Các nước láng giềng Đông Á của Triều Tiên là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng có mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng có thể sẽ có những tính toán khác nhau sau hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong Un.
Nhật Bản, vẫn chưa thể gặp trực tiếp ông Kim Jong Un và đang dựa vào Tổng thống Trump trong hầu như mọi việc từ an ninh đến số phận các công dân bị Bình Nhưỡng bắt cóc từ nhiều thập kỷ trước.
Hàn Quốc vẫn hoài nghi nhưng cũng hy vọng rằng kết quả tích cực của đàm phán có thể dẫn đến một hiệp ước hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác. Còn Trung Quốc, đối thủ của Mỹ đang gia tăng sự hiện diện trong khu vực, tìm cách tiếp tục tác động đến Triều Tiên.
Tokyo lo lắng
Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ có chính sách ngoại giao tương tự Washington, đang phụ thuộc vào Tổng thống Trump vì Thủ tướng Shinzo Abe không thể gặp ông Kim Jong Un. Tokyo lo ngại bị cho "ra rìa" bởi các quốc gia khác trong khu vực tăng cường tương tác với Triều Tiên.
Ông Abe không muốn Tổng thống Trump thỏa hiệp về chương trình tên lửa của Triều Tiên, khiến Nhật Bản có nguy cơ bị tấn công bằng những tên lửa tầm ngắn không đến được lục địa Mỹ. Ông cũng không muốn ông Trump giảm bớt áp lực lên Triều Tiên trước khi tiến hành các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump tại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 7/6. Ảnh: AFP/Getty. |
Theo các nhà phân tích, nếu ông Trump tập trung thảo luận về tên lửa tầm xa và hiệp ước hòa bình, có thể dẫn đến việc Mỹ giảm hiện diện quân sự tại Hàn Quốc, gây nguy cơ an ninh cho Nhật Bản.
"Điều đó sẽ đặt Nhật Bản vào một vị trí rất, rất ảm đạm trong tương lai", AP dẫn lời Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo Quốc tế Tokyo.
Kịch bản tốt nhất cho Nhật Bản sẽ là ông Trump cam kết ngoại giao để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và giúp đỡ trong việc khiến Bình Nhưỡng ngồi xuống thảo luận vấn đề bắt cóc. Tokyo cho biết ít nhất 17 người Nhật đã bị Triều Tiên bắt cóc để dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, phục vụ công tác đào tạo gián điệp của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên chỉ thừa nhận bắt cóc 13 người và cho phép 5 người trong số họ về thăm Nhật Bản vào năm 2002 rồi ở lại quê nhà. Thân nhân những người bị bắt cóc khác đang già đi và nhiều người coi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim là cơ hội cuối cùng cho một bước đột phá trong việc xác định số phận của họ.
Nhật Bản hy vọng tổ chức đàm phán với Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim thành công, và ông Abe đã lên tiếng sẵn sàng hôm 7/6 sau cuộc gặp Trump ở Washington. Nước này cho biết sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và cung cấp viện trợ kinh tế như một phần thưởng cho cam kết của Triều Tiên trong cả vấn đề hạt nhân và bắt cóc.
Một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Abe và ông Kim sẽ không có khả năng xảy ra trong tương lai gần trừ khi Nhật Bản phát triển một chiến lược mới trong việc đối phó với Triều Tiên, còn Triều Tiên có thể mong đợi trợ giúp kinh tế từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên cũng không vội vàng gì chạy về phía Nhật Bản.
Seoul hy vọng nhưng hoài nghi
Người Hàn Quốc đang sống giữa hy vọng và nghi ngờ sau khi nhìn thấy những diễn biến bất ổn dẫn đến hội nghị thượng đỉnh. Họ hy vọng rằng mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ giảm bớt căng thẳng, thêm động lực cho sự hòa giải và hợp tác giữa hai miền trên bán đảo.
Một số thậm chí còn suy đoán rằng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể thảo luận về một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, thay thế cho thỏa thuận đình chiến hiện tại.
Tuy nhiên, hiệp ước hòa bình sẽ làm tăng nhu cầu dài hạn của Triều Tiên về việc giảm hoặc rút quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Những người hoài nghi nói rằng có quá nhiều vấn đề cần cân nhắc và ưu tiên nên được tập trung vào việc khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Moon Jae In (phải) đóng vai trò quan trọng trong những diễn biến tích cực gần đây của thượng đỉnh Trump - Kim. Ảnh: AP. |
Theo John Delury, chuyên gia nghiên cứu Đông Á tại Đại học Yonsei ở Seoul, hội nghị thượng đỉnh chỉ là khởi đầu của một quá trình dài, nhưng thành công của nó là "cực kỳ quan trọng" đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vì ông coi đàm phán liên Triều là trung tâm chính sách của mình và đã đặt cược nhiều vốn chính trị vào nỗ lực này.
Chuyên gia Delury cho biết một hội nghị thượng đỉnh thành công sẽ tạo điều kiện cho hai miền trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tiến hành hòa giải và hợp tác. Giảm nguy cơ xung đột là mục tiêu ban đầu, sau đó có thể là các bước tiến về văn hóa, nhân đạo và kinh tế.
Bắc Kinh thận trọng
Trump từ lâu đã dựa vào Trung Quốc để thuyết phục Triều Tiên kiềm chế các hành động của mình, bất chấp những phản đối từ Bắc Kinh và một số chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể bị phóng đại.
Tuy nhiên, với một số người, dù hội nghị thành công hay thất bại cũng vẫn là dấu hiệu cho thấy vai trò to lớn của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, điều mà Bắc Kinh từ lâu đã khao khát. Một kết quả tích cực từ Singapore cũng có thể làm giảm áp lực lên Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại với Washington và làn sóng phản đối việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.
Ông Kim Jong Un vẫy tay chào từ trong đoàn tàu rời Bắc Kinh trong chuyến thăm hồi tháng 3. Ảnh: KCNA/AFP/Getty. |
Bắc Kinh muốn đảm bảo rằng lợi ích của mình được giữ nguyên trong các cuộc đàm phán, cụ thể là không có kết quả nào dẫn đến thống nhất bán đảo Triều Tiên theo hướng có lợi cho Mỹ. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi đóng băng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Mỹ - Hàn Quốc, đổi lại việc dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng hậu thuẫn cách tiếp cận "theo từng giai đoạn, đồng bộ" đối với vấn đề phi hạt nhân hóa, trái ngược với yêu cầu của Washington: chấm dứt "ngay lập tức, hoàn toàn và không thể đảo ngược" chương trình hạt nhân của Triều Tiên.