Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô từ Nga trong bối cảnh thị trường thương mại năng lượng toàn cầu đang định hình. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận dầu của châu Á sẽ được thí nghiệm thời gian tới sau khi Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm vận dầu thô.
Hiện tại, cả Ấn Độ, Trung Quốc lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều ghi nhận số lượng tàu chở dầu vượt trội với mức tăng lần lượt là 700%, 70% và 54%.
Ngược lại, EU đang tăng cường nhập khẩu dầu từ các nguồn khác, bao gồm cả Tây Phi và Trung Đông. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường năng lượng ở khu vực này sẽ chứng kiến nhiều biến động vào cuối năm nay.
Cơ hội nhập dầu giá rẻ
Tháng trước, EU đã nhất trí cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển bắt đầu từ cuối năm nay nhằm gia tăng áp lực tài chính lên nền kinh tế quốc gia này và Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, một số quốc gia lớn nhất trí ngừng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga bằng đường ống.
Việc hoạt động nhập khẩu tăng lên ở châu Á cho thấy dầu Ural của Nga vẫn có cơ hội. Thực chất, trong khi giá dầu thế giới leo phi mã lên mức ba con số, một thùng dầu thô Ural vẫn được bán với giá khoảng 95 USD, tương đương ngưỡng giá dầu chuẩn thế giới được giao dịch vào ngày 24/2.
Lượng tàu chở dầu từ Nga đến Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt. Ảnh: Nikkei. |
“Giá dầu thô của Nga rẻ hơn, việc vận chuyển dầu cũng không chịu thiệt hại đáng kể. Nga tiếp tục nhận được nguồn thu nhất định từ xuất khẩu dầu mỏ”, Tomomichi Akuta, nhà kinh tế cấp cao của Mitsubishi UFJ Research & Consulting, cho biết.
Công ty nghiên cứu hàng hóa Kpler cho biết Trung Quốc đã nhập khẩu 1,09 triệu thùng dầu/ngày từ Nga vào tháng 5 còn Ấn Độ nhập 740.000 thùng/ngày. Tháng trước đó, hai quốc gia này nhập lần lượt 910.000 thùng và 284.000 thùng.
Đáng chú ý, mức trung bình cả năm 2021 của Trung Quốc và Ấn Độ chỉ lần lượt là 725.000 thùng/ngày và 36.000 thùng/ngày.
Kpler ước tính khoảng 800.000 thùng được chuyển đến Trung Quốc qua đường bộ mỗi ngày. 75% số đó được chuyển thông qua đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương, phần còn lại đi qua Kazakhstan. Hoạt động này vốn diễn ra từ trước cuộc chiến ở Ukraine.
Không dễ nhập
Giovanni Stanouvo - nhà phân tích hàng hóa tại UBS - dự đoán Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga nhờ giá thành hợp lý. Tuy nhiên, Tatsufumi Okoshi - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Nomura Securities - nghi ngờ khả năng Trung Quốc và Ấn Độ nâng thêm lượng nhập khẩu so với hiện tại.
“Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có hợp đồng mua dầu dài hạn với các nhà cung cấp dầu ở Trung Đông. Lập trường cơ bản của họ là mua dầu giá rẻ của Nga trên thị trường giao ngay khi mọi thứ thuận tiện chứ không chuyển nguồn cung từ Trung Đông sang Nga”, Okoshi nhận định.
Các quốc gia đẩy mạnh nhập dầu Nga vì giá thành rẻ. Ảnh: AFP. |
Bên cạnh kế hoạch hạn chế mua dầu Nga, EU có xu hướng cản trở người mua thay thế. Trước đó, EU đã cấm các công ty bảo hiểm châu Âu bán sản phẩm cho tàu chở dầu Nga.
Theo Umud Shokri - nhà phân tích chính sách đối ngoại - việc chuyển hướng sản lượng dầu và khí đốt của Nga sang các thị trường châu Á đòi hỏi cơ sở hạ tầng mới và năng lực vận chuyển tốn kém, mất nhiều năm để xây dựng.
“Quá trình chuyển dầu đến châu Á thường thông qua đường biển. Song, lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine yêu cầu các công ty bảo hiểm phải từ chối dịch vụ đối với tàu hàng Nga. Các ngân hàng cũng từ chối cho vay tiền trong thời gian dầu đang vận chuyển. Do đó, các công ty dầu mỏ ở các nước như Ấn Độ yêu cầu giảm giá mạnh để bù đắp chi phí và rủi ro”, Shokri cho biết.
Dù ảnh hưởng của lệnh cấm vận từ châu Âu sẽ rõ ràng hơn trong những tháng tới, cuộc chiến vẫn xáo trộn hoạt động nhập khẩu vào EU và sự khác biệt giữa các nước trong khối.
Nga vẫn thiệt hại do không có khách mua
Lượng dầu nhập khẩu của EU từ Tây Phi, dẫn đầu bởi Angola, Nigeria, Cameroon, Gabon, cũng như Mỹ và Trung Đông đã tăng lên nhanh chóng. Mặt khác, dầu Ural đang tập trung về phía Địa Trung Hải, đặc biệt là Italy.
Hiện phần lớn nhà máy lọc dầu ở châu Âu dùng để chế biến dầu Ural. Do đó, các sản phẩm thay thế tương tự phải đến từ Saudi Arabia và Iraq. Điều này giúp mở rộng thị trường dầu thô Trung Đông trong khi châu Á đang tận dụng nguồn cung từ Nga.
Chúng tôi đang mở rộng công suất sản xuất lên 5 triệu thùng/ngày vào hoặc trước năm 2030, đồng thời tìm cách đẩy công suất lên cao hơn
Sultan Al Jaber, lãnh đạo công ty năng lượng quốc doanh ADNOC của UAE
Shukri cho biết trong ngắn hạn, các nhà sản xuất tại Trung Đông như Saudi Arabia, UAE, Iraq sẽ không muốn phá hỏng mối quan hệ với Nga trong OPEC+. Nhưng về dài hạn, họ luôn sẵn sàng bơm nhiều dầu hơn đến châu Âu.
Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc từ những nguồn khác đã giảm đáng kể từ khi nước này mua hàng của Nga. Các chuyến hàng từ Tây Phi đến Trung Quốc trong tháng 4 mang theo trung bình 429.000 thùng/ngày, mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua. Mức trung bình vào năm 2021 là 1,15 triệu thùng.
Nếu muốn đẩy mạnh sản xuất, Tây Phi cần đầu tư thêm vào hoạt động khai thác. Dmitry Marinchenko - Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings - cho biết hai quốc gia duy nhất có khả năng dự phòng nguyên liệu hiện nay là Saudi Arabia và UAE.
Nhưng, dù Trung Quốc tiếp tục tiêu thụ dầu của Nga, Nga vẫn thiệt hại 2-3 triệu thùng/ngày do không có người mua. Các lệnh trừng phạt và bối cảnh thương nhân tẩy chay năng lượng Nga sẽ tiếp tục khiến ngành dầu mỏ của nước này suy giảm.