Theo giáo sư Karaagac, để hiểu về phong cách của Tổng thống Trump cần dựa trên phân tích thói quen lãnh đạo của ông khi còn là chủ doanh nghiệp. Trong 30 ngày đầu tiên, phe Cộng hòa sẽ ủng hộ hoặc im lặng trong sự khó chịu với những chính sách của Trump, nhưng điều này sẽ kéo dài trong 2 năm cho đến sau mùa bầu cử giữa kỳ của quốc hội.
Ngắm những vấn đề ít ai chú ý
- Theo ông, những thói quen quản trị nào từ thời điều hành doanh nghiệp với tư cách CEO mà Trump đã mang theo khi vào Nhà Trắng?
- Cuộc đời và sự nghiệp của ông Trump gắn liền với phát triển bất động sản, nên ông ta sẽ luôn tìm cơ hội phát triển điều đó. Trump hướng về những nơi bị đánh giá thấp hoặc không ai ngó ngàng. Ông xông vào đó và bắt đầu cuộc mặc cả. Đó là lý do vì sao ông có thể khiến những đối thủ chính trị bối rối.
Trump chạm đến những vấn đề thường ít ai chú ý, những nhóm người không được ngó ngàng nhưng vô cùng quan trọng. Sau đó, ông bắt đầu kiểu “chính trị du kích” vốn không phải là đẳng cấp của một tổng thống. Có thể nói Trump vươn lên nhờ sự hỗn loạn.
Ông John R. Karaagac, Đại học Indiana. Ảnh: indiana.edu . |
Yếu tố thứ 2 chính là Trump thực sự theo dõi sát sao giới truyền thông và tận dụng tích cực điều này. Những chiến thắng đầu tiên của ông chính là ở thị trường bất động sản New York, nơi mà sự nổi tiếng của Trump giúp tăng giá trị cho các khu đất, nhà cửa, cao ốc.
Điều này giải thích thói quen luôn gắn với truyền thông của Trump. Ông theo dõi chặt chẽ nhưng cũng luôn khiêu khích báo chí. Ông luôn muốn trong thế đối đầu vì điều này giúp ông xuất hiện thường xuyên trên báo. Trump muốn thống trị mọi mặt báo.
Phần lớn các tổng thống thừa nhận quyền lực của báo chí dù họ ngấm ngầm chỉ trích. Trump thì vượt qua lằn ranh này khi công khai chất vất truyền thông song song với việc tận dụng họ. Điều này phù hợp với dụng ý của Trump và thỏa mãn những người ủng hộ của ông, nhưng dẫn đến làn sóng phản đối từ giới báo chí. Khi đó, Trump thách thức làng báo truyền thống bằng việc ủng hộ những hãng thông tấn mới nổi.
Vấn đề thứ 3 là cách quản trị nhân sự. Khi là doanh nhân, Trump duy trì một vòng tròn thân tín quy mô nhỏ. Ông đặc biệt tin tưởng trong việc sử dụng người nhà và đáng ngạc nhiên là ông cổ vũ phụ nữ thể hiện vai trò. Điều này giải thích việc ông thiếu nhiều kỹ năng và cũng chậm chạp trong xử lý các vấn đề ở Nhà Trắng. Họ đã không được trang bị đầy đủ như lẽ ra phải thế.
Các trợ lý thân tín mà Trump chọn lựa để đưa vào Nhà Trắng cùng ông. Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn (ngoài cùng bên phải) đã xin từ chức sau 24 ngày sát cánh cùng tổng thống. Ảnh: CNN. |
Như vậy, 3 điểm chính mà Trump thể hiện đến hiện nay gồm: (1) chiến thuật cố ý gây hỗn loạn; (2) tấn công báo chí và cố tình tạo xung đột; và (3) một chính quyền hành động rất nhiều nhưng thiếu đội ngũ hiệu quả. Chiến thuật này thể hiện sự quản trị kém nhưng lại rất được lòng các cử tri của Trump.
Logic của ba vấn đề ở chỗ nếu Trump có thể làm tốt ở điều thứ 3 thì ông không chỉ đơn giản là khiến phe chống đối khó chịu mà thậm chí có thể đánh bại họ. Một cách khách quan, Trump cần “giảm tông” với hai điều đầu tiên và cải thiện điều thứ 3.
Nếu không làm được như vậy, Trump sẽ không thành công trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Còn nếu có thể, ông sẽ vẫn giữ vững và thậm chí mở rộng căn cứ ủng hộ của mình. Từ đó ông sẽ thành công hơn những gì mà phe đối thủ hình dung.
Thông minh nhưng thiếu kỷ luật
- Chính sách nào của Trump đã ban hành trong 30 ngày qua mà ông quan tâm nhất?
- Ông Trump đang đi qua danh sách những lời hứa từ khi tranh cử. Một số vấn đề ông chưa hành động ngay. Một số vấn đề khác ông đã lặng lẽ loại bỏ nó. Đây là sự lựa chọn của đội ngũ cố vấn của Trump, và những vị cố vấn này dường như chưa đủ mạnh cho “cuộc chơi ở Washington” như cần có.
Tôi quan tâm đến một vấn đề ít được nhắc đến, đó là khi Trump gặp các lãnh đạo công đoàn lao động và bắn tín hiệu rằng dự án đường ống dẫn và độc lập năng lượng là điều tốt để tạo việc làm cho Mỹ. Điều này thực tế là ông đang “ve vãn” người dân một số nơi vốn của phe Dân chủ. Đây là điều mà những người phe Cộng hòa truyền thống thường không làm một cách nhất quán.
Dĩ nhiên, Trump không phải là một đảng viên Cộng hòa truyền thống. Tôi cho rằng Trump giống như một thành viên Dân chủ đã quay lưng lại với đảng, sau đó chuyển sang gia nhập rồi thống trị đảng Cộng hòa tương tự Ronald Reagan.
Tổng thống Reagan có sự thể hiện dày dạn và tinh tế hơn ông Trump, nhưng họ có điểm chung là biết cách khiến đối thủ bối rối. Để xem liệu Trump có được sự sâu sắc và trực giác như ông Reagan hay không. Tổng thống Reagan là một người đàn ông rất kỷ luật và biết rõ sức mạnh, hạn chế của bản thân. Trong khi đó, đương kim tổng thống rất thông minh nhưng không có tính kỷ luật của Reagan.
Lệnh cấm nhập cư với 7 nước Hồi giáo và ngưng tiếp nhận tị nạn là sắc lệnh gây tranh cãi nhất của Tổng thống Trump trong tháng đầu tiên. Ảnh: AP. |
- Trong tháng đầu tiên, đảng Cộng hòa dường như kín tiếng và ủng hộ các quyết định của Trump, như với lệnh cấm nhập cư và việc nỗ lực thông qua những đề cử nội các của tổng thống. Sự ủng hộ này sẽ kéo dài bao lâu?
- Tôi nghĩ sự ủng hộ này chỉ mang tính tạm thời. Họ sẽ ủng hộ những ứng viên được ông Trump đề cử vào chính phủ, nhưng không phải những chính sách gây tranh cãi của tổng thống. Họ cần đến những cử tri ủng hộ nhiệt thành của Trump, nhưng họ cũng muốn Trump sớm thay đổi phong cách tổng thống và chuyển tiếp đến sự mô phạm hơn.
Cả hai đều có lý do chính đáng. Dù nguyện vọng của các quan chức Cộng hòa là như vậy, nhưng Trump và các cử tri của ông lại cho rằng những nghị sĩ Cộng hòa, và kể cả Dân chủ, thường lạc lõng và không quan tâm đến những nhóm dân quan trọng cách xa Washington.
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa ở quốc hội như ông Paul Ryan và Mitch McConnell sẽ phải tỏ ra nhẫn nhịn trong một khoảng thời gian. Họ sẽ phải im lặng dù có thất vọng. Nhưng dần dần họ sẽ phát tín hiệu rằng quan điểm của đảng và bộ máy của Trump đang không hợp nhịp nhau. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đến vào thời điểm 2 năm tới, tức sau khi bầu cử quốc hội giữa kỳ.
Các quan chức đảng Cộng hòa sẽ kiên nhẫn theo dõi Tổng thống Trump một thời gian. Ảnh: AP. |
- Tổng thống Trump đã đối mặt hệ thống kiểm soát và cân bằng ngay tháng đầu tiên, vấn phải sự cản trở mạnh mẽ từ tòa án vì sắc lệnh cấm nhập cư của ông. Liệu sự đối đầu này sẽ kéo dài bao lâu?
- Tổng thống Trump và chính quyền của ông sẽ tạm thời rút lệnh cấm nhập cư bị các tòa án vùng chống đối. Về lâu dài, đây là kế hoạch để chiến thắng của ông. Thực tế, các tòa án cấp thấp đã làm những điều hiếm khi xảy ra - tòa án thách thức tổng thống với các vấn đề quan trọng như chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
Tôi đoán rằng Nhà Trắng sẽ tạm thời rút lại sắc lệnh để điều chỉnh nó. Lần này, họ sẽ cân nhắc những yếu tố khiến tòa án phản đối, chỉnh sửa lại câu chữ để nó hợp pháp hơn, và sẽ đệ trình sau một khoảng thời gian. Họ có thể làm điều này sau khi ứng viên mà ông Trump đề cử vào Tòa án Tối cao (đang trong tình trạng cân bằng “bế tắc”) thông qua.
Xét về kịch bản này, thời gian đang đứng về phe ông Trump. Trước đây họ đã vội vàng và xử lý không tốt khiến các đối thủ, giới truyền thông và công chúng có cơ hội chĩa mũi dùi vào sắc lệnh hành pháp của tổng thống.
Giáo sư John R. Karaagac là giảng viên và diễn giả nổi tiếng tại Mỹ. Ông có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Indiana, Đại học Johns Hopkins và nhiều đại học lớn khác của Mỹ.
Ông Karaagac tham dự một tọa đàm tại Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng 11/2016. Ảnh: baoquocte.vn. |
Ngoài giảng dạy, ông còn là chuyên gia hàng đầu về chính trị và chính sách đối ngoại của Mỹ, tác giả một số cuốn sách nổi tiếng về chính trị, đối ngoại Mỹ và có nhiều dự án nghiên cứu lớn. Giáo sư John R. Karaagac tốt nghiệp cử nhân tại Đại học California và tiến sĩ (xuất sắc) về Quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.
Lần gần nhất ông đến Việt Nam công tác là vào tháng 11/2016 và phát biểu tại tọa đàm “Chính sách ngoại giao của Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump và các hệ lụy” do Bộ Ngoại giao tổ chức.