Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Toàn cảnh thế giới 2017: Sau 'địa chấn Donald Trump' là gì?

Sau "cơn địa chấn" bầu cử Mỹ cuối năm 2016, thế giới năm 2017 chứng kiến dấu ấn của Tổng thống Donald Trump trên nhiều "mặt trận", chứng kiến sự manh nha của một trật tự mới.

toan canh the gioi 2017 anh 1toan canh the gioi 2017 anh 2

Năm 2017 chứng kiến một chính quyền "chưa từng có tiền lệ" tại Nhà Trắng với Donald Trump, những biến cố lớn tại "vùng đất rắc rối" Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương sôi sục vì tên lửa, bom H Triều Tiên, Trung Quốc ghi tên "hạt nhân lãnh đạo" Tập Cận Bình vào điều lệ đảng và hội nghị APEC tại Việt Nam với diễn biến đầy kịch tính của cuộc đàm phán TPP.

toan canh the gioi 2017 anh 3toan canh the gioi 2017 anh 4

N

gày 20/1, trước Điện Capitol ở Washington D.C., tỷ phú 71 tuổi Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức và trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Diễn văn 1.400 chữ của ông Trump là phát biểu nhậm chức tổng thống ngắn nhất trong nửa thế kỷ qua tại Mỹ, theo New York Times. Các sử gia và giới phân tích nhận định bài phát biểu u ám và giận dữ một cách khác thường so với các đời tổng thống trước khi ông Trump sử dụng từ "thảm trạng" để mô tả tình hình nước Mỹ. Tân tổng thống tuyên bố "Nước Mỹ trên hết" và sẽ nỗ lực để khiến mọi người "mua hàng hóa Mỹ và thuê lao động Mỹ".

toan canh the gioi 2017 anh 5

toan canh the gioi 2017 anh 6

Gần một năm sau ngày nhậm chức, tổng thống thứ 45 của Mỹ nhận nhiều đánh giá tiêu cực hơn tích cực. Một thăm dò được Đại học Monmouth công bố hôm 13/12 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông rơi xuống mức thấp kỷ lục: 32% (tỷ lệ ủng hộ vị tổng thống theo các thăm dò trong năm qua của Monmouth dao động trong khoảng 39-43%).

Chuyên gia Elaine Kamarck, giám đốc Trung tâm Quản lý Nhà nước Hiệu quả thuộc Viện Brookings (Mỹ), nhận định "năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump không có gì ngoài một vết thương lớn mà ông tự gây ra". Vị tổng thống bị nghi ngờ "cản trở công lý", một cáo buộc có thể khiến ông bị phế truất; ông thổi bùng các thuyết âm mưu về việc ông cấu kết với Nga; ông xúc phạm và mâu thuẫn với cấp dưới; và ông tự mâu thuẫn với chính mình qua hàng loạt tweet bàn chuyện chính sách trên Twitter.

toan canh the gioi 2017 anh 7

Cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng như thông đồng với chiến dịch của ông Trump đã phủ bóng năm đầu nhiệm kỳ của vị tổng thống. Dù ông Trump liên tục phủ nhận việc cấu kết nhưng thỉnh thoảng những diễn biến mới lại xuất hiện đe dọa tính trung thực trong tuyên bố của ông.

Do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn dắt, cuộc điều tra Nga đã có những thành quả đầu tiên. Hồi đầu tháng 12, ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đã nhận tội nói dối Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về các liên hệ của mình với Nga sau cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái nhưng trước thời điểm ông Trump nhậm chức. Ông Mueller cho biết ông Flynn đang hợp tác với cuộc điều tra.

Sự hợp tác này được cho là tín hiệu nguy hiểm đối với ông Trump. Trong bối cảnh đó, dường như vị tổng thống lại "nói hớ" rằng ông đã biết chuyện vị cố vấn nói dối Phó tổng thống Mike Pence và FBI. Những người chỉ trích ông Trump lập tức đặt vấn đề rằng nếu tổng thống đã biết tướng Flynn nói dối, nên mới yêu cầu James Comey, người khi đó là giám đốc FBI, "bỏ qua" cho vị cố vấn, thì ông Trump có thể đã phạm tội cản trở công lý.

Về đối nội, thắng lợi lớn duy nhất mà ông Trump và phe Cộng hòa giành được là việc quốc hội Mỹ thông qua dự luật về cải cách thuế toàn diện được xem là lớn nhất 30 năm qua. Tổng thống Trump tuyên bố chính sách mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm. Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng chính sách này chỉ làm lợi cho các công ty và tầng lớp người giàu, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ.

Về đối ngoại, ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã không chần chừ dẹp bỏ các di sản của người tiền nhiệm Obama. Ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đe dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông cũng chỉ trích Obama trong vấn đề Triều Tiên và lâm vào cuộc khẩu chiến dai dẳng với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Một điểm đáng lưu ý trong năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump là bộ máy nhân sự liên tục rơi vào tình cảnh rối ren. Câu chuyện được gói gọn trong một bức ảnh được chia nhiều trên mạng: Tám ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong căn phòng với năm người thân cận nhất: chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, chiến lược gia trưởng Steve Bannon, thư ký báo chí Sean Spicer, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Phó tổng thống Mike Pence. Hơn 200 ngày sau đó, những người ở lại chỉ còn ông Trump và ông Pence.

toan canh the gioi 2017 anh 8toan canh the gioi 2017 anh 9
Bức ảnh "tố cáo" sự rối ren trong đội ngũ nhân sự của Tổng thống Trump. Ảnh: Getty / Đồ họa: Vox.

Đó là chưa kể Mike Dubke - giám đốc truyền thông đầu tiên của chính quyền Trump, kết thúc nhiệm vụ hồi đầu tháng 6. Người thay thế Anthony Scaramucci còn thê thảm hơn khi bị "sa thải" chỉ mười ngày sau khi được bổ nhiệm. Trước đó, phó chánh văn phòng Nhà Trắng Katie Walsh đã “ra đi” từ tháng 3, sau khi bị phe đối lập công kích uy tín cá nhân.

Tin đồn về mối bất hòa giữa ông Trump với các vị trí cấp cao nhất trong nội các như Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng rộ lên từ lâu. Thậm chí, truyền thông loan tin vị tổng thống sắp sa thải ông Tillerson và thay thế bằng giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo.

Giới quan sát chỉ ra rằng Tổng thống Trump đã sa thải rất nhiều lựa chọn cho vị trí trong chính quyền chỉ sau bảy tháng đầu nhiệm kỳ. Trong khi đó, người tiền nhiệm Barack Obama chỉ sa thải bốn quan chức chính thức cùng một nhân viên tạm thời trong hơn tám năm cầm quyền.

Hashtag tuần qua: TT Trump hâm nóng một thế giới bất ổn Bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với lời lẽ gay gắt nhắm vào các đối thủ bị coi là không phù hợp trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn và mâu thuẫn.

toan canh the gioi 2017 anh 10toan canh the gioi 2017 anh 11

B

án đảo Triều Tiên liên tục sôi sục vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm qua. Tính từ đầu năm đến ngày 15/12, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch (vụ thử hạt nhân lần thứ sáu) và 23 vụ thử tên lửa, trong đó có ba lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), gần bằng thống kê 2016.

Trong khi giới chức phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngờ về năng lực hạt nhân của Triều Tiên, con đường dẫn tới vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của nước này hôm 3/9 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi theo một chiến lược bài bản: leo thang các hành vi khiêu khích, đồng thời mạnh mẽ lên án các cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc.

toan canh the gioi 2017 anh 12

Vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) được báo hiệu bằng vụ phóng hai tên lửa ICBM mà Bình Nhưỡng tuyên bố có tầm bắn bao phủ lục địa Mỹ. Vụ việc đã khiến Tổng thống Trump đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Triều Tiên sẽ hứng chịu "hỏa lực và thịnh nộ". Bình Nhưỡng đáp trả bằng việc công bố kế hoạch tấn công đảo Guam, lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Cuộc khẩu chiến Mỹ - Triều liên tục leo thang căng thẳng khi lãnh đạo 2 nước liên tục đưa ra những lời đe dọa, bao gồm đe dọa tấn công quân sự. Có lúc, truyền thông có những bài như "Bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh" hay "Khủng hoảng Triều Tiên và nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba". Trong khi đó, ông Trump liên tục khiêu khích gọi nhà lãnh đạo họ Kim là "gã tên lửa" còn ông Kim Jong Un nói tổng thống Mỹ là "gã tâm thần loạn trí".

Triều Tiên thông báo nước này đã cho nổ một quả bom H "với sức công phá chưa từng thấy" và có thể gắn vào một tên lửa tầm xa. Các chuyên gia tại Seoul cho biết năng lượng giải phóng trong trận địa chấn gây ra bởi vụ nổ lớn gấp 5 đến 6 lần vụ thử gần nhất. Vụ thử lần thứ năm có sức công phá 10 kiloton, trong khi quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945 có sức công phá 15 kiloton.

Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử hạt nhân lần thứ sáu đánh dấu "cột mốc rất quan trọng" trong việc tiến đến "mục tiêu cuối cùng" là trở thành một cường quốc hạt nhân toàn diện. Đến cuối tháng 11, sau vụ thử ICBM lần thứ ba trong năm - một quả Hwasong-15, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói Triều Tiên "sẽ nhảy vọt để trở thành cường quốc hạt nhân và quân sự mạnh nhất thế giới".

Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt thứ 10 nhằm vào Bình Nhưỡng, Washington kêu gọi các nước "cắt quan hệ" với Triều Tiên. Lệnh trừng phạt mới được cho là cứng rắn nhất từ trước tới nay nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, đồng minh truyền thống và là đối tác kinh tế chính của Bình Nhưỡng.

toan canh the gioi 2017 anh 13

Trong một phản ứng sau vụ thử bom H hôm 3/9, Tổng thống Trump khẳng định "sự nhân nhượng với Triều Tiên đã không phát huy tác dụng". Ông cũng từng tuyên bố chính sách "kiên nhẫn chiến lược" mà cựu tổng thống Obama áp dụng với Bình Nhưỡng đã chấm dứt.

Hashtag tuần qua: Tên lửa Triều Tiên sôi sục châu Á - Thái Bình Dương Chương trình tên lửa của Triều Tiên đẩy căng thẳng tại khu vực lên nấc thang sôi sục chưa từng có sau khi Washington và Bình Nhưỡng đều đe dọa sẽ sử dụng vũ lực với đối phương.

toan canh the gioi 2017 anh 14toan canh the gioi 2017 anh 15

Đ

ại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra từ ngày 18 đến 24/10 trong sự dõi theo của toàn thế giới trông chờ tầm nhìn mới của Bắc Kinh. Trong bối cảnh nước Mỹ đang dần rút lui, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện sự quyết tâm đưa Trung Quốc trở thành "lãnh đạo mới" của thế giới bằng việc khẳng định họ sẽ là "một nước lớn và có trách nhiệm".

Điều này hoàn toàn khác biệt với ba thập niên trước, khi Trung Quốc vật lộn "mở cửa" nhằm thoát nghèo còn các nhà cải cách của nước này nhất nhất tuân thủ phương châm "giấu mình chờ thời" của ông Đặng Tiểu Bình. Trong báo cáo chính trị đọc tại phiên khai mạc đại hội, ông Tập đã 26 lần miêu tả Trung Quốc bằng những từ như "siêu cường" hoặc "cường quốc".

toan canh the gioi 2017 anh 16

Đại hội 19 cũng xác lập vị thế mới của ông Tập khi hơn 2.300 đại biểu bỏ phiếu sửa đổi điều lệ đảng, chính thức đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ. Học thuyết mới mang tên "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" sẽ là kim chỉ nam cho đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới.

Kể từ thời Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Trung Quốc hiện đại, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đương quyền có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ đảng. Ngoài "Tư tưởng Mao Trạch Đông", điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc còn ghi nhận cả "Lý luận Đặng Tiểu Bình" song Đặng Tiểu Bình chỉ được thêm tên vào điều lệ sau khi ông mất vào năm 1997. Hai học thuyết của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng có trong điều lệ Đảng, nhưng không kèm tên hai người này.

Tầm nhìn của Chủ tịch Tập - người được tái bầu làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, chủ tịch quân ủy trung ương tại đại hội lần này - thể hiện qua học thuyết trên là đất nước Trung Quốc sẽ không chỉ có ảnh hưởng tại khu vực mà trên phạm vi toàn cầu trong "thời đại mới". "Thời đại mới" là cụm từ được nhắc đến 36 lần trong báo cáo chính trị dài 68 trang (bản tiếng Trung).

toan canh the gioi 2017 anh 17
Bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nơi diễn ra đại hội khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Về cơ bản, "thời đại mới" đánh dấu giai đoạn thứ ba kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Nếu Mao Trạch Đông có công dựng nước, Đặng Tiểu Bình giúp đất nước giàu lên thì ông Tập sẽ là người mở ra giai đoạn Trung Quốc trở nên hùng mạnh bằng công cuộc chấn hưng dân tộc.

Theo lộ trình do ông Tập vạch ra, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia "tương đối thịnh vượng". Ông dự đoán vào năm 2050, đất nước sẽ "tự hào sánh vai với các quốc gia trên thế giới" và "trở thành cường quốc dẫn đầu". Kế hoạch đạt được tham vọng này bao gồm việc xây dựng quân đội "đẳng cấp thế giới", đủ sức chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến tranh.

Đại hội 19 cũng giới thiệu năm gương mặt mới vào Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên - cơ quan quyền lực cao nhất Trung Quốc. Thành phần nhân sự mới (ảnh dưới) phản ánh sự thay đổi tư duy tại Trung Nam Hải khi không ai trong Thường vụ Bộ Chính trị từng là kỹ sư hoặc nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên trước khi tham gia chính trường. Trong các ủy viên, hai người học giáo dục chính trị và những người khác học về quản lý, triết học, chính trị học hoặc luật. Kể cả ông Tập Cận Bình, dù theo học ngành kỹ sư hóa tại Đại học Thanh Hoa, ông bước thẳng vào chính quyền sau khi tốt nghiệp và lấy bằng cao học về lý thuyết Marx và giáo dục chính trị.

toan canh the gioi 2017 anh 18

Guardian lưu ý rằng trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc là "điều thần kỳ kinh tế" của châu Á và Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng sức mạnh kinh tế để tạo dựng ảnh hưởng ở khắp nơi. Dù vậy, thông điệp ông Tập truyền tải tại đại hội 19 còn là "tiền không phải tất cả những gì chúng tôi có". Thay vào đó, ông tìm kiếm một hệ thống ý thức hệ có thể làm nền tảng cho "Giấc mộng Trung Hoa" và trở thành khuôn mẫu để các nước khác học tập.

toan canh the gioi 2017 anh 19toan canh the gioi 2017 anh 20

C

hỉ trong vài giờ ngắn ngủi của buổi sáng ngày 5/6, bốn nước Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đồng loạt cắt đứt quan hệ, "tẩy chay" Qatar. Các nước tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao, đóng cửa đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không với Qatar. Ở một vài nơi, công dân Qatar được yêu cầu trở về nước ngay lập tức.

Tiếp sau đó, Yemen, Libya và Maldives cũng công bố quyết định tương tự. Đất nước gần nhất còn quan hệ ngoại giao với Qatar là Iran, lại chính là nguyên nhân khiến Doha bị cô lập. Đây được coi là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Trung Đông trong nhiều năm gần đây, một vụ "từ mặt" vô tiền khoáng hậu.

toan canh the gioi 2017 anh 21

Sự việc được cho là bắt nguồn từ một bản tin của cơ quan thông tấn Qatar, trong đó trích dẫn bình luận của Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani về chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bình luận nói rằng chuyến đi làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và các nước Vùng Vịnh. Chính phủ Qatar đã gỡ bài báo và khẳng định hãng tin của nước này bị tấn công mạng.

Đây được xem là giọt nước tràn ly dẫn đến khủng hoảng vì Iran - với đa số dân theo Hồi giáo Shia, là đối thủ "truyền kiếp" của Saudi Arabia - quốc gia Hồi giáo Sunni, tại khu vực. Hầu hết chuyên gia nhận định màn "nghỉ chơi" tập thể đối với Qatar là kết quả của những bất hòa tích tụ lâu ngày và bùng phát khi gặp thời điểm thích hợp với cáo buộc Doha "tài trợ khủng bố".

Trong nhiều năm, Qatar đã sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào để tạo ảnh hưởng lên tình hình chính trị ở những khu vực bên ngoài Vùng Vịnh. Có diện tích nhỏ nhưng nhờ trữ lượng dầu lớn và vị trí nằm ở điểm giao của ba châu lục, Qatar vẫn giàu có với vai trò là một nơi trung chuyển hàng không và nguồn cung dầu của thế giới. Từ đó, các nước Vùng Vịnh xem Qatar như "nhân tố nổi loạn" trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.

