Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin thông báo các biện pháp này trong cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng hôm 10/1.
"Chúng tôi nhằm thẳng vào trung tâm của bộ máy an ninh nội bộ Cộng hòa Hồi giáo. Các mục tiêu trừng phạt này bao gồm lãnh đạo của Hội đồng Quốc gia Tối cao và chỉ huy của lực lượng Basij", ông Pompeo nói.
AP trích lời Bộ trưởng Mnuchin cho biết lệnh cấm vận mới nhắm vào 8 quan chức cao cấp của Iran liên quan tới vụ bắn tên lửa cũng như các công ty trong lĩnh vực thép, may mặc và một loạt các lĩnh vực khác.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong họp báo ở Washington DC công bố biện pháp trừng phạt Iran. Ảnh: AP. |
"Kết quả của những biện pháp này là sẽ ảnh hưởng tới hàng tỷ USD đối với chính quyền Tehran", ông Mnuchin nói.
Phản ứng với động thái mới nhất này của Mỹ, tư lệnh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, ông Mohsen Rezaie, nói trên Twitter rằng lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng.
Theo Reuters, Richard Nephew, một chuyên gia từng làm việc cho Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, xem nhẹ các biện pháp trừng phạt mới công bố, cho rằng phần lớn công nghiệp kim loại nằm trong lệnh trừng phạt lần này đã bị nhằm vào ở các lệnh trừng phạt trước rồi, và điều đó cũng tương tự với phần lớn các cá nhân bị liệt vào danh sách đen lần này.
"Đây là một trò đùa. Lệnh trừng phạt nhằm vào một ngành công nghiệp đã bị giới hạn và phần lớn các quan chức cấp cao (trong biện pháp trừng phạt) đều đã bị bị trừng phạt rồi", ông Nephew - hiện là học giả nghiên cứu cao cấp và giáo sư trợ lý tại Đại học Columbia.
Washington đã tái áp dụng lại toàn bộ các biện pháp trừng phạt kinh tế từng được nới lỏng sau thỏa thuận hạt nhân 2015 ký giữa Iran và các nước P5+1. Biện pháp này đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Iran và buộc nước này giảm xuất khẩu dầu mỏ xuống tới mức kỷ lục.
Iran hôm 8/1 đã nã hơn 16 quả tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq để trả đũa vụ ám sát Tư lệnh Qassem Soleimani, vị tướng ảnh hưởng nhất của nước này, hôm 3/1 ở sân bay Baghdad.
Vụ nã tên lửa không gây ra thương vong nào tại hai căn cứ dù các quan chức Mỹ, Canada và Anh hôm 9/1 nói các thông tin tình báo cho thấy tên lửa phòng không của Iran có thể đã bắn rơi chiếc máy bay Ukraine chở 176 người ở gần Tehran. Iran hiện vẫn bác bỏ các cáo buộc này.
Chiếc 737-800 của hãng hàng không Ukraine International rơi xuống đất không lâu sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Imam Khomeini ở thủ đô Tehran trên đường đến thủ đô Kiev của Ukraine hôm 8/1, khiến toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.