Ngày 31/5, cả đất nước Italy dường như chìm trong sự sợ hãi xen lẫn phẫn nộ trước thông tin ông trùm mafia khét tiếng Giovanni Brusca được phóng thích sau 25 năm thụ án, theo AFP.
Người thân của những nạn nhân từng bị Brusca giết hại bày tỏ cảm xúc kinh hãi lẫn thất vọng bởi đối tượng đã phá hoại gia đình họ nay lại được đối xử như một công dân bình thường.
Người ta dần nhớ lại quá khứ khủng khiếp về “trùm mafia tàn độc nhất” - theo cách gọi của báo La Repubblica - người từng chẳng ngần ngại thú nhận bản thân từng thực hiện hàng trăm vụ giết người không ghê tay.
Gia đình "ba đời làm mafia"
Giovanni Brusca sinh ngày 20/2/1957 tại San Giuseppe Jato - một ngôi làng ở Sicily, miền Nam Italy. Theo trang All That's Interesting, đối với Brusca, quỹ đạo cuộc sống chưa bao giờ có gì khác ngoài mafia.
Brusca là một trong ba người con trai của ông trùm Bernardo Brusca - một trong bốn thủ lĩnh của băng đảng mafia khét tiếng lúc bấy giờ là Corleonesi.
Từ đời ông cố, ông nội cho đến đời cha làm mafia nên phong cách sống này đã ăn sâu vào tiềm thức của Brusca ngay từ khi còn nhỏ.
Chân dung cha của Brusca - Bernardo Brusca. Ảnh: Corriere. |
Khi lớn hơn, Brusca tiếp tay cho những đối tượng bị truy nã bằng cách tiếp tế thức ăn và quần áo. Cậu thanh niên này cũng bắt đầu lau rửa và thu thập lại đống vũ khí mà cha mình cất và chôn ở những cánh đồng gần đó.
Khi Brusca vừa tròn 18 tuổi cũng là lúc bàn tay lần đầu "nhúng chàm".
Một năm sau, ông ta giết nạn nhân thứ hai. Bằng một khẩu súng ngắn hai nòng, Brusca đã hạ gục nạn nhân ngay bên ngoài một rạp chiếu phim đông người qua lại.
Với hai vụ án rúng động đó, Brusca ngay lập tức được “ông trùm của những ông trùm” Salvatore Riina tín nhiệm, đưa tên vào hàng ngũ mafia. Sau khi trở thành thành viên chính thức, Brusca thành tài xế cho một thủ lĩnh khác của Corleonesi là Bernardo Provenzano.
Không lâu sau, Brusca được giao một nhiệm vụ "sở trường": Giết người.
Thông thường, ông ta sẽ tra tấn nạn nhân để khiến họ “nói chuyện”. Quá trình tra tấn có thể diễn ra cả giờ đồng hồ. Từ bẻ chân bằng búa cho đến kéo tai bằng kìm, Brusca không từ bất cứ một thủ đoạn dã man nào để bắt đối phương phải tiết lộ thông tin.
Cuối cùng, khi nhận thấy nạn nhân hết giá trị, Brusca thường bóp cổ họ cho đến chết. Để thủ tiêu xác, Brusca cũng tìm nhiều cách ghê rợn không kém.
Chân dung Brusca hồi trẻ. Ảnh: All Thats Interesting. |
“Một số pentiti (cựu mafia) có thể thấy ghê tởm bởi những gì họ đã làm. Nhưng tôi tự tin là mình chưa bao giờ khó chịu bởi những điều này”, ông viết trong hồi ký.
Nhiều người cho rằng Brusca giết người vì điều đó làm ông ta "thích thú", nhưng ông không cho là như vậy. Hầu hết trong các phi vụ, Brusca không hề biết nạn nhân là ai. Ông chủ ra lệnh, phận làm tôi tớ thực hiện theo lệnh. Đơn giản chỉ là vậy.
Trong một lần, Brusca được giao nhiệm vụ giết một mục tiêu không xác định ngồi trong máy kéo. Ba người khác nhau ngồi trên ba chiếc máy kéo khác nhau. Với “tiêu chí” thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, Brusca đã giết cả ba.
Vụ đánh bom rung chuyển cả Italy
Giovanni Brusca không chỉ phạm tội giết người mà còn là người khơi mào cuộc chiến chống lại pháp luật Italy.
Vào những năm 1980, là cánh tay phải của Salvatore Riina, Brusca cùng đồng bọn chiến đấu với cảnh sát bằng súng AK-47 và dùng bom xe nhắm vào các công tố viên.
Mục tiêu đầu tiên phải chết là Rocco Chinnici - công tố viên trưởng thành phố Palermo, người đã thành lập Antimafia Pool với nhiệm vụ tiêu diệt hoàn toàn băng nhóm mafia.
Tháng 7/1983, Brusca đã cho đặt thuốc nổ vào xe của Chinnici. Cú nổ mạnh tới mức hất văng chiếc xe cao ngang tòa nhà ba tầng. Hai vệ sĩ cùng công tố viên thiệt mạng, và 20 người khác bị thương.
Sau khi Chinnici qua đời, Giovanni Falcone tiếp quản vị trí người đứng đầu Antimafia Pool. Trên cương vị mới, Falcone được trao những quyền hạn chưa từng có để trấn áp Mafia. Từ tháng 2/1986 đến tháng 1/1992, hơn 300 mafia đã bị tuyên án tù chung thân, bao gồm cả ông trùm Riina (tuy nhiên người này đã bỏ trốn).
Hai công tố viên Falcone và Borsellino. Ảnh: Corriere. |
Đến năm 1990, nhiều mafia bị Falcone bắt giữ kháng cáo. Một số thành viên chính phủ thỏa thuận với mafia để ngăn chặn các vụ truy tố để tránh đổ máu. Tuy nhiên, Falcone và một công tố viên khác là Paolo Borsellino đều đã kháng nghị thành công.
Giờ đây, cả Falcone và Borsellino đều là mục tiêu. Ngày 23/5/1992, khi Falcone ngồi trên chiếc xe bọc thép từ sân bay đi về hướng Palermo, Brusca đã đặt sẵn 400 kg thuốc nổ trong đường hầm và kích nổ. Cả Falcone, vợ và hai đặc vụ chống khủng bố đều thiệt mạng.
Công tố Borsellino cũng bị ám sát hai tháng sau đó.
Thế chỗ ông trùm
Sau vụ ám sát Falcone, các mafia càng hành động táo bạo hơn bao giờ hết. Chúng đã sử dụng bom xe để tiếp tục chống lại cảnh sát và cho nổ tung các tòa nhà chính phủ. Và Brusca đều đóng một vai trò chủ chốt trong những vụ việc này.
Sau nhiều nỗ lực, cảnh sát Italy đã bắt giữ được Santino Di Matteo, đồng lõa với Brusca trong vụ ám sát Falcone.
Hiện trường vụ ám sát Falcone ở Sicily vào ngày 23/5/1992. Ảnh: AFP. |
Không lâu sau, Di Matteo trở thành người cung cấp thông tin cho chính phủ về tất cả những người liên quan đến vụ ám sát, bao gồm cả Giovanni Brusca.
Ngoài ra, thông tin của Di Matteo cũng dẫn đến việc bắt giữ Riina vào năm 1993 và nhận bản án chung thân cùng năm.
Với Riina sau song sắt, Brusca thế chỗ và thành ông trùm mafia hàng đầu. Một trong những mệnh lệnh đầu tiên của Brusca là trừng phạt Di Matteo vì sự phản bội của anh ta.
Năm 1993, Brusca bắt cóc con trai 12 tuổi của Di Matteo để cố gắng thuyết phục Di Matteo khai lại. Bảy ngày sau, ông ta gửi thư ghi dòng chữ "Câm miệng lại" cùng với bức ảnh cậu bé tới cho gia đình.
Cậu bé Giuseppe Di Matteo - con trai Santino Di Matteo - người bị băng nhóm Brusca bắt cóc để trả thù. Ảnh: Meteoweek. |
Trong suốt hơn 2 năm, Brusca đã tra tấn, bỏ đói và nhốt cậu bé trong lồng sắt. Người của Brusca thậm chí còn gửi ảnh cậu bé bị đánh đập cho cha cậu.
Và vào tháng 1/1996, khi cậu bé 15 tuổi, Brusca đã ra lệnh “tống khứ con chó con đi”. Ông ta bóp cổ cậu bé đến chết.
Tuy nhiên, Di Matteo vẫn không hề nao núng. Thông tin của Di Matteo đã dẫn đến việc Brusca bị kết án vắng mặt vì tội giết người.
“Tôi không thể nhớ hết tên của những người tôi đã giết”
Vào ngày 20/5/1996, ở tuổi 39, Brusca bị bắt khi đang ăn tối với gia đình tại một ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn Sicilia gần Agrigento.
Khi nhà chức trách lục soát ngôi nhà, họ phát hiện ra rằng gia đình Brusca đang xem một chương trình truyền hình về Falcone - người mà Brusca đã giết gần đúng bốn năm trước đó.
Cả hai anh em đều tự nguyện đầu hàng chính quyền mà không hề kháng cự.
Sau khi Brusca bị bắt, mafia bắt đầu mất dần sức mạnh và ảnh hưởng.
Cảnh sát áp giải Brusca vào năm 1996. Ảnh: Reuters. |
Năm 1997, Di Matteo và Brusca gặp mặt trực tiếp tại tòa. “Tôi đảm bảo mình tuân thủ pháp luật. Nhưng với con thú vật này, tôi không đảm bảo gì cả. Nếu tôi với nó ở cùng với nhau trong vòng hai phút, tôi sẽ chặt đứt đầu nó”, Di Matteo bật khóc nói với thẩm phán.
Sau khi bị bắt, Brusca bắt đầu hợp tác với cảnh sát. Ban đầu, sự hợp tác vấp phải sự hoài nghi bởi nhiều người cho rằng “sự hối cải” chỉ là mưu mẹo để thoát khỏi các điều khoản tù đày khắc nghiệt giành cho trùm mafia.
Trong một cuốn sách, Brusca thừa nhận: “Cá nhân tôi không thể nhớ hết, từng người một, từng cái tên những người tôi đã giết. Nhiều hơn một trăm (số người Brusca đã giết) nhưng chắc chắn ít hơn hai trăm”.
Bản án của Brusca đã được giảm từ chung thân xuống còn 26 năm sau quá trình hợp tác với cảnh sát để cung cấp các thông tin bắt giữ nhiều mafia khác.
Ngày 31/5, Brusca được trả tự do, bất chấp làn sóng phẫn uất bao trùm khắp đất nước Italy.