Vụ phong tỏa đã khiến cuộc sống thường ngày tại Qatar ít nhiều bị ảnh hưởng khi giá thực phẩm leo thang, đi lại khó khăn... Tuy vậy, dường như kinh tế Qatar bị tác động nhiều bởi cuộc khủng hoảng giá dầu đã diễn ra từ trước hơn là cuộc khủng hoảng ngoại giao. Theo số liệu chính thức hồi đầu tháng 10, tăng trưởng của kinh tế Qatar trong quý II năm 2017 chạm mức mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vì sự sa sút chung của ngành dầu khí toàn cầu.

toan canh the gioi 2017 anh 22

Trả lời Zing.vn trong một cuộc phỏng vấn ngay sau vụ việc, Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch nhận định rất khó để đánh giá cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu. "Một điều rất rõ là cắt đứt quan hệ thì dễ nhưng hàn gắn quan hệ bao giờ cũng khó khăn. Chúng ta chỉ có thể hy vọng mà thôi", ông nói.

Trong khi Qatar vẫn luôn khẳng định đối thoại “vô điều kiện” là ưu tiên hàng đầu thì Saudi Arabia lại chưa thực sự sẵn sàng để hòa giải. Dù cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn nửa năm, các bên vẫn chưa chịu ngồi lại cùng nhau để tìm hướng giải quyết. Một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên dường như vẫn xa vời.

Hashtag tuần qua: Qatar giàu nhưng chưa mạnh Là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới nhưng Qatar không có quân đội "hoành tráng", đồng thời phụ thuộc vào Mỹ về an ninh, trong khi 90% lương thực phải nhập khẩu.

toan canh the gioi 2017 anh 23toan canh the gioi 2017 anh 24

B

ộ Quốc phòng Nga ngày 6/12 tuyên bố Syria đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau sáu năm chiến sự khốc liệt. Theo lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov, Syria đã được giải phóng hoàn toàn khỏi IS sau khi nhóm khủng bố để mất thành trì cuối cùng tại thung lũng Euphrates.

Trước đó hai tháng, lực lượng đối lập tại Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố đã giành lại thành phố Raqqa từ tay IS. Việc giành quyền kiểm soát nơi mà IS tự xưng là "thủ đô của vương quốc Hồi giáo" được xem một chiến thắng quyết định trong cuộc chiến tại Syria dù các quan chức Mỹ cho biết vẫn còn những tay súng thánh chiến trong thành phố.

toan canh the gioi 2017 anh 25

Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia đang quan ngại rằng thất bại ở Trung Đông không phải là dấu chấm hết đối với IS bởi chúng đã và đang tạo ra những nỗi lo mới trên toàn cầu, bao gồm việc di chuyển "hướng Đông" đến những khu vực có nhiều người Hồi giáo như Đông Nam Á để tái lập căn cứ.

Ngoài ra, số tay súng nước ngoài cố rời khỏi Syria và Iraq cũng tăng lên khi IS tiếp tục mất đi những phần lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng. Giới chức nhiều quốc gia đã bắt đầu quan ngại về viễn cảnh đất nước họ có thể tràn ngập chiến binh IS trở về.

Lãnh đạo Nga cũng cảnh báo rằng quá trình thiết lập lại hòa bình cho Syria là nhiệm vụ khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian. Tổng thống Putin nhấn mạnh trọng tâm hiện tại là tiến trình chính trị ở quốc gia Trung Đông. Trong các mục tiêu đề ra, ông Putin đề cập tới việc thúc đẩy soạn thảo hiến pháp mới, bầu cử quốc hội và tổng thống ở Syria.

Hashtag tuần qua: Bóng ma IS chưa buông tha thế giới Dù thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria bị tiêu diệt, hệ tư tưởng cực đoan và những kẻ khủng bố đã bắt đầu bám rễ tại nhiều ngóc ngách trên thế giới.

toan canh the gioi 2017 anh 26toan canh the gioi 2017 anh 27

Đ

ại diện 21 nền kinh tế đã tề tựu tại Đà Nẵng để tham dự các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC (diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương) từ ngày 6 đến 11/11. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đều có mặt tại Đà Nẵng.

Sự kiện gây chú ý vì diễn ra cùng lúc Tổng thống Trump công du năm nước châu Á - chuyến đi dài nhất (12 ngày) của một tổng thống Mỹ trong 25 năm qua. Tại Đà Nẵng, ông Trump cũng lần đầu tiên phát biểu về chiến lược châu Á của Mỹ giữa lúc có nhiều quan ngại rằng chính sách mới của Washington tại khu vực chưa từng được định hình rõ ràng từ khi ông nhậm chức.

toan canh the gioi 2017 anh 28

"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - chiến lược mới mà ông Trump nêu ra - là khái niệm từng được nhiều học giả không chỉ tại Mỹ mà còn những nước như Singapore, Ấn Độ, Australia… đề cập trong những năm qua. Khái niệm này nhấn mạnh các thách thức tại khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng vượt ra ngoài châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược cũng thể hiện Mỹ rất coi trọng tính kết nối của hai đại dương cũng như vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc khu vực tương lai.

Tuy nhiên, phát biểu của ông Trump hay ông Tập Cận Bình (chủ tịch Trung Quốc cũng có bài phát biểu tại sự kiện mà ông Trump tham gia) dù quan trọng vẫn không kịch tích và thu hút sự quan tâm của báo giới bằng cuộc chạy đua đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên lề hội nghị APEC ở Đà Nẵng. Tưởng chừng như sẽ đổ vỡ, TPP đã được "tái sinh" vào giờ chót với tên gọi mới: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (viết tắt tiếng Anh là CPTPP).

Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định hồi tháng 1, tương lai của TPP bị đặt vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất trong 12 thành viên ban đầu. Tuy vậy, 11 thành viên còn lại vẫn quyết tâm đạt được thỏa thuận và các cuộc đàm phán TPP-11 được tổ chức xuyên suốt năm qua tại nhiều nước.

Số phận của TPP-11 tại Đà Nẵng rơi vào bất định khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau không tới cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP. Thế nhưng cuối cùng, sau bốn vòng đàm phán được báo giới mô tả là "cuộc đua marathon", 11 nước TPP đã thống nhất được thỏa thuận với tên gọi mới. Những nội dung của thỏa thuận ban đầu sẽ được giữ nguyên nhưng cho phép các nước tạm hoãn một số nội dung để bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ của từng nước.

Đối với Việt Nam, Năm APEC là sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng nhất năm nay với nhiều hoạt động được tổ chức xuyên suốt từ đầu năm, trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao. Đây là lần thứ hai Việt Nam là chủ nhà APEC sau lần đầu tiên vào năm 2006. Ngoài ra, việc lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Canada thăm chính thức Hà Nội trước và sau hội nghị tại Đà Nẵng cũng cho thấy vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hashtag tuần qua: Ông Trump muốn gì khi đến châu Á? Chuyến công du dài ngày nhất của Tổng thống Donald Trump từ khi nhậm chức diễn ra trong bối cảnh chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên phủ bóng hiện trạng an ninh khu vực.

toan canh the gioi 2017 anh 35toan canh the gioi 2017 anh 36

N

gày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức đảo ngược chính sách bảy thập kỷ của Washington với việc công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ di chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem - một việc có thể mất vài năm mới hoàn thành. Quyết định ngay lập tức làm dấy lên tranh cãi và phản đối, đặc biệt từ cộng đồng người Palestine và thế giới Hồi giáo.

Thánh địa nghìn năm, nơi hội tụ những địa điểm linh thiêng nhất của cả ba tôn giáo đạo Hồi, đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc, là trọng tâm trong cuộc xung đột chưa thể giải quyết giữa người Israel và người Palestine. Quy chế cuối cùng về Jerusalem luôn là một trong những vấn đề hóc búa nhất và nhạy cảm nhất của cuộc xung đột, làm hỏng rất nhiều nỗ lực kiến tạo hòa bình ở khu vực trong nhiều thập kỷ qua.

toan canh the gioi 2017 anh 37

Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, trong khi người Palestine tuyên bố khu vực phía đông thành phố, bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 trong Chiến tranh Sáu ngày, là thủ đô nhà nước tương lai của họ. Cả Israel và Palestine đều khẳng định đây là những nguyên tắc không thể mang ra đàm phán.

Hầu hết ý kiến cho rằng quyết định của ông Trump có thể khiến tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đêm 6/12 khẳng định Jerusalem chính là “thủ đô vĩnh cửu của nhà nước Palestine” và nói quyết định của Tổng thống Trump “thể hiện sự thoái lui của nước Mỹ trong vai trò trung gian hòa bình”.

Vốn dĩ vào năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật về đại sứ quán tại Jerusalem, kêu gọi Washington di chuyển tòa đại sứ từ Tel Aviv đến Jerusalem, qua đó công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Về lý thuyết, đạo luật buộc chính phủ phải chấp hành.

Trên thực tế, một điều khoản trong luật cho phép các tổng thống Mỹ được trì hoãn việc thực thi cứ mỗi sáu tháng "vì lợi ích an ninh quốc gia". Các đời tổng thống từ Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama đều ký hoãn phê chuẩn đạo luật theo chu kỳ sáu tháng.

Dù ông Trump đã khẳng định ngay từ lúc tranh cử là sẽ đưa sứ quán Mỹ đến Jerusalem, ông phải miễn cưỡng trì hoãn việc này lần đầu tiên vào tháng 6. Nửa năm trôi qua, tổng thống đương nhiệm cho thấy ông không muốn kéo dài việc này nữa và cần bắt tay hành động.

Nhiều người lo ngại quyết định của ông chủ Nhà Trắng sẽ châm ngòi cho bạo lực nhằm vào công dân và các lợi ích của Mỹ, thậm chí gây đại họa ở Trung Đông, đặc biệt ở những nước có lãnh đạo ủng hộ Washington. Các quan chức an ninh Israel nói họ đang theo dõi tình hình và chuẩn bị cho mọi tình huống.

Israel và Palestine duy trì mối quan hệ an ninh kín đáo ở Bờ Tây, giúp ngăn chặn bạo lực leo thang trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, rất nhiều cuộc xung đột ở Jerusalem và Bờ Tây giữa Israel và Palestine trong 20 năm qua xuất phát từ những căng thẳng ở thành phố thánh địa.

Hashtag tuần qua: 'Nụ hôn tử thần' và chảo lửa Trung Đông Tổng thống Mỹ tuyên bố công nhận đất thánh Jerusalem là thủ đô của Israel, khiến tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine ở Trung Đông tiếp tục là dấu hỏi lớn.

toan canh the gioi 2017 anh 42toan canh the gioi 2017 anh 43

S

au nhiều tháng bế tắc, Ủy ban Châu Âu (EC) ngày 8/12 cho biết cuộc đàm phán để Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), tức Brexit, đã đạt những “tiến bộ đáng kể”, bao gồm các vấn đề như số tiền London phải trả để "ly hôn", biên giới Anh - Ireland và quyền của những công dân EU sống tại Anh. Thỏa thuận này cũng mở đường cho đàm phán giai đoạn hai của Brexit.

Theo AFP, Anh đồng ý chi trả "chi phí dàn xếp ly hôn" khoảng 45-55 tỷ euro, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho khoảng ba triệu người châu Âu đang sống và làm việc tại Anh “vẫn như cũ”. Thủ tướng Anh Theresa May cũng bảo đảm rằng sẽ không có "biên giới cứng" nào ở Bắc Ireland.

Vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland vốn là trở ngại lớn nhất trong thỏa thuận Brexit vì Bắc Ireland thuộc lãnh thổ Vương quốc Anh nhưng lại nằm trên đảo Ireland. Sau Brexit thì Bắc Ireland sẽ chịu luật lệ thuế quan và quản lý thị trường của Anh trong khi phần còn lại của hòn đảo (tức Cộng hòa Ireland) vẫn tuân theo luật lệ EU. Cộng hòa Ireland lo ngại rằng đường biên giới cứng, nếu được lập ra trên đảo, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thỏa thuận hòa bình 1988, từ đó có thể dẫn đến nội chiến như quá khứ. Hơn nữa, đường biên giới cứng cũng ảnh hưởng trao đổi hàng hóa giữa 2 bên.

toan canh the gioi 2017 anh 44

Anh chính thức khởi động quá trình rời khỏi EU bằng việc trao thư cho chủ tịch EU, thông báo đã kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon hôm 29/3. "Đây là thời khắc lịch sử mà từ đây chúng ta có thể không còn đường quay lại", Thủ tướng May phát biểu cùng ngày trước hạ viện.

