Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như thiếu kiên nhẫn với những người bất đồng chính kiến, song lại lựa chọn cố vấn an ninh quốc gia mới là tướng về hưu Herbert Raymond McMaster, một người có quan điểm khác ông trong nhiều vấn đề.
Ông McMaster bước chân vào Nhà Trắng với lập trường về Nga, chống khủng bố, củng cố quân đội và các vấn đề an ninh lớn khác biệt với không chỉ những người trung thành với Trump mà ngay chính tổng thống.
Là vị tướng với những ý tưởng được định hình bởi kinh nghiệm nhiều hơn cảm xúc, bởi thực tế nhiều hơn chính trị và hiểu biết nhiều hơn sự bốc đồng, McMaster có thể sẽ cảm thấy mình lạc lõng hay thậm chí bị thù địch khi bước vào bàn cờ chính trị như thể lúc ông ở những thành phố của Afghanistan và Iraq.
Tổng thống Trump (phải) bắt tay tướng McMaster khi công bố quyết định bổ nhiệm tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ở Florida hôm 20/2. Ảnh: Reuters. |
Theo lời phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer hôm 21/2, Tổng thống Trump nói rằng McMaster "có đầy đủ thẩm quyền để xây dựng đội ngũ an ninh quốc gia theo cách ông ấy muốn".
Tuy nhiên, trước đó, tân tổng thống đã phá lệ khi đưa Steve Bannon, chiến lược gia trưởng vốn có quan điểm cực hữu của ông, vào Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
"Đụng độ có thể xảy ra (giữa cố vấn an ninh mới McMaster) với những người mà Steve Bannon đưa vào chính phủ... Quan điểm của họ mang tính ý thức hệ sâu sắc", Andrew Exum, cựu sĩ quan quân đội đồng thời là một người bạn lâu năm của McMaster, nói.
Một trong những thử thách đầu tiên dành cho cố vấn an ninh mới sẽ là việc xem xét chính sách của Mỹ ở Syria và rộng hơn là cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo. Kết quả của quá trình xem xét này dự kiến được công bố vào tuần tới, quan chức Lầu Năm Góc cho biết hôm 21/2.
Thử thách thứ hai ông McMaster phải đối mặt là chính sách với Nga. Ông đồng quan điểm với đa số giới chức an ninh của Mỹ rằng Moscow là mối đe dọa và là đối thủ của Washington, trong khi Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia trước đó, nhìn nhận Nga như một đối tác địa chính trị tiềm năng.
Hồi tháng 5 năm ngoái, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), tướng McMaster cho rằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và việc ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine là bằng chứng cho thấy nỗ lực của Moscow nhằm "phá hủy trật tự sau Thế chiến 2, trật tự sau Chiến tranh lạnh, trật tự an ninh, kinh tế và chính trị ở châu Âu". Theo ông, Nga đang cố gắng thay thế chúng bằng trật tự mới có lợi hơn cho Moscow.
Tướng McMaster, 54 tuổi, được đánh giá cao trong giới quân sự Mỹ vì kinh nghiệm dày dặn của ông trong sự nghiệp quân đội. Tuy nhiên, ông có những quan điểm khác biệt với Tổng thống Trump trong nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Ảnh: U.S. Navy. |
Điểm khác biệt thứ ba giữa cố vấn an ninh mới và tân tổng thống là quy mô và tổ chức của quân đội Mỹ. Trump từng hứa sẽ bổ sung thêm hàng chục nghìn binh sĩ, tăng số tàu hải quân từ 282 lên 350, "cấp cho Không quân 1.200 máy bay chiến đấu".
Tuy nhiên, trong một bài viết trên tạp chí Military Review năm 2015, McMaster cho rằng chiến thắng quân sự là nhờ vào tấn công từ xa, dựa trên khả năng giám sát, thông tin và tin tức tình báo tốt hơn.
Ngày 20/2, Tổng thống Donald Trump công bố quyết định chọn tướng về hưu Herbert Raymond McMaster làm cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ để thay thế vị trí do ông Michael Flynn bỏ lại sau chưa đầy 1 tháng nhận nhiệm sở.
Tướng McMaster, 54 tuổi, từng tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point và nhận bằng tiến sĩ về lịch sử Mỹ tại Đại học North Carolina. Ông cũng từng nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Time năm 2014.
Tướng McMaster được đánh giá cao trong giới quân sự Mỹ vì kinh nghiệm dày dặn của ông trong sự nghiệp quân đội. Ông được cho là một chiến lược gia lão luyện và là một nhà hoạch định quân sự xuất sắc.