khoản chính thức trên ứng dụng WeChat tuân thủ quy định.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng trên Douyin - phiên bản TikTok ở Trung Quốc, nhiều tài khoản quảng cáo các sản phẩm sức khỏe dưới dạng chia sẻ thông tin về chăm sóc sức khỏe cũng đã bị khóa.
Những năm qua, các quảng cáo trá hình bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc. Thuật ngữ "trồng cỏ" đã ra đời, chỉ việc dùng những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và các biện pháp khéo léo khác để gieo mầm nhu cầu vào người tiêu dùng.
Tiếp tục trấn áp khu vực Internet
Ba năm qua, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đưa ra nhiều biện pháp khác nhằm trấn áp lĩnh vực Internet đã phát triển thần tốc trong những thập niên trở lại đây.
Bắc Kinh chấn chỉnh mọi lĩnh vực từ công nghệ tài chính, giáo dục đến gọi xe. Các gã khổng lồ công nghệ như Ant Group, Alibaba và Didi Global đều rơi vào tầm ngắm của giới chức nước này.
Trung Quốc từng được coi là đối thủ của Thung lũng Silicon khi tranh giành dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài. Nhưng giờ, ngành công nghiệp công nghệ của nước này vẫn đang chật vật thoát khỏi những ảnh hưởng của cuộc trấn áp.
Đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã nới lỏng gọng kìm với ngành này, nhưng các chuyên gia cho rằng triển vọng vẫn không mấy khả quan.
Họ đánh giá tốc độ tăng trưởng chóng mặt của ngành công nghiệp công nghệ trong 20 năm qua có thể không bao giờ trở lại.
Theo truyền thông Trung Quốc, các quy định mới có thể giáng đòn mạnh vào những ứng dụng chia sẻ video. Các công ty quảng cáo vẫn chưa chắc chắn về việc những quy định mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động thực tế.
Các quy định mới được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi chậm chạp sau nhiều năm đối phó với đại dịch.
Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ tại đất nước tỷ dân cao hơn đáng kể so với mức 10,6% của tháng 3 và là tốc độ cao nhất kể từ tháng 3/2021, nhưng vẫn thấp hơn dự báo 21% của giới quan sát.
Trong khi đó, theo bộ chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các hoạt động trong khu vực dịch vụ đã giảm tốc độ tăng trưởng trong tháng 4, còn hoạt động sản xuất ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.