Bức thư là khởi đầu của quá trình đàm phán kéo dài trong thời hạn hai năm giữa Anh và EU để đạt được thỏa thuận Brexit và thiết lập quan hệ trong tương lai giữa hai bên. Quy trình này sẽ hoàn tất vào ngày 29/3/2019.

Tuy nhiên, bà May lại liên tiếp vấp phải trở ngại. Thất bại trong cuộc bầu cử sớm ngày 8/6, mà nữ thủ tướng vốn hy vọng sẽ giúp chấm dứt nỗ lực cản trở đàm phán Brexit của các phe đối lập, khiến chính phủ của bà May phải đối mặt với một quốc hội treo. Nữ thủ tướng bị mất uy tín nghiêm trọng và đảng Bảo thủ của bà không còn giữ được đa số ghế ở nghị viện.

toan canh the gioi 2017 anh 45
Thủ tướng Anh Theresa May ngồi một mình trước giờ gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk để bàn về thỏa thuận Brexit tại Brussels, Bỉ hôm 20/10. Bức ảnh này nhanh chóng lan truyền trên mạng như một cách để ví von tình thế "đơn thương độc mã" của bà May trong cuộc đàm phán đầy khó khăn. Ảnh: Getty.

Không chỉ vậy, cuộc đàm phán Brexit còn diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn nội bộ chồng chất cùng sự giận dữ của người dân, dù họ ủng hộ hay phản đối Brexit. Chưa đầy ba tháng, nước Anh hứng chịu đến bốn vụ tấn công (ba vụ ở London) khiến 36 người chết, hàng trăm người bị thương. Riêng vụ đánh bom ở nhà thi đấu Manchester là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Anh kể từ vụ đánh bom tàu điện ngầm London năm 2005.

Thỏa thuận đạt được ngày 8/12 được xem là mang tính lịch sử khi cả Anh lẫn EU đều cho thấy những khó khăn trong quá trình đàm phán cũng như những vấn đề khó có thể nhượng bộ. Kết quả đàm phán sẽ định hình tương lai của nước Anh, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP 2.600 tỷ USD cũng như quyết định việc London liệu sẽ có thể tiếp tục là một trong hai trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu thế giới hay không.

Dù kết quả thế nào, nước Anh vẫn phải đối mặt với một xã hội đang chia rẽ hơn lúc nào hết  Trong một cuộc khảo sát hồi đầu tháng 12 do báo Independent thực hiện với hơn 1.500 người, kết quả cho thấy 55,5% người tham gia muốn Anh ở lại EU và 44,5% muốn Anh rời liên minh. Tờ báo cho hay tỷ lệ này là cách biệt lớn nhất giữa phe ủng hộ và phe phản đối Brexit kể từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 (khi đó, tỷ lệ ủng hộ - phản đối Brexit tương ứng là 52 - 48%).

toan canh the gioi 2017 anh 46

Tương lai đầy chông gai của Brexit Anh khiến thế giới ngỡ ngàng khi quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Sau khi điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt vào cuối tháng 3/2017, tương lai của Brexit vẫn chưa rõ ràng.

Trung Đông 2017: 'Thùng thuốc súng' nhuộm máu và nước mắt

Cuộc chiến chống khủng bố, nội chiến Yemen hay mâu thuẫn xoay quanh Jerusalem là những vấn đề khiến khu vực Trung Đông vẫn nóng bỏng như nhiều năm qua.

Châu Âu và một năm dồn dập giông tố

Cùng trả lời các câu hỏi để biết bạn có nắm được những biến động đã xảy ra tại châu Âu trong năm 2017 đầy sóng gió?

Phía sau những bức ảnh lay động cảm xúc nhất 2017 của Reuters

Vào dịp cuối năm, Reuters đã đề nghị các phóng viên ảnh kể lại câu chuyện đằng sau những bức ảnh họ nhớ nhất, dù đó là câu chuyện đau buồn, tươi sáng, hoặc cả hai.


Vũ Mạnh (tổng hợp)

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm