Đa phần tin tức về Trung Đông trong năm qua tiếp tục khiến cho người ta nản lòng. Trái với kỳ vọng hòa bình mà Tổng thống Trump lạc quan đưa ra hồi đầu năm, đến nay khu vực vẫn là lò lửa của thế giới với một loạt cuộc xung đột, nội chiến bế tắc dai dẳng.
Để có cái nhìn bao quát và rõ nét hơn về Trung Đông năm 2017 và những tác động từ chính quyền Mỹ, Zing.vn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ông là chuyên gia phân tích chính trị Trung Đông với nhiều năm theo dõi sát tình hình khu vực.
- Tình hình Trung Đông một năm qua có những chuyển biến đáng chú ý nào thưa ông?
- Thứ nhất, Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại và đang dần tan rã ở Iraq, Syria. Bây giờ chính phủ Iraq và Syria đã cơ bản kiểm soát được toàn bộ đất nước.
Thứ hai, Nga đang trở lại hết sức mạnh mẽ ở Trung Đông, khôi phục lại ảnh hưởng của thời Liên Xô kể từ sau khi đưa quân vào Syria (30/9/2015). Trong vòng hơn hai năm qua, với sự giúp đỡ quân sự của Nga, chính quyền Syria đã giành được thắng lợi trên chiến trường, đánh bại IS, bảo vệ được chính quyền.
Ông Nguyễn Quang Khai, cựu đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) . |
Thứ ba, sau thắng lợi trên chiến trường, Nga bắt đầu hoạt động ngoại giao để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria. Cố gắng ngoại giao của Nga đang thu về kết quả tích cực.
Ngày 22/11, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Sochi, hội nghị này đã ra tuyên bố chung gồm 7 điểm, coi đây là những nguyên tắc cơ bản để giải quyết xung đột.
Vừa rồi Nga tổ chức hội nghị Astana 8 tại thủ đô Kazakhstan (từ ngày 21/12), được xem là hội nghị đạt được kết quả tích cực nhất từ trước tới nay, các bên đã nhất trí một số điểm và đồng ý ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva, dự kiến diễn ra vào ngày 28-29/1.
Thứ tư, các nước Arab bị chia rẽ chưa từng có kể từ năm 1979, khi Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat kí hiệp định hòa bình Trại David với Israel. Khi đó, 15 nước Arab đã phản đối, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ai Cập, chuyển trụ sở của Liên đoàn Arab sang Tunisia. Trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh lần này, 10 nước Arab đồng loạt cắt quan hệ với Qatar. Liên đoàn Arab (AL) thì đóng vai trò mờ nhạt trong việc giải quyết khủng hoảng.
Tình hình tệ hơn sau khi Trump nắm quyền
- Tổng thống Trump có vẻ rất quan tâm đến Trung Đông khi lựa chọn đây làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ông đánh giá thế nào chính sách của chính quyền Trump với khu vực trong năm qua?
- Donald Trump không có chính sách rõ ràng về Trung Đông mặc dù rất quan tâm tới khu vực này. Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông, ông thăm 3 nơi: Saudi Arabia, Israel và Palestine. Ban đầu, động thái này khiến cho người ta rất phấn khởi và kỳ vọng vào vai trò của ông trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine. Ngoài ra thì Trump trước và sau chiến dịch tranh cử đều ca ngợi Putin hết lời, khẳng định sẽ hợp tác với Nga. Điều này khiến bản thân tôi khi đó nghĩ ông Trump có thể đóng vai trò trung gian hòa giải tốt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem, Bờ Tây, ngày 23/5. Ảnh: Anadolu. |
Tuy nhiên cuối cùng, Trump lại đưa ra quyết định công nhận Jerusalem gây nên làn sóng phản đối không những ở khu vực Trung Đông mà trên toàn thế giới.
