Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một tháng của Tổng thống Trump: Bao giờ hết khủng hoảng?

Tròn một tháng sau khi Donald Trump nhậm chức, dường như đặc trưng nổi bật nhất của chính quyền tỷ phú bất động sản vẫn là cuộc khủng hoảng này nối tiếp cuộc khủng hoảng khác.

Một tháng của Tổng thống Trump: 30 ngày và 7 con số Trong một tháng làm tổng thống, ông Donald Trump đã ký 12 sắc lệnh hành pháp, hứng chịu 55 đơn kiện và nhiều cuộc biểu tình phản đối tại Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới.

Ở Brussels (Bỉ) hôm 20/1, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đối mặt với sự chỉ trích công khai của các đối tác châu Âu, những người đang cảm thấy bối rối vì những chính sách và cam kết của chính quyền mới tại Washington.

“Đơn giản là cả châu Âu và Mỹ phải thực hiện những gì mình rao giảng”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk có phát biểu không thể thẳng thắn hơn sau cuộc gặp với ông Pence. Ông ca ngợi ông Pence vì đã ba lần nói “đồng ý” với 3 vấn đề Liên minh châu Âu (EU) nêu ra: trật tự thế giới, an ninh và chính sách của Mỹ đối với EU.

Trump hon loan sau mot thang anh 1
Đội ngũ của Trump vẫn đang bị cuốn vào vô số các cuộc đấu đá nội bộ và mâu thuẫn phe phái, thể hiện ở các thông tin rò rỉ ra bên ngoài. Ảnh: Getty. 

Những lo lắng hiển hiện 

Lo ngại của các đồng minh cũ, trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia ở Thái Bình Dương cho đến EU ở Đại Tây Dương hay các nước Bắc Mỹ đều hiển hiện. Tất cả đều chưa rõ chính sách của Tổng thống Trump sẽ thay đổi thế nào với họ. Và đối ngoại chỉ là một phần rất nhỏ của chính quyền Trump một tháng qua.

Mỗi ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng, Trump đưa ra hàng loạt quyết định vội vã, khiến cả thế giới phải lắc đầu. Ông có cuộc điện đàm đầy giận dữ với Thủ tướng Australia, nước đồng minh thân cận, cãi nhau công khai trên Twitter với Tổng thống Mexico khiến ông này hủy cuộc gặp dự định từ trước.

Ông bàn thảo cuộc khủng hoảng Triều Tiên với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngay giữa bữa tiệc có nhiều khách mời. Trong một bữa tối, ông cũng phê chuẩn cuộc tấn công đặc nhiệm vào Yemen khiến một lính SEAL và một bé gái 8 tuổi thiệt mạng.

Ở Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 100 vị trí chủ chốt hiện vẫn trống sau khi Trump loại bỏ một loạt thành viên quan trọng ở bộ ngay sau khi nhậm chức. Hơn 1.000 viên chức ngoại giao nước này đã ký vào văn bản thể hiện sự bất đồng với chính quyền. Đây là con số kỷ lục kể từ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.  

Các khủng hoảng liên tiếp

Từ sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi cho đến việc chật vật với quá trình phê chuẩn các ứng viên nội các, cũng như liên tục các thông tin rò rỉ về đấu đá nội bộ trong đội ngũ của ông, chính quyền Trump đang loay hoay và bối rối.

Việc cố vấn an ninh của Trump là tướng Michael Flynn buộc phải từ chức sau chỉ ba tuần, một kỷ lục lịch sử, là cú sốc tiếp theo. Flynn buộc phải ra đi sau những liên lạc với phía Nga trái với quy trình, đồng thời nói dối về việc này.

Chính quyền chúng ta tiếp tục hỗn loạn không thể tin nổi

Tướng Tony Thomas

Tốc độ phê chuẩn nhân sự của Trump cũng chậm kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy ông Trump có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất sau một tháng từ khi số liệu thăm dò này được tính.

Đó là những tuần đầy biến động cho chính quyền Trump. Rất nhiều chính trị gia lâu năm của Mỹ và Washington đều lắc đầu nói họ chưa bao giờ nhìn thấy cảnh hỗn loạn và kém năng lực như vậy.

“Chính quyền chúng ta tiếp tục hỗn loạn không thể tin nổi”, CNN trích lời tướng Tony Thomas, người đứng đầu cơ quan chỉ huy các chiến dịch đặc biệt, nói tại một cuộc hội thảo tuần trước ở Maryland. “Tôi hy vọng là họ sớm giải quyết vì đất nước chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh”, Thomas phát biểu.

Một số có thể biện minh rằng trục trặc là điều không tránh khỏi của bất cứ chính quyền nào. Một số khác thì nói đây là cuộc đấu đá trong nội bộ phe Trump. Thói quen điều hành ưa thích của ông Trump cũng là sắp xếp để các nhân viên của mình cạnh tranh, đối đầu lẫn nhau.

Nhưng rất nhiều người khác thì chỉ ra chính bản tính thất thường, không kiên định và có cái tôi quá lớn của ông Trump là nguyên nhân chính. Ông Trump cũng là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ đắc cử mà chưa hề có bất cứ kinh nghiệm chính trị hay quân sự nào.

Trump hon loan sau mot thang anh 2
Trump vẫn cho rằng một tháng của ông là "trơn tru" và thành công. Ảnh: Politico.

Nhưng cả ông Trump và những người ủng hộ đều bác bỏ các thông tin hỗn loạn. Họ nói tốc độ ra các sắc lệnh, việc chỉ định thẩm phán toà tối cao hay việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều chớp nhoáng. Trump liên tục lên mạng chỉ trích các đài báo lớn như New York Times, CNN, NBC... là “tin vịt” và ca cẩm rằng ông phải tiếp nhận "một đống hỗn loạn" từ ông Obama.

Ở Mỹ, ông phát biểu sai trên truyền hình trực tiếp về chiến thắng đại cử tri, các thông cáo báo chí của Nhà Trắng thường xuyên có lỗi chính tả. Ông tiếp tục cãi nhau trên Twitter với mọi người, từ các thượng nghị sĩ, cựu Thống đốc California Arnold Schwarzenegger cho đến tập đoàn bán lẻ từ chối bán sản phẩm của cô con gái Ivanka.

Rồi sau đó là những thông điệp trái ngược nhau của Nhà Trắng về việc tướng Flynn rời đi. Ứng viên cho chức bộ trưởng lao động, Andrew Puzder, đã phải rút khỏi đề cử sau khi có những dấu hỏi đối với cá nhân cũng như các hoạt động kinh doanh của ông này.

Không cần đến tuần thứ tư cầm quyền, lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh của ông bị chỉ trích kịch liệt và dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình ở các sân bay, khách du lịch tới Mỹ giảm.

Trump phải sa thải bộ trưởng tư pháp tạm quyền khi bà từ chối bảo vệ lệnh cấm này. Ông chỉ trích các thẩm phán khi họ bác đơn kháng án của chính quyền. Và bất chấp tất cả các khủng hoảng này, ông vẫn gọi đó là “sự triển khai trôi chảy” sắc lệnh.

“Bộ máy này vận hành trơn tru”, Trump phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên mà ông liên tục chỉ trích báo giới. Những người quan sát thì gọi đó là màn “tuồng hát”.

Bob Shrum, cố vấn phe Dân chủ và là một chiến lược gia, gọi những cố gắng bao biện của ông Trump là “lố bịch”. “Nó giống chiếc xe hơi mà không còn số nào hoạt động và anh cũng chẳng biết là anh sẽ chạy 90 dặm hay 30 dặm/giờ hay là chỉ đang chạy loạn xạ”, báo Guardian trích lời ông Shrum.  

Một số bên phe Cộng hoà thì cho rằng vấn đề xuất phát từ đội ngũ mỏng của Trump cũng như sự nhiêu khê của hệ thống liên bang.

Hỗn loạn nội bộ 

Hoạt động của chính quyền mới còn bị cản trở bởi chuyện cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích cùng sự nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ phe Trump. Truyền thông Mỹ mô tả về "sự hoang tưởng" của nhóm nhân viên khi phải sử dụng phần mềm chat bí mật mà có thể xoá tin nhắn ngay sau khi đọc xong.

“Nó giống chiếc xe hơi mà không còn số nào hoạt động và anh cũng chẳng biết là anh sẽ chạy 90 dặm hay 30 dặm/giờ hay là chỉ đang chạy loạn xạ

Bob Shrum, cố vấn phe Dân chủ

Thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà năm 2008, nói với báo giới tuần trước: “Cả hệ thống rơi vào tình trạng không hoạt động. Ai là người ra quyết định ở Nhà Trắng? Anh chàng 31 tuổi (Miller)? Hay là ông Bannon? Hay là Chánh văn phòng? Tôi không biết”.

Về nguyên tắc, đó phải là Chánh văn phòng Nhà Trắng Priebus. Đây là vai trò truyền thống của họ. Nhưng Trump thì không phải ông chủ truyền thống. Và cách thức truyền thống của Priebus đụng với hai luồng tư tưởng của Bannon và Miller.

Bannon, người từng làm chủ trang tin tức cánh hữu Breitbart, bị phe Dân chủ chỉ trích là kẻ kỳ thị chủng tộc và được nhiều người đánh giá là nhân vật quyền lực thật sự của chính quyền Trump.

Tuần trước, Bannon và Priebus cùng tiến hành cuộc phỏng vấn chung nhằm bác bỏ thông tin về sự chia rẽ giữa hai người. Nhưng như Rick Tyler, một chuyên gia chính trị, nói: “Không có trật tự ngôi thứ rõ ràng. Không rõ ai là người kiểm soát ở đây”.

Nếu đó là Chánh văn phòng Nhà Trắng, theo Tyler, Priebus đúng ra sẽ là người sa thải tướng Flynn. “Nếu Priebus và Bannon muốn làm PR thể hiện hai người có quan hệ tốt, thì điều đó chỉ thể hiện là Priebus đang thất thế. Ông ta là chánh văn phòng Nhà Trắng, ông ta không cần nói rằng mình đi gặp Bannon, vốn chỉ là phụ tá”.

Trump không phải là tổng thống đầu tiên gặp trục trặc ngay từ sớm. Ông Bill Gaston, cựu cố vấn của Bill Clinton, nhớ lại vào năm 1993 hầu như không nhân viên nào của Clinton từng làm ở Nhà Trắng.

“Điều đó tạo ra đủ mọi vấn đề. Chỉ đơn giản không hiểu bộ máy hoạt động thế nào cũng đã là vấn đề lớn”, ông nói.  

Nhưng ông Clinton đã nhanh chóng sửa sai. Ông thuê nhân vật lọc lõi về Quốc hội là Leon Panetta (người sau này làm Bộ trưởng Quốc phòng) và David Gergen, người từng làm việc trong các chính quyền Richard Nixon, Gerald Ford và Ronald Reagan.

Trump hon loan sau mot thang anh 3
Các sắc lệnh ông Trump ký bị chỉ trích có những lỗi sơ đẳng. Ảnh: AP. 

Những kẻ tay ngang và người chuyên nghiệp 

“Anh cần những người hiểu rằng làm ở Nhà Trắng rất quá tải khi đủ mọi thứ lao đến từ tất cả các hướng”, ông Galston nói với Guardian. “Anh cần hiểu tất cả các miếng ghép của chính quyền. Nó không nhịp nhàng giống như dàn nhạc. Nó giống như anh đang tung hứng với dao và kiếm”, Gaston ví von.

Nhưng chuyên gia cao cấp ở Viện Brookings này cũng thừa nhận chính quyền của Trump là không bình thường. Gaston kể ông đã hỏi rất nhiều người xem có cụm từ hay cách so sánh nào (cho chính quyền Trump) mà không ai nghĩ ra. Thước đo của họ đều vỡ hết. 

“Chúng ta có một tổng thống dường như không phân biệt nổi thế nào là hỗn loạn hay trật tự... Có những kẻ tay ngang đang làm việc vốn của những người rất chuyên nghiệp mới có thể làm được và kể cả những người chuyên nghiệp đó cũng có thể làm sai”, Gaston kết luận.

Những người ủng hộ Trump thì lại cho rằng với một nhân vật không phải chính trị gia và đang vừa làm vừa học, ông đang làm tốt và báo chí đang quá lời.

“Nó giống như khởi đầu của bất cứ chính quyền nào”, Christopher Nixon Cox, người quen Bannon và những nhân vật thân cận với Trump, nói. Ông so sánh tháng đầu tiên của ông Trump với ông Clinton. Khi đó những người phê phán cũng chỉ trích đó là những tuần “thảm hoạ”.

“Mỗi chính quyền đều có các vấn đề nội bộ trong cung đình”, Nixon Cox nói.

“Ông ta là một tổng thống kiểu mạng xã hội ngày nay, có thể chúng ta biết nhiều những chuyện mà vốn ngày xưa được giữ kín. Sẽ có những ngày tốt và những ngày tệ, còn quá sớm để nói rằng chính quyền đã đi chệch hướng”, Cox kết luận.

Tổng thống Trump đối đáp căng thẳng với các phóng viên Nội dung chủ đạo trong cuộc họp báo ngày 17/2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump là những lần ông chủ Nhà Trắng ngắt lời và đấu khẩu với các phóng viên.

Trump và một tháng điều hành kiểu 'chính trị du kích'

Giáo sư John R. Karaagac cho rằng vì Trump xuất thân là trùm bất động sản nên luôn tìm cơ hội ở những mảnh đất mới và ông cần điều chỉnh để có nhiệm kỳ tổng thống thành công.

Tháng trăng mật sóng gió của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng

Sự khởi đầu của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng dường như vô cùng gian nan khi ông vướng vào các vụ kiện tụng, tình hình nhân sự lục đục cùng tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm