Lãnh đạo cảnh sát Philippines, ông Archie Gamboa, ngày 13/8 cho biết Anduljihad Susukan đầu hàng sau đàm phán với cảnh sát ở thành phố Davao, miền Nam Philippines.
Theo tiết lộ của một số quan chức Philippines ngày 14/8, Susukan kết thúc lẩn trốn sau khi bị thương trong một vụ đụng độ. Người này có nhiều lệnh truy nã liên quan đến 23 vụ giết người, 6 vụ âm mưu giết người và 5 vụ bắt cóc.
Đây là thủ lĩnh cấp cao nhất của nhóm khủng bố khét tiếng tàn bạo Abu Sayyaf bị Philippines bắt giữ trong năm nay. Susukan còn bị cáo buộc liên quan đến các vụ hành quyết con tin bằng cách chặt đầu, với các nạn nhân gồm 2 công dân Canada và 1 công dân Malaysia, theo AP.
Anduljihad Susukan bị cảnh sát Philippines bắt giữ đêm 13/8 ở thành phố Davao. Ảnh: AP. |
Nhóm Abu Sayyaf bị Mỹ và Philippines cùng xem là tổ chức khủng bố. Nhóm đứng sau một số vụ đánh bom, bắt cóc tống tiền và chặt đầu con tin. Quân đội Philippines đã mở chiến dịch truy quét nhóm này trong nhiều năm qua. Một bộ phận của Abu Sayyaf, đa phần là nông dân và người nghèo, đã đầu quân cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Giới chức an ninh Philippines từng quy trách nhiệm cho Susukan và thuộc hạ về những vụ bắt cóc du khách, công dân Malaysia trên đảo Borneo. Năm 2005, Abu Sayyaf gây rúng động với vụ chặt đầu con tin giữa rừng ở tỉnh Sulu, đúng vào dịp Thủ tướng Najib Razak của Malaysia đến thủ đô Philippines dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Susukan còn hỗ trợ tài chính cho 2 vụ bắt cóc công dân Canada. Các nạn nhân bị chặt đầu cũng tại Sulu vào năm 2016 sau khi nhóm phiến quân không đòi được tiền. Người trực tiếp cướp đi sinh mạng của 2 công dân Canada là Ben Yadah hiện vẫn lẩn trốn ngoài vòng pháp luật.
Quân đội Philippines và đặc nhiệm Mỹ phối hợp truy tìm Susukan ở tỉnh Sulu vào năm 2007. Ảnh: AFP. |
Theo tiết lộ của giới chức Philippines, Susukan tìm đến một thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo để đầu hàng. Trước đó, trong một vụ đấu súng với quân đội ở Sulu, khẩu súng trường phóng lựu M203 của trùm khủng bố bất ngờ phát nổ và khiến cánh tay trái đứt lìa.
Thủ lĩnh phiến quân mà Susukan tìm đến là Nur Misuari, đứng đầu nhóm Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro (MNLF) từng ký hòa ước với chính phủ vào năm 1996.
Nur Misuari ngày 9/8 cùng Susukan và một số cộng sự đi máy bay riêng từ Sulu sang Davao, quê nhà của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo Philippines có mặt tại thành phố vào cùng giai đoạn. Có ý kiến cho rằng ông Misuari muốn tự giao nộp Susukan cho tổng thống.
"Việc nghi phạm đầu hàng với ông Misuari không phải là hành vi đầu thú theo đúng pháp luật và không giúp ông ấy thoát bắt giữ", người phát ngôn quân đội Philippines, Edgard Arevalo, cho biết.