Ngay chuyện Tổng thống Trump cử con rể (Jared Kushner, theo đạo Do thái) làm cố vấn về vấn đề Trung Đông đã thể hiện sự thiên vị. Đáng ra Trump phải chọn một người nắm rõ tình hình khu vực, có quan hệ với giới chính trị ở Palestine, thì ông lại chọn Kushner, một người mới tinh. Trong khi đó, ông Trump vẫn có đặc phái viên sành sỏi về các vấn đề Trung Đông nhưng lại không chọn.
Từ khi nhậm chức đến nay, ông Trump làm loạn hết các vấn đề vốn đang yên ổn không chỉ ở Trung Đông mà cả các khu vực khác.
Cựu Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Ông Trump vốn là doanh nhân. Tôi đánh giá ông có rất nhiều kinh nghiệm làm ăn, về đối nội một năm qua ông đạt được những thành tựu nhất định như kinh tế tăng trưởng khá, thất nghiệp giảm, thông qua cải cách thuế... Nhưng ông ít hiểu biết về chính trị, đặc biệt là trong vấn đề Trung Đông, về đối ngoại thì ông đã thất bại.
- Chính sách thiếu rõ ràng đó của chính quyền Trump đã khiến Trung Đông thay đổi ra sao?
- Donald Trump lên nắm quyền đã khiến tình hình tồi tệ hơn. Theo tôi, ông Trump nên tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ và hạn chế tham gia vào đối ngoại thì thế giới sẽ ổn định hơn. Từ khi nhậm chức đến nay, ông Trump làm loạn hết các vấn đề vốn đang yên ổn không chỉ ở Trung Đông mà cả các khu vực khác: từ Triều Tiên, Iran, Syria cho đến Palestine-Israel.
Ông đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran được cả thế giới hoan nghênh. Về vấn đề Triều Tiên, nếu Mỹ không đe dọa an ninh Triều Tiên bằng những hành động như tập trận ngay sát biên giới, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, điều tàu chiến, tàu ngầm đến... thì Triều Tiên đã không hung hăng như vậy.
Tuyên bố của Tổng thống Trump là rất tiêu cực, đẩy khu vực vào bất ổn. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nó làm cho người ta nhận ra sự cần thiết phải nối lại tiến trình hòa bình, làm cho nước Arab và Hồi giáo đoàn kết lại.
Cái giá phải trả của Trump và nước Mỹ
- Về phần Mỹ và cá nhân ông Trump, đâu là tổn thất từ quyết định về Jerusalem?
- Từ trước đến nay chưa bao giờ có sự phản đối nào mạnh mẽ như vậy đối với chính quyền Mỹ. Cùng lúc, Mỹ bị OIC, Liên đoàn Arab, Hội đồng Bảo an và 128 thành viên Đại hội đồng của Liên Hợp Quốc phản đối. Trong khi đó ngoài Israel chỉ có 7 nước bỏ phiếu ủng hộ Mỹ. Đây là những nước rất nhỏ bé, hầu như không có vai trò gì đáng kể trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Mỹ vẫn là siêu cường mạnh nhất thế giới, không ai có thể trừng phạt Mỹ nhưng với quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Mỹ đã tự cô lập mình và đặt mình đối đầu với toàn thế giới.
Cộng đồng Hồi giáo không chỉ ở Palestine mà khắp các nước Trung Đông và nhiều khu vực trên thế giới đều phẫn nộ trước quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Trong ảnh, người biểu tình ở Beirut, Lebanon giơ hình ông Trump ăn mừng Hanukkah, Lễ hội ánh sáng hàng năm đánh dấu ngày người dân Do thái giành lại Jerusalem. Ảnh: AP. |
Mỹ đã đánh mất cái lớn nhất: đó là lòng tin. Lòng tin là thứ không bao giờ lấy lại được. Tôi cho rằng đây cũng là cái mất lớn nhất đối với Donald Trump. Trước khi Đại hội đồng bỏ phiếu, ông Trump còn dọa sẽ cắt viện trợ tài chính cho những nước chống lại quyết định của Mỹ, động thái này đã khiến Mỹ mất uy tín kinh khủng.
Các nước bây giờ không còn tin vào Mỹ như là người trung gian hòa giải công bằng đối với tiến trình Trung Đông. Thời gian tới, có thể Mỹ sẽ không còn đóng vai trò mà nước này vốn đảm nhận từ năm 1995.
Với quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Mỹ đã tự cô lập mình và đặt mình đối đầu với toàn thế giới.
Cựu Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Bên cạnh đó, quyết định của Trump còn gây chia rẽ trong chính xã hội và nội bộ chính quyền Mỹ. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến do hãng CNN tổ chức ngày 20/12 cho biết 45% người dân Mỹ bác bỏ việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, 44% ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngay khi điều trần trước đây đã bác bỏ việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ông Mattis cũng đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ giải pháp hai nhà nước và bác bỏ các khu định cư Do thái.
Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng có quan điểm khác với Tổng thống Trump. Theo ông, ông Trump tuyên bố như vậy không có nghĩa là quy chế thành phố Jerusalem đã được định đoạt mà phải phụ thuộc vào đàm phán.
9 trong tổng số 11 đại sứ của Mỹ đã từng làm việc ở Israel từ trước tới nay cũng không tán thành và coi quyết định của Tổng thống Trump là bước đi sai lầm nghiêm trọng và nguy hiểm.
- Nhưng Trung Đông vốn luôn là khu vực quá phức tạp và khó khăn. Người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, ông Obama cũng không thể làm tốt hơn...
- Obama dù sao cũng là nhà chính trị, quan điểm của ông trong các vấn đề có sự hợp lý hơn. Ít ra ông Obama còn có chính sách rõ ràng, ổn định và công bằng hơn. Ví dụ trong vấn đề Israel - Palestine, Mỹ vẫn giữ được vai trò trung gian, không thiên vị quá về bên nào. Obama kiên quyết yêu cầu Israel chấm dứt xây dựng khu định cư ở vùng đất Palestine bị chiếm đóng và cả Jerusalem, theo nghị quyết 2234 của Liên Hợp Quốc.
"Nga chưa lấn át được vai trò của Mỹ"
- Nhớ lại thời điểm 2015, tại sao Nga quyết tâm can thiệp vào Syria, nơi mà các đối thủ cho là “bãi lầy” không thể thoát ra?
- Vào tháng 9/2015, chính quyền Assad đang ở tình thế rất khó khăn, quân khủng bố chiếm hơn 2/3 lãnh thổ. Syria lúc bấy giờ còn lại là đồng minh cuối cùng của Nga ở Trung Đông, nên bằng mọi cách Nga phải can thiệp để giữ lại ảnh hưởng của mình.
Dù tình hình nội bộ Nga bấy giờ rất khó khăn: kinh tế chịu cấm vận của phương Tây do vấn đề Ukraine, Crimea, Tổng thống Putin vẫn quyết tâm rất lớn để bảo vệ đồng minh cuối cùng của mình ở khu vực. Trước đây, Nga có Iraq, Libya, Afghanistan, nhưng các chế độ từng thân thiết với Nga đều sụp đổ sau phong trào mùa xuân Arab.
-Với những thành công trên thực địa cũng như trong chính trị ngoại giao ở khu vực vừa qua, có phải Nga đang lấn át vai trò của Mỹ? Có khả năng Nga sẽ thay thế vai trò trung gian của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông không?
- Nga chưa lấn át được vai trò của Mỹ. Mỹ hiện vẫn có Israel là đồng minh số một, quan hệ với Saudi Arabia tăng cường sau chuyến thăm của ông Trump. Ảnh hưởng của Mỹ vẫn rất lớn tại Iraq, Afganistan. Mỹ còn có 2 căn cứ quân sự quan trọng ở Syria.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc gặp nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria ở Sochi, Nga, ngày 22/11. Ảnh: Getty. |
Về tiến trình hòa bình Trung Đông, Nga cũng đang muốn đứng ra làm trung gian hòa giải, nhưng điều này không dễ dàng bởi đòi hỏi phải được sự đồng thuận của tất cả các bên. Một điều nữa chắc chắn là Nga không thể loại được Mỹ ra. Dù người ta mất lòng tin ở Trump, Mỹ vẫn có lợi ích rất lớn ở khu vực. Do vậy mà bất cứ giải pháp nào cho vấn đề gì của khu vực cũng phải có vai trò của Mỹ.
