Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung - Ấn hợp tác: Đôi bên cùng có lợi

"Công xưởng thế giới" và "Văn phòng của thế giới" quyết định thắt chặt hợp tác để cho ra đời cơ sở sản xuất cạnh tranh nhất cũng như thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhất hành tinh.

a
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại New Dehli hôm qua. Ảnh: EPA

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một trong những cuộc gặp cấp cao quan trọng nhất tại châu Á năm nay. Ông Tập có chuyến thăm chính thức ba ngày tới Ấn Độ trong tuần này và dành khá nhiều thời gian gặp gỡ tân thủ tướng Modi. Hai người là những nhà lãnh đạo của hai quốc gia đông dân nhất hành tinh và chiếm đến một phần ba dân số toàn thế giới. Họ cũng đang đối mặt với những thay đổi nhanh chóng tại đất nước của mình.

Theo CNN, cả hai đều là những lãnh đạo mạnh mẽ, với các chính sách theo hướng cải cách. Cả hai đều có những hành động chống lại nạn tham nhũng đã bám rễ sâu và chú trọng xây dựng nền kinh tế của nước mình. Và dường như cả hai người đều chủ trương sẽ trở thành kẻ mạnh trong mối quan hệ với các nước láng giềng.

Hàng hóa 'Made in China & India'

Trong bài xã luận đăng trên báo Hindu của Ấn Độ hôm 17/9, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc có thể trao đổi kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và chế tạo cho Ấn Độ, đồng thời nhận lại được các kinh nghiệm về công nghệ và dược phẩm từ quốc gia Nam Á.

"Sự kết hợp của 'công xưởng thế giới' và 'văn phòng của thế giới' sẽ cho ra đời cơ sở sản xuất có tính cạnh tranh nhất cũng như thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhất hành tinh", ông Tập Cận Bình viết. Điều này sẽ nâng tầm mối quan hệ kinh tế, thương mại hiện tại mà Trung Quốc đang giữ thế xuất siêu lớn.

Về phía ông Modi, trong cuộc họp báo hôm 16/9, ông ca ngợi tiềm năng hợp tác với một đối tác lớn: "Bất cứ khi nào Ấn Độ và Trung Quốc cùng hợp tác và phát triển, thì đều đem lại sự phát triển và thịnh vượng chung cho kinh tế thế giới", ông nói.

Trung - Ấn có một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó nhiều lĩnh vực Ấn Độ phải học hỏi từ Trung Quốc. Theo bảng Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc đứng thứ 28 và Ấn Độ đứng thứ 71. Về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh tế vĩ mô, Trung Quốc lần lượt đứng thứ 46 và thứ 10 trong khi Ấn Độ xếp thứ 87 và thứ 101.

Trong những phát biểu gần đây, ông Modi đã nhắc đến hiện trạng cơ sở hạ tầng yếu kém của nước mình. Đường giao thông và cung cấp điện, nước bị hư hỏng, quản lý không hiệu quả, một vùng rộng lớn của Ấn Độ bị tách rời khỏi thế giới hiện đại. Ấn Độ cần tài chính và chuyên môn để khắc phục những vấn đề này và Trung Quốc có thể đáp ứng điều đó.

Một trong những trọng tâm trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là công bố hiệu quả của gói đầu tư 100 tỷ USD vào Ấn Độ. Khi đó, hai quốc gia đông dân nhất thế giới cuối cùng có thể nhận ra tiềm năng của mối quan hệ đối tác.

Trung Quốc có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, nhưng hiện tại Trung Quốc coi châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và thậm chí là Brazil là những đối tác quan trọng hơn. Vì hai nước có đường biên giới chung rất dài, Ấn Độ muốn thay đổi hiện trạng đó. Trung Quốc cũng vậy, nước này sẽ có lợi ích rõ ràng khi tăng cường giao thương với nước láng giềng đang nổi lên về kinh tế và tầm ảnh hưởng.

Một góc phố ở thành phố Calcutta, Ấn Độ. Ảnh: Forbes

Tham vọng tầm khu vực

Đằng sau những mỹ từ về thắt chặt quan hệ kinh tế, tham vọng tại khu vực của hai nước có thể là một trở ngại. Truyền thông Ấn Độ hôm 16/9 đưa tin cuộc xung đột nhỏ xảy ra giữa lực lượng của Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng Ladakh, khu vực biên giới hai nước.

Dù các vụ đụng độ giữa hai bên phần lớn được dẹp yên sau cuộc chiến biên giới năm 1962, chính sách đối ngoại của hai bên vẫn gây cảm giác lo ngại.

Trước khi tới Ấn Độ, chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên đến thăm Maldives và Sri Lanka, hai nước láng giềng của Ấn Độ. Ở cả hai nước, ông Tập công bố các dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn và cam kết mở rộng mối quan hệ.

Nhiều nhà phân tích Ấn Độ cảm thấy lo ngại bởi vòng kiềm tỏa về kinh tế của Trung Quốc bao quanh Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi cũng có những động thái tương tự với các nước láng giềng của Trung Quốc. 

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tuần qua có chuyến thăm Việt Nam, ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước có tính lịch sử và là vô hạn. Hồi đầu tháng, Thủ tướng Modi cũng tới thăm Nhật Bản, hai bên tuyên bố tăng cường thương mại, đầu tư và tổ chức tập trận chung. Các chuyên gia nhận định, Ấn Độ đang phát đi tín hiệu rằng họ có một lộ trình rõ ràng để đạt được quyền lực tối cao ở châu Á.

Cả ông Tập và Modi đều tỏ ra là những người theo đường lối đối ngoại hiện thực và thực dụng. Trên cổng thông tin của mình tuần này, chủ tịch Trung Quốc nói về một thế giới đang tiến tới "đa cực", ý nói đến sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc và Ấn Độ.

Nếu hai nhà lãnh đạo Trung, Ấn thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng này thì trọng tâm của họ trong thời gian tới sẽ không còn là quân sự hay quốc phòng mà là xây dựng nền kinh tế. Và với cả hai người, chính sách đối ngoại bắt đầu từ khu vực. Vì vậy, họ sẽ cần sự hợp tác của nước kia.

Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chuyến công du Nam Á

Chủ tịch Tập Cận Bình tới Male, đánh dấu chuyến thăm Maldives cấp nhà nước đầu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 42 năm.

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm