|
Khi chiếc trực thăng đưa ông Barack Obama và vợ rời thủ đô vào trưa ngày 20/1, có lẽ nhiều người mới thực sự nhận ra nước Mỹ đã có người lãnh đạo mới. Đó là ông Donald Trump, doanh nhân kiêm ngôi sao truyền hình thực tế và giờ đây là tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Không lâu sau giây phút tiễn biệt ấy, trong một động thái dường như phù hợp với cá tính của mình, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên phá bỏ di sản của người tiền nhiệm. Trong 30 ngày sau đó, chính quyền của ông "liên tục rơi vào tình trạng hỗn loạn không thể tin được", theo lời Tướng Raymond Thomas, Tư lệnh Bộ chỉ huy Các hoạt động Đặc nhiệm Mỹ.
1 Phá bỏ di sản Obama, thực hiện cam kết tranh cử
Chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan "xóa bỏ gánh nặng của chương trình Obamacare". Theo đó, ông Trump yêu cầu tạm thời "đóng băng" những hoạt động liên quan đến đạo luật cải cách y tế được xem là di sản của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, nội dung cụ thể không được tiết lộ.
Một di sản khác của người tiền nhiệm cũng bị ông Trump phá bỏ là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngày 23/1, tân chủ nhân Nhà Trắng đã ký bản ghi nhớ về việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại tự do mà nước này và 11 nước châu Á - Thái Bình Dương đã bỏ ra rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để đàm phán.
Tổng thống Trump ký các sắc lệnh hành pháp, bước đầu hiện thực hóa những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông. Ảnh: AP. |
Với quy mô chiếm tới 40% GDP toàn cầu, TPP từng là trụ cột căn bản trong chính sách "tái cân bằng", chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của ông Obama. Việc Washington rút khỏi TPP được xem là cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, từng coi hiệp định này là bản lề cho một trật tự thương mại mới khi các định chế như WTO tỏ ra bế tắc sau nhiều vòng đàm phán.
Hôm 30/1, Mỹ đã hoàn tất thủ tục rút khỏi TPP bằng việc chính thức gửi thông báo đến 11 nước thành viên còn lại. Ngoài ra, ông Trump cũng nhấn mạnh quan điểm bảo hộ thương mại mà ông theo đuổi lâu nay bằng tuyên bố tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gần như cùng lúc với việc rút khỏi TPP.
Trong ngày thứ hai tại Nhà Trắng, tân tổng thống Mỹ cho biết sẽ khởi động quá trình tái đàm phán NAFTA tại các cuộc gặp sắp tới với lãnh đạo Canada và Mexico. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng lên án đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ từng ký" và cam kết sẽ xóa bỏ hoặc thay đổi nội dung hiệp định.
"NAFTA là tai ương đối với đất nước chúng ta, một thảm họa đối với người lao động, công ăn việc làm và các công ty của chúng ta", CNN dẫn phát biểu của ông Donald Trump hôm 2/2. Ông công bố ứng viên bộ trưởng thương mại Wilbur Ross sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc tái đàm phán hiệp định đã tồn tại gần 2 thập kỷ.
Một trong những cam kết gây nhiều tranh cãi của ông Trump lúc tranh cử là xây dựng bức tường biên giới dài khoảng 3.000 km giữa Mỹ và Mexico để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép. Ngày 25/1, Tổng thống Trump ký hai sắc lệnh bước đầu hiện thực hóa lời hứa này.
Đồ họa: Hiền Đức. |
Nhà Trắng dự tính Mỹ trả trước kinh phí xây dựng bức tường rồi sau đó bắt Mexico hoàn lại. Trong khi đó, giới chức Mexico tuyên bố không thể có chuyện họ trả số tiền này, ước tính vào khoảng 25 tỷ USD.
Theo CNN, tính đến ngày thứ 29 của nhiệm kỳ, tân Tổng thống Trump đã ký tất cả 12 sắc lệnh hành pháp và khoảng 12 bản ghi nhớ (số liệu tương đối do bản ghi nhớ không bắt buộc công khai). Bản ghi nhớ, thường được xem là tài liệu thể hiện các ưu tiên của chính quyền, tuy không có giá trị pháp lý như sắc lệnh hành pháp nhưng cũng có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến chính sách.
2 Lần đầu đụng độ cơ chế 'kiểm soát và cân bằng'
Ngày 3/2, thẩm phán James Robart tại Seattle, bang Washington, đã ra phán quyết yêu cầu tạm dừng thực thi sắc lệnh về di trú mà Tổng thống Trump ban hành. Dù không khẳng định sắc lệnh của ông Trump là vi hiến, vị thẩm phán tuyên bố đơn kiện của các bang Washington và Minnesota là đủ cơ sở pháp lý.
“Hiến pháp đã chiến thắng trong ngày hôm nay. Không ai được đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống”, Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson tuyên bố về phán quyết của ông Robart. Trước đó, bang Washington đã đệ đơn kiện, cho rằng sắc lệnh hành pháp yêu cầu tạm cấm nhập cảnh đối với công dân 7 nước Hồi giáo đồng thời tạm dừng các chương trình tiếp nhận người tị nạn là "vi hiến và phi pháp".
Ông Trump, người nhiều năm điều hành doanh nghiệp với quyền lực không bị kiểm soát, lần đầu tiên đụng độ cơ chế "kiểm soát và cân bằng" cho thấy giới hạn quyền lực của tổng thống trong hệ thống tam quyền phân lập ở Mỹ.
Học giả Francis Fukuyama từng nhận định nhiệm kỳ của tổng thống thứ 45 sẽ là "phép thử đầy thú vị về việc thể chế của Mỹ mạnh mẽ thế nào". Ông cho rằng thể chế đó "chưa từng bị thách thức bởi một lãnh đạo muốn tìm cách xóa bỏ những luật lệ và quy tắc vốn có của nó" cho đến khi ông Trump xuất hiện.
"Không ai được đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống", Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson phát biểu về lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Ảnh: Getty. |
"Vì vậy, chúng ta đang được đưa vào một cuộc thí nghiệm tự nhiên vĩ đại mà sẽ cho thấy nước Mỹ là quốc gia của luật pháp hay là quốc gia của người phàm", giáo sư Fukuyama viết trong bài bình luận đăng trên Politico vài ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump.
Người Mỹ tin tưởng mạnh mẽ rằng cơ chế “kiểm soát và cân bằng” đủ khả năng bảo vệ đất nước trước những nhà lãnh đạo độc đoán và lạm dụng quyền lực. Diễn biến những ngày qua giúp nhiều người tin tưởng rằng ông Trump vẫn có thể bị kiểm soát.
Sau phán quyết của thẩm phán Robart, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu bác bỏ phán quyết, khôi phục việc thực thi sắc lệnh. Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 tại San Francisco đã từ chối đề nghị này.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao là nơi duy nhất có thể tuyên bố sắc lệnh hành pháp của tổng thống là vi hiến và hủy bỏ sắc lệnh. Quá trình để vụ việc đi tới Tòa án Tối cao có thể mất tới một năm và trong thời gian này Tổng thống Trump có thể tiếp tục thay đổi chính sách nhập cư để "lách" phán quyết của tòa án liên bang khu vực.
3 Nội các 'tỷ phú' kém đa dạng, phê chuẩn chậm
Theo Forbes, nội các do ông Trump đề cử có tổng tài sản lên đến 4,5 tỷ USD, được cho là giàu nhất lịch sử nước Mỹ. Con số này cao hơn 60% so với tổng tài sản các thành viên nội các của Obama (khoảng 2,75 tỷ USD) và thậm chí còn chưa bao gồm tài sản của chính vị tổng thống đắc cử, ước tính khoảng 3,7 tỷ USD.
“Tôi muốn những người làm ra nhiều tài sản”, ông Trump lên tiếng khi bị chỉ trích vì đề cử nội các toàn tỷ phú, triệu phú. Nổi bật trong số những tên tuổi kếch xù nhất là Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos...
Đồ họa: Châu Vũ |
Tuy nhiên, cho đến ngày thứ 25 của nhiệm kỳ, Thượng viện mới chỉ phê chuẩn 9 trên 15 đề cử nội các chủ chốt của ông Trump. Đây được xem là nội các trải qua phê chuẩn chậm nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ, trừ tổng thống đầu tiên George Washington.
Trên thực tế, nội các của nhiều tổng thống đã sẵn sàng ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, đặc biệt là trong suốt 52 năm từ thời Tổng thống James Garfield năm 1881 đến Tổng thống Flanklin D. Roosevelt năm 1933. So sánh cùng thời điểm với các đời tổng thống gần đây, số ứng viên nội các được phê chuẩn của ông Trump cũng ít nhất.
Ngoài ra, nội các đang thành hình của Tổng thống Trump cũng vấp phải chỉ trích vì tỷ lệ nam giới da trắng cao hơn tất cả nội các nhiệm kỳ đầu của những người tiền nhiệm Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton và George H.W. Bush. Nếu tất cả đề cử của ông Trump được thông qua, phụ nữ và người da màu sẽ chỉ giữ 5 trong tổng số 22 vị trí.
Tiến sĩ Paul Light thuộc Đại học New York nhận định tân tổng thống Mỹ đang có bộ máy nhân sự kém phong phú về mặt giới tính và nhân khẩu học. "Xét về tính đa dạng của nội các, Donald Trump đang quay trở về thời xưa", ông Light nói.
Số đàn ông da trắng trong nội các nhiệm kỳ đầu của tổng thống Mỹ từ thời Ronald Reagan tới nay. Đồ họa: New York Times. |
Tình hình nhân sự của tân tổng thống cũng cho thấy nhiều rối ren nội bộ. Tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia đồng thời là một trong những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất, đã từ chức hôm 13/2 sau những cáo buộc về mối quan hệ của ông với Nga. 2 ngày sau, ứng viên bộ trưởng lao động Andrew Puzder đã từ bỏ "cuộc chơi" giữa một loạt chỉ trích.
Đáng chú ý, trong một diễn biến chưa từng có tiền lệ, ông Trump đã loại Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) ra khỏi các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Thay vào đó, cố vấn chiến lược của tổng thống Stephen Bannon được phép tham dự các cuộc họp này. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về sự tranh giành ảnh hưởng giữa các phe phái trong nội bộ tân tổng thống Mỹ.
4 Đối đầu báo chí, phá vỡ quy tắc ngoại giao
Hôm 28/1, ông Trump có cuộc điện đàm nảy lửa với Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia, đồng minh thân cận của Mỹ. Đây là một trong những vụ việc nổi cộm cho thấy tân tổng thống Mỹ dường như đi ngược lại mọi quy tắc ngoại giao.
"Đó là sự bất lịch sự ở mức độ mà chúng tôi không hề trông đợi”, Michael Fullilove, giám đốc điều hành Viện Lowy (cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu Australia), nói về cuộc điện đàm. Trong khi đó, thượng nghị sĩ bang Virginia Tim Kaine cho rằng ông Trump "đang hành xử thiếu thận trọng với các vấn đề quốc gia hệ trọng”.
Tổng thống Trump đi ngược lại mọi quy tắc ngoại giao. Ảnh: Getty. |
Theo CNN, nhiều nhà quan sát cho rằng ông Trump dường như đang nhìn nhận hoạt động ngoại giao qua lăng kính của việc giao dịch kinh doanh, nơi có kẻ thắng người thua. Những cuộc điện đàm hay những dòng tweet của ông khiến ông không ra dáng tổng tư lệnh nước Mỹ.
Dù có tài khoản Twitter riêng dành cho tổng thống Mỹ sau khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump vẫn sử dụng tài khoản cá nhân trước nay. Ông vẫn giữ thói quen cập nhật Twitter liên tục trong thời gian ngắn với những lời lẽ đôi khi không mấy "ngoại giao", kể cả về vấn đề chính sách quan trọng.
Cái bắt tay "19 giây" gây xôn xao giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe. Ảnh: Getty. |
Theo New York Times, điều này khiến đội ngũ của ông, trong đó có Hội đồng An ninh Quốc gia, phải thường xuyên "chạy theo" vị tổng thống để đưa ra các chính sách phù hợp với nội dung các dòng tweet.
Sự yêu thích Twitter của ông Trump cũng đi đôi với việc ông có hiềm khích với báo chí. Tân tổng thống Mỹ từng tuyên bố rằng "nếu báo chí trung thực, tôi dĩ nhiên sẽ không sử dụng Twitter" và nhiều lần gọi các tờ báo, đài truyền hình là "báo chí giả".
Tại các buổi họp báo, vốn rất hiếm hoi, ông Trump vẫn thoải mái đùa giỡn với những phóng viên mà ông biết rõ. Ông cũng liên tiếp ngắt lời khi các phóng viên đặt câu hỏi và phớt lờ những chủ đề ông không đồng tình. Cuộc họp báo riêng đầu tiên sau nhậm chức của ông diễn ra hôm 16/2 đã biến thành buổi phê phán và chỉ trích kéo dài hơn 70 phút.
Theo các chuyên gia lịch sử, chưa từng có tổng thống nào lại công khai chỉ trích báo giới và phóng viên như ông Trump, kể cả Richard Nixon trong cuộc khủng hoảng Watergate mà cuối cùng buộc ông phải từ chức.
Dĩ nhiên, có lẽ cũng chưa có tổng thống nào có thể gây xôn xao dư luận bằng màn bắt tay "19 giây" với thủ tướng Nhật Bản như ông Trump. Điều này một lần nữa thể hiện phong cách ngoại giao phá vỡ mọi quy tắc của vị tỷ phú.
5 Biểu tình rầm rộ, tỷ lệ ủng hộ thấp nhất lịch sử
Hôm 18/2, Telegraph dẫn cuộc thăm dò do hãng nghiên cứu dư luận Gallup tiến hành cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 40%, thấp hơn 21 điểm so với tỷ lệ trung bình của các tổng thống Mỹ là 61% cùng thời điểm. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử chính trường Mỹ.
Đồ họa: Phương Thảo. |
Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn ông Trump bị luận tội và phế truất. Đến nay, hơn 860.000 người đã ký tên vào đơn kiến nghị online do nhóm vận động Impeach Trump Now (luận tội Trump ngay lập tức) soạn ra. Nhà cái khắp nơi đã bắt đầu rao cược cho viễn cảnh "ông Trump bị phế truất".
Tỷ lệ tín nhiệm thấp dành cho ông Trump có thể phần nào được nhìn thấy thông qua các cuộc biểu tình rầm rộ không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới từ hôm nhậm chức. Ngày 20/1, các cuộc biểu tình phản đối ông Trump tại thủ đô Washington chuyển thành bạo lực khi nhiều người đập phá, đốt lửa, phá hoại tài sản.
Tiếp đó, phong trào biểu tình Women's March (cuộc tuần hành của phụ nữ) bắt đầu hôm 21/1 đã diễn ra tại hơn 500 thành phố ở Mỹ, thu hút hơn 3,7 triệu người tham gia. Theo Vox, đây có thể là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Người dân các thành phố lớn thế giới như London, Paris, Berlin, Madrid... cũng xuống đường với các khẩu hiệu phản đối tân tổng thống Mỹ.
Chỉ trong một tuần, làn sóng biểu tình chống Trump lại một lần nữa dâng cao sau khi ông công bố sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo. Ngoài khu trung tâm các thành phố lớn, biểu tình cũng diễn ra ở các sân bay giữa cảnh lực lượng an ninh tiến hành bắt giữ và trục xuất nhiều người.
Theo Politico, nhiều người bạn của ông Trump cho biết tân tổng thống Mỹ đang dần thích nghi với thực tế mới, cũng như đang học cách để điều hành đất nước và Nhà Trắng vốn phức tạp hơn là điều hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự khởi đầu của vị doanh nhân trở thành tổng thống đang bị bao phủ bởi nhiều "mây đen" hơn là "nắng ấm".
"Nhiệm kỳ của Trump có lẽ có một khởi đầu chông gai nhất mà tôi từng biết", Douglas Brinkley, nhà sử học chuyên theo dõi các đời tổng thống Mỹ, nhận định.