Chiến tranh Trung Đông có xảy ra?
- Quyết định công nhận Jerusalem của Tổng thống Trump làm gia tăng đối đầu giữa Israel và Mỹ với thế giới Hồi giáo, làm bùng phát chủ nghĩa dân tộc cũng như mâu thuẫn tôn giáo vốn tồn tại dai dẳng. Liệu có nguy cơ xảy ra một cuộc đại chiến Trung Đông như nhiều người lo ngại?
Nếu Mỹ hiện thực hóa việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem thì xung đột có thể sẽ bùng nổ.
Cựu Đại sứ Nguyễn Quang Khai
- Sau quyết định của Tổng thống Trump, có làn sóng phản đối căng thẳng nhưng chỉ ở mức như bây giờ thôi. Ông Trump tuyên bố vậy nhưng việc thực hiện nó không phải dễ dàng. Tuy nhiên, nếu Mỹ hiện thực hóa việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem thì xung đột có thể sẽ bùng nổ.
- Dự báo của ông về tình hình Trung Đông năm 2018?
- 2017 qua đi đã để lại hậu quả và tình hình hết sức căng thẳng ở khu vực. Mặc dù có một số dấu hiệu để giải quyết các xung đột, nhưng những vấn đề dai dẳng như đối đầu giữa các nước Arab và Israel từ 1948 đến nay, xung đột Syria 7 năm nay, xung đột ở Libya từ 2012, nội chiến Yemen,... không dễ dàng giải quyết trong 2018. Sẽ vẫn là một năm căng thẳng với Trung Đông.
Quyết định công nhận Jerusalem của Tổng thống Trump làm bùng phát chủ nghĩa dân tộc cũng như mâu thuẫn tôn giáo vốn tồn tại dai dẳng giữa Israel và Palestine. Ảnh: Reuters. |
Cuộc chiến chống khủng bố tuy giành thắng lợi bước đầu nhưng vẫn còn hết sức phức tạp, khó khăn. IS mới chỉ thất bại ở Syria, Iraq, đang chuyển sang các địa bàn khác gần đó: Sinai (Ai Cập), Somali, những nước Bắc Phi như Libya, Nigeria, rồi cả Đông Nam Á và những nước Trung Á. Hơn nữa, đầu não của nó, Abu Bakr al-Baghdadi, vẫn chưa bị tiêu diệt, chưa kể nếu hắn bị loại bỏ, sẽ lại có người khác lên thay. Mạng lưới al-Qaeda mở rộng. Cuộc chiến chống khủng bố ngày càng phức tạp đòi hỏi có nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Quan hệ Nga - Mỹ sẽ vẫn còn căng thẳng không chỉ ở Trung Đông mà cả trên thế giới. Trong những vấn đề như Ukraine, Triều Tiên, hạt nhân Iran, Syria,… quan điểm hai bên vẫn còn xa nhau.
Với tính cách hay thay đổi của Donald Trump, rất khó có thể phối hợp. Trong khi đó, hai người chơi lớn nhất chủ yếu ở khu vực là Nga và Mỹ phải hợp tác với nhau thì mới giải quyết được các vấn đề. Ví dụ như thời Obama, thỏa thuận hạt nhân Iran đã phải có sự hợp tác rất tốt giữa Mỹ và Nga thì mới có thể đạt được.
- Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đại sứ Nguyễn Quang Khai tốt nghiệp khoa Phương Đông Đại học Tổng hợp Tashkent thuộc Liên Xô cũ. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trong 37 năm công tác, ông Khai đã làm việc tại nhiều nước Trung Đông. Ông từng đảm nhiệm vai trò đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ông đã từng giữ chức vụ trưởng Bộ Ngoại giao, thông thạo tiếng Arab, tiếng Nga và tiếng